Hợp tác quảng cáo

Đối mặt với… rạn da

8:30 AM | 18/12/2014 -
Làm đẹp

(SKGĐ) Đơn giản là một “sự cố” bất kỳ ai cũng có thể gặp phải trong thời kỳ bầu bí hay ở tuổi dậy thì. Nhưng với không ít người, những vết rạn trên da đã trở thành nỗi ám ảnh trong một thời gian dài.

Rạn da - “Dấu vết” tuổi dậy thì

Không chỉ có phụ nữ mang thai, những cô bé cậu bé đang tuổi ăn tuổi lớn cũng có thể phải đối mặt với “làn da ngựa vằn”. Với tốc độ “lớn nhanh như thổi” cả về chiều cao lẫn cân nặng, khả năng đàn hồi của da cũng khó có thể bắt kịp, kết quả là da bị kéo căng quá mức, dẫn đến sự hình thành của những vết rạn. Bên cạnh đó, một số loại hormone được sản sinh nhiều trong giai đoạn dậy thì cũng góp phần làm hạn chế tính đàn hồi của da, khiến da càng dễ bị rạn hơn.

Với trẻ em ở tuổi dậy thì, vết rạn thường xuất hiện ở những vùng da ở ngực, mông, hai bên hông, đùi, đầu gối, bắp chân, khuỷu tay. Rạn da do tuổi dậy thì thường gặp ở trẻ gái nhiều hơn. Rất may là những vết rạn này sẽ mờ dần theo thời gian nếu trẻ duy trì được cân nặng ổn định.

Để hạn chế rạn da trong thời kỳ này, trẻ cần được ăn thêm các thực phẩm giàu vitamin A, E, C như rau xanh, hoa quả. Massage những vùng bị rạn với các loại dầu dưỡng có chứa vitamin E cũng giúp làm mờ các vết rạn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên giúp trẻ tẩy tế bào chết để da mịn màng hơn.

Rạn da - “Ngựa vằn” thời bầu bí

Trong thời kỳ bầu bí, sự tăng cân nhanh chóng trong khi làn da chưa kịp “giãn” ra để phù hợp với “điều kiện mới” thường gây ra những vết rạn xấu xí trên da, nhiều nhất là ở vùng da đùi và bụng dưới. Bạn càng tăng cân nhanh chóng thì nguy cơ và mức độ rạn da càng lớn.

Với phương châm phòng hơn chống, để hạn chế nguy cơ rạn, bạn nên sử dụng kem chống rạn da kết hợp với massage ở vùng da dễ rạn ngay trong thai kỳ. Các dưỡng chất trong kem sẽ ngấm sâu vào da, làm tăng tuần hoàn máu, kích thích da tái tạo nhanh hơn.

Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý chọn các loại không có thành phần AHA, axit glycolic, Retin-A, đây là những thành phần được khuyến cáo là không an toàn cho thai nhi. Tốt nhất, bạn nên xin ý kiến tư vấn của bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn loại kem phù hợp nhất.

Nếu việc sử dụng mỹ phẩm khiến bạn không an tâm, hãy tìm đến các liệu pháp thiên nhiên. Các loại dầu thực vật chiết xuất từ hạt vừng, ôliu, hướng dương, đậu nành tỏ ra khá hữu hiệu trong việc xóa những vết rạn. Thoa đều lên vùng da dễ bị rạn cho đến khi dầu thấm hoàn toàn, da không còn cảm giác nhờn dính, thực hiện ngày hai buổi (sáng và tối).

Trong trường hợp, bạn không còn cơ hội để “phòng”, việc chống rạn sau khi sinh với các loại kem gần như không hiệu quả, không ít chị em tìm đến công nghệ làm đẹp hiện đại tại các spa như chiếu tia laser hoặc sử dụng phương pháp siêu mài mòn.

Nhưng theo đánh giá của một số bác sĩ chuyên khoa, kỹ thuật siêu mài mòn có tác dụng làm mờ vết rạn nhưng hiệu quả không cao, chưa kể nếu mài sâu quá có thể gây ra sẹo thâm nám. Phương pháp hiệu quả nhất hiện tại vẫn là phẫu thuật ghép da thay thế hoặc căng da thẩm mỹ. Cách làm này khá tốn kém.

Rạn da chỉ vì tăng cân

Theo một nghiên cứu y khoa, những người béo phì độ 2 trở lên (cân nặng vượt quá 30-50% so với cân nặng chuẩn) đều có những vết rạn trên da. (Cách tính chỉ số cân nặng chuẩn BMI: trọng lượng cơ thể (đơn vị: kg) chia cho chiều cao (đơn vị: m); kết quả bằng 23 là đạt chuẩn),

Với những bệnh nhân béo phì, cộng thêm trong gia đình có người bị bệnh tiểu đường, thì nguy cơ rạn da càng lớn, những vết rạn xuất hiện sớm và nhiều. Thuốc lá cũng là một trong những nguy cơ gây rạn da.

Ở những người béo phì nghiện thuốc (hút từ 10 điếu trở lên/ngày) các sợi collagen và elastin giảm sút nhanh chóng, khiến cho họ bị rạn da ngay chỉ khi tình trạng béo phì mới chỉ ở cấp độ 1 (cân nặng vượt quá 20-30% cân nặng chuẩn).

Thông thường, đối với nam giới bị béo phì vết rạn da thường xuất hiện ở đùi, thắt lưng; với nữ giới thì xuất hiện nhiều ở bụng, đùi, mông, ngực. Điều đáng chú ý là khi giảm cân, vết rạn da của bệnh nhân béo phì cũng không mất đi. Bởi lẽ, khi giảm cân, đặc biệt là giảm cân đột ngột, da sẽ bị chùng xuống, mất khả năng đàn hồi nên việc phục hồi làn da rất khó khăn.

Bên cạnh một số hướng xử lí như đã kể trên, bạn nên luyện tập một cách hợp lý để kiểm soát cân nặng tránh tình trạng tăng hoặc giảm cân đột ngột.

Corticoid – kẻ thù của làn da

Sử dụng thuốc có thành phần corticoid kéo dài dưới dạng bôi, uống, chích để điều trị một số bệnh mạn tính liên quan đến tổn hại thần kinh xung quanh khớp, điều trị bệnh hen suyễn, bệnh chàm, viêm xoang, hoặc bệnh chàm, bệnh sẩn ngứa… cũng góp phần làm rạn da. Sử dụng corticoid trong thời gian dài sẽ khiến da bị teo mỏng và xuất hiện thêm các vết rạn da mới.

Nguyên nhân là vì corticoid làm giảm chức năng nâng đỡ của sợi collagen, elastin và sợi lưới - các loại sợi giữ cho da có độ săn chắc và tính đàn hồi cao, chống được tình trạng chảy xệ, rạn da. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý sử các loại thuốc bôi có chứa corticoid và nên hỏi ý kiến bác sĩ về các biện pháp hỗ trợ chống rạn da khi sử dụng loại thuốc này.

Các sợi collagen và elastin ở vùng hạ bì (lớp dưới cùng của da) chính là vị cứu tinh cho làn da tươi trẻ với khả năng đàn hồi tốt. Khi lượng mỡ tăng lên quá nhanh sẽ kéo căng và làm đứt các sợi collagen và elastin khiến da mất khả năng đàn hồi và hình thành các vết rạn.

Thuỳ Trang

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Gia đình khỏe

Sống tâm lý

Cho con