Hợp tác quảng cáo

Chữa tàn nhang bằng chanh - thực hư thế nào?

3:32 PM | 17/10/2017 -
Làm đẹp

Với lời khẳng định: “Rẻ, an toàn lại hiệu quả”, chữa tàn nhang bằng chanh tươi là phương pháp làm đẹp đang được lan truyền rộng rãi trong cộng đồng mạng.

Chua tan nhang bang chanh - thuc hu the nao?

1001 kinh nghiệm

Lướt qua một số diễn đàn về làm đẹp, chẳng khó để nhận ra rằng chữa tàn nhang là mối quan tâm lớn của rất nhiều các chị em. Họ truyền tai nhau đủ bí kíp như dùng lá trầu không, cà rốt giã nát, vỏ đậu xanh… nhưng có lẽ phổ biến nhất vẫn là phương pháp dùng chanh tươi để trị tàn nhang.

Trên diễn đàn webtretho, thành viên Thuocno… chia sẻ: “Mình mới ở tuổi băm thôi nhưng mặt mày đã xuất hiện những nốt tàn nhang, lúc đầu thì nhàn nhạt, sau đậm dần. Thấy vậy, chị bạn thân chỉ cho một cách xóa tàn nhang vô cùng hiệu quả. Đó là dùng nước cốt chanh trà trực tiếp lên da, để khoảng 15 phút sau rửa mặt. Một tuần chỉ thực hiện một lần thôi, sau khoảng 2 tháng sẽ có tác dụng”.

Một cách sử dụng chanh khác cũng được đông đảo các mẹ hưởng ứng đó là dùng lòng trắng trứng gà pha với nửa thìa nước cốt chanh và một quả óc chó giã nhuyễn, trộn đều, sau đó xoa lên vùng da bị tàn nhang. Để khoảng 20 phút rồi rửa mặt bằng nước sạch. Cách này cũng chỉ cần thực hiện tuần một lần, nhưng ai muốn hiệu quả nhanh thì nên chịu khó thực hiện hai lần một tuần. Bàn về cách làm đẹp này, thành viên Motra… khẳng định trên diễn đàn Lamchame: “Mình đã đắp mặt nạ này khoảng 3 tháng nay. Theo những người xung quanh nhận xét thì da mặt mình trắng hơn và những vết tàn nhang cũng mờ đi.

Tuy nhiên, cũng trên diễn đàn này, mẹ Vocua… lại phàn nàn: “Nghe lời mấy mợ ở đây, em cũng hí hửng bôi bôi trát trát nhưng tàn nhang vẫn vậy. Chồng em còn bảo hình như dạo này em đen đi. Nghe mà não cả ruột”. Ngay sau khi lời nhận xét này được đẩy lên, những thành viên khác đã ào ào đưa ý kiến: “Chắc tại cơ địa mẹ nó không hợp với phương pháp này rồi”, “Tại mẹ nó sử dụng không đúng hướng dẫn”, “Mẹ nó phải kiên trì chứ làm một hai lần không ăn thua đâu”…

Chỉ khảo sát trên hai diễn đàn, thế nhưng xung quanh việc xóa tàn nhang bằng chanh đã có những ý kiến trái chiều. Vậy thực hư công dụng của phương pháp làm đẹp này như thế nào?

Đừng vội tin

Cũng như nám da, tàn nhang là một hiện tượng rối loạn sắc tố da. Nó là bệnh lành tính, không gây ra sự khó chịu nào nhưng lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ nên làm đau đầu nhiều chị em phụ nữ. Chính bởi tâm lý “có bệnh phải vái tứ phương” mà nhiều người luôn tìm mọi cách để xóa tàn nhang dù chưa biết hiệu quả của nó đến đâu, có gây ra tác hại gì không.

Theo BS. Lê Quang Lộc (Nguyên trưởng liên khoa, trưởng phòng khám da liễu của Bệnh viên Xanh-pôn, Hà Nội): Làm biến mất tàn nhang không hề đơn giản. Trên thực tế, nhiều người dù được điều trị tích cực nhưng tàn nhang chỉ mờ dần chứ không mất hẳn, thế nên không thể có chuyện chỉ sử dụng nước chanh tươi mà có thể trị được bệnh này.

Mặc dù nước chanh chứa rất nhiều vitamin C, có tác dụng làm nhạt màu các đốm nâu và kích thích tạo collagen cho da, nhưng hàm lượng không đủ và cũng không thể vượt qua lớp sừng để mang lại hiệu quả. Mặc dù có nguồn gốc tự nhiên, nhưng không phải sử dụng chanh để làm đẹp là hoàn toàn vô hại. Bởi lẽ, nếu sử dụng thường xuyên, các loại acid có trong chanh sẽ gây hại cho làn da khiến da mỏng đi, dễ bắt nắng hơn và cũng dễ bị kích ứng hơn.

Chua tan nhang bang chanh - thuc hu the nao?

Với những lời khẳng định sau một thời gian dùng chanh tươi, tàn nhang đã mờ hẳn, hiệu quả chắc chắn không phải là từ chanh tươi mà là do chế độ chăm sóc da mặt của họ trong thời gian này hợp lý. Hơn nữa, khi tâm lý thoải mái, nội tiết tố nữ cũng được sản xuất ra nhiều hơn, do đó làn da cũng trở nên sáng sủa hơn.

Để tránh “kẻ thù”

Cũng theo bác sỹ Lộc, chữa trị tàn nhang bao gồm: hạn chế những vết tàn nhang mới, làm mờ hoặc biến mất các vết cũ. Hiện nay, phương pháp trị tàn nhang được đánh giá hiệu quả là sử dụng phương pháp nội khoa, tức là uống các loại thuốc vitamin A, E, C. Hàm lượng các loại thuốc này cũng không giống nhau ở tất cả mọi người mà phải phụ thuộc và tuổi tác, số lượng, màu sắc các vết tàn nhang. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chăm sóc da đúng cách.

Để có làn da khỏe mạnh, trước tiên, mỗi người cần nhận diện được các “kẻ thù” của làn da. Trước tiên đó là hóa chất. Thực tế cho thấy nhiều chị em sử dụng mỹ phẩm tuy rất tiện. Họ dùng sữa rửa mặt, kem dưỡng da, đắp mặt nạ… chủ yếu do lời khuyên từ người khác hay từ quảng cáo mà không quan tâm xem da mình thuộc loại gì, có phù hợp với loại mỹ phẩm ấy không. Và điều này đã khiến nhiều làn da bị tổn thương nặng nề.

“Kẻ thù” thứ hai cũng góp phần “hủy diệt” làn da đó chính là ánh nắng mặt trời. Khi không được bảo vệ, các tia cực tím chính là nguyên nhân khiến da sạm màu. Bên cạnh đó, môi trường khói bụi, thực phẩm ô nhiễm cũng khiến làn da của bạn không khỏe mạnh. Sự căng thẳng cũng sẽ khiến làn da chịu nhiều “tổn thất”. Để tránh được những “kẻ thù” này, bạn cần duy trì những thói quen tốt như thoa kém chống nắng, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường ngay cả khi trời tối, ăn uống lành mạnh, sạch sẽ, luôn giữ đầu óc thư giãn…

Chữa nám da đòi hỏi sự kiên trì bởi thời gian để thành công thường rất lâu, thậm chí là không thể khỏi hoàn toàn, nhất là với những bệnh nhân bị nám da do di truyền. Khi được điều trị, tàn nhang sẽ mờ hoặc biến mất, nhưng điều đó không có nghĩa là nó đã được điều trị tận gốc. Thực tế cho thấy nhiều trường hợp còn bị nổi thêm các nốt mới. Thế nên, phòng ngừa tàn nhang vẫn quan trọng hơn cả.

Phân biệt tàn nhang và nám da

- Không phải vết sậm nâu nào trên cơ thể cũng là tàn nhang. Chúng có thể là nám da. Việc phân biệt nám da và tàn nhang sẽ giúp bạn có được những phương pháp điều trị thích hợp với tình trạng của bản thân.

- Tàn nhang là những đốm nhỏ, tròn hoặc bầu dục, mọc rải rác ở mặt, cổ, tay, ngực, lưng và có thể xuất hiện ngay từ nhỏ và không liên quan đến tình trạng lão hóa. Chúng thường đậm hơn vào mùa hè khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nhạt màu hơn vào mùa đông.

- Trong khi đó, nám da thường là thương tổn sắc tố, xuất hiện đối xứng ở hai má, vùng trên môi, mũi, cằm, giữa trán. Nám hay gặp ở phụ nữ và xuất hiện ở người trưởng thành. Nám da lại có nhiều nguyên nhân nhưng hai nguyên nhân chính: Sự thay đổi hormone và ảnh hưởng của ánh sáng cường độ mạnh. Ngoài ra, nám cũng có thể là do tác động từ việc sử dụng mỹ phẩm bừa bãi, căng thẳng thần kinh.

An Châu

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Gia đình khỏe

Sống tâm lý

Cho con