(SKGĐ) BS. Lâm Yên Phúc (Học viện Quân y) giải đắp một số câu hỏi về chăm sóc da mùa lạnh cho chị em như sau:
Rửa nước nóng hay rửa nước lạnh?
Câu hỏi này tưởng đơn giản nhưng không phải ai cũng có đáp án đúng. Thực tế, cả hai phương án trên đều không phải là giải pháp tối ưu cho làn da vào mùa lạnh.
Vào những ngày trời lạnh, nhiệt độ xuống thấp, rửa nước lạnh đương nhiên sẽ làm co thắt mạch da, da sẽ bị kém nuôi dưỡng, gây buốt, cóng. Còn nước nóng lại rất dễ làm hoà tan lớp dầu mỏng tự nhiên, chính là các chất giữ ẩm bề mặt cho da Thậm chí, nước nóng còn làm mất hẳn đi lớp dầu ở ngay sát dưới da, khiến da bị khô.
Giải pháp tối ưu chính là rửa bằng nước ấm. Để kiểm tra nhiệt độ nước hãy làm theo cách đơn giản sau: Xả nước ra chậu hay bồn rửa, nhúng tay vào và đưa lên vùng dái tai. Nếu như tai cảm thấy ấm là vừa. Còn nếu như cảm thấy hơi nóng thì có nghĩa là cần phải thêm nước lạnh vào.
Dùng kem dưỡng da hay kem giữ ẩm?
Vào mùa lạnh, bạn nên chú trọng vào kem giữ ẩm hơn là kem dưỡng da. Bởi vì lúc này, độ ẩm trong không khí rất thấp. Kem giữ ẩm sẽ giúp giữ lại nước cho da, tránh cho làn da không bị khô ráp. Hãy chú ý bảng thành phần để tìm đúng kem giữ ẩm mà bạn cần, bạn nên chọn loại có chứa il (dầu), olein, paraphin…
Rửa mặt bao nhiêu lần?
Rửa mặt nhiều lần đồng nghĩa với việc “gột” sạch lớp màng dầu mỏng mà trong y học gọi là lớp “phim mỡ” trên da. Lớp phim này vô cùng có giá trị, nó giữ nước lại cho da, chống bay hơi nước và dưỡng cho lớp da ngoài cùng. Ra sức kỳ cọ da mặt, nhất là vào những ngày lạnh (thường kèm theo khô hanh) chỉ khiến da khô càng thêm khô.
Mỗi ngày bạn chỉ nên rửa mặt tối đa 3 lần: sáng, trưa, tối.
Có nên kiêng nắng?
Tránh nắng cho da là đúng, bởi đó là cách tốt nhất để tránh tác hại của tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. Nhưng trong những ngày lạnh, rất ít khi có nắng và lúc này nắng cũng thường nhẹ, cường độ tia cực tím không quá đáng ngại.
So với lợi ích của việc tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời thì cái hại kể trên quả thực không đáng kể. Bởi vậy, thỉnh thoảng hãy mạnh dạn cho làn da tắm nắng một chút để có thêm sức sống. Vì vitamin D không những chỉ cần cho xương mà nó còn cần cho nuôi dưỡng da và hấp thụ calci tại hệ mạch trong da nữa.
Có nên tẩy tế bào chết?
Tẩy da thực chất là tẩy bỏ hết lớp mỡ nhờn, bóc bỏ lớp sừng hoá bên ngoài cùng để làm lộ ra lớp da ít tiếp xúc với môi trường và thường ít sắc tố hơn, gọi một cách dân dã là lớp da non. Vì vậy, sau khi tẩy tế bào chết, bạn thường có cảm giác da trở nên trắng sáng hơn.
Thực tế, tẩy da chết không làm thay đổi về chất (nghĩa làm da bạn từ sẫm màu thành trắng sáng) mà chỉ đơn giản là đẩy nhanh tốc độ thải loại da già và làm lộ hoá sớm lớp da non.
Về cơ bản thì điều này ít nghiệm trọng; nhưng trong mùa đông, thì nó lại trở nên không an toàn. Vì lớp da non thường ít sắc tố, ít nhờn và dễ bị bay hơi nước. Hậu quả là da dễ bị khô, nẻ và dễ bị tổn thương. Bởi vậy, nếu chưa thật cần thiết, chúng tôi khuyên không nên tẩy da vào mùa lạnh.
Theo chuyên đề
Sức khỏe gia đình (NXB Y học)