Hợp tác quảng cáo

Dùng tinh dầu sai một ly đi một dặm

11:08 AM | 01/12/2018 -
Làm đẹp

Bản chất của tinh dầu là tốt. Nhưng mỗi loại lại có đặc tính riêng thích hợp cho từng đối tượng. Vì thế muốn hưởng lợi bạn phải biết cách dùng.

Dung tinh dau sai mot ly di mot dam

Cẩn thận sảy thai

Chị Trần Thị Thu ở Dương Quảng Hàm, TP.HCM có bầu được 2 tháng thì tình trạng nghén diễn ra rất nặng. Chị nôn ói thường xuyên. Ngửi mùi thức ăn là chị thấy khó chịu.  Đi ra đường ngửi mùi xăng, mùi khói bụi chị càng muốn ói. Vì thế chị đã cầu viện đến  chai tinh dầu oải hương. Chị thường dùng chúng để massage thư giãn và dung chúng để  ngửi. Nhưng đến khi chia sẻ với bác sỹ sản khoa về việc này, thì chị nhận được lời khuyên là ngừng ngay việc dung tinh dầu trong 3 tháng đầu thai kỳ, kẻo ảnh hưởng tới  con.

Nói về điều này PGS.TS Nguyễn Thái An, Bộ môn Dược liệu, Đại học Dược Hà Nội cho hay thai phụ thì không dùng tinh dầu trong các tháng đầu thai kỳ, đặc biệt các loại  húng quế, đơn sâm, đinh hương, oải hương, khuynh diệp, bạc hà… bởi chúng gây rối loạn đông máu, co thắt tử cung dễ làm sảy thai.

Mỗi người có chỉ định riêng

Nhận biết tinh dầu nguyên chất

◆ Tinh dầu có nguồn gốc tự nhiên, mùi thơm nhẹ, mát và dễ bay hơi còn hương liệu có  mùi hắc và lâu phai.

◆ Nhỏ một giọt tinh dầu lên một nền vải hoặc giấy thấm. Nếu có dầu pha trộn thì nó sẽ hiện lên một “vòng mỡ” sau khi tinh dầu đa bốc hơi. Tinh dầu nguyên chất thường bốc hơi hoàn toàn mà không để lại dấu vết gì. 

Nói chung về tinh dầu thì Tiến sỹ Thái An cho biết chúng là nhóm hoạt chất trong dược  liệu, có tác dụng tốt cho sức khỏe. Tinh dầu giúp chữa các bệnh về đường hô hấp, bệnh về da. Nhưng tinh dầu có tác dụng thế nào còn phụ thuộc vào từng cá thể, cơ địa của mỗi  người.

Không ít người bị mẩn đỏ, dị ứng da, hắt hơi, sổ mũi… vì không hợp với mùi tinh  dầu này, mùi tinh dầu kia. Những người vốn có cơ địa dị ứng cũng có thể bị dị ứng tinh dầu gây ra những triệu chứng nghiêm trọng như nhức đầu, nôn ói, mệt mỏi, lên cơn hen suyễn… Tinh dầu cũng có ảnh hưởng tới huyết áp của người dùng.

Tùy theo loại tinh dầu  mà chúng làm tăng hay giảm huyết áp. Nếu người huyết áp cao mà lại dùng tinh dầu có tính chất làm tăng huyết áp (hoặc ngược lại) thì sẽ gặp nguy hiểm. Thế nên để tinh dầu thực sự phát huy hiệu quả thì người sử dụng cần có kiến thức về chúng.

Nguy cơ ung thư vì tinh dầu dỏm

Trên thị trường hiện tồn tại song song hai dòng sản phẩm là tinh dầu thiên nhiên và hương liệu (mà nhiều người bán vẫn giới thiệu là tinh dầu).

Với những người không sành thì rất khó phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng dỏm. Điều này dẫn đến rất nhiều nguy hại cho sức khỏe. Nói về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thái An cho biết: Tinh dầu là những chất lỏng có mùi thơm, là hỗn hợp của nhiều hợp chất thiên nhiên, thường được chưng cất từ thực vật (hoa, lá, thân, rễ...). Tinh dầu nguyên chất được sử dụng trong liệu pháp tinh với mục đích nâng cao sức khỏe thể chất, tình cảm  và tinh thần: giảm đau, kháng viêm, kháng khuẩn, giảm stress, mất ngủ… Tinh dầu đi  vào cơ thể qua da (khi massage hoặc tắm), qua hệ tiêu hoá (uống) hoặc qua hệ thống hô  hấp (máy khuếch tán, xông hơi).

Các nhà tinh dầu liệu pháp (aromatherapist) tin rằng tinh dầu nguyên chất chứa “năng lượng sống”, “tinh chất” của cây trồng, nhiều thành phần của nó khoa học hiện nay chưa thể xác định và bào chế được. Các thành phần này tồn tại trong một tổng thể và tạo nên sự riêng biệt độc đáo cho mỗi loại tinh dầu. Trong khi đó hương liệu chỉ chứa những hoạt chất chính để tạo mùi nên số lượng các hợp chất trong hương liệu ít hơn trong tinh dầu. Hương liệu chỉ tạo mùi và không được khuyến cáo cho mục đích điều trị. Tiến sỹ Thái An nhận định tinh dầu có giá thành rất đắt, gấp  hơn rất nhiều lần so với hương liệu và nhìn chung, khó có thể tìm mua được tinh dầu có  nguồn gốc từ thiên nhiên mà đa phần là từ tổng hợp và bán tổng hợp.

Các loại sản phẩm từ hương liệu vừa không có tác dụng sức khỏe vừa có nguy cơ gây ung thư. Đó là bởi các chất thơm của hương liệu có thể có các bản chất hóa học là vòng  benzen - tác nhân tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.

Lưu ý khi dung tinh dầu

● Không thoa trực tiếp tinh dầu nguyên chất lên da, vết thương hở hoặc   để rơi vào mắt, dùng tinh dầu để uống.

● Phụ nữ có thai, trẻ em dưới 6 tháng tuổi khi cần sử dụng tinh dầu cần   tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sỹ.

● Người huyết áp cao tránh dùng tinh dầu khuynh diệp, hương thảo, xạ hương...

● Người huyết áp thấp tránh dùng tinh dầu oải hương, kinh giới ô, ngọc

lan tây

● Với da nhạy cảm, da bị viêm, da thường bị dị ứng và nhạy cảm với mỹ phẩm tránh dùng tinh dầu đinh hương, gừng, bạc hà, xạ hương...

● Với người lần đầu tiên sử dụng tinh dầu nên có một bài test 24h với loại tinh dầu mà mình lựa chọn bằng cách nhỏ 1 giọt tinh dầu nguyên chất vào 10ml nước ấm lắc đều rồi thoa lên vùng da mỏng nhất để trong 24h để thử phản ứng.

Mai Lan

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Gia đình khỏe

Sống tâm lý

Cho con