Lành mạnh, linh hoạt, chất lượng và không hóa chất... là những gì người ta đang ca tụng về mỹ phẩm khoáng. Nhưng không đơn giản như thế khi chúng ta mổ xẻ “đứa con cưng” của ngành công nghiệp mỹ phẩm này.
Cách chúng ta hàng nghìn năm, người Ai Cập cổ đại đã tạo điểm nhấn cho đôi mắt bằng các loại khoáng chất màu xanh như ngọc thạch anh hoặc serpentine trộn với nước.
Các loại son bóng thời kỳ này có thể được làm từ chất béo và một loại đất son đỏ. Công thức làm đẹp này đã được đánh giá như một điều cực kỳ xa hoa, sang trọng trong thời kỳ đó. Người La Mã cổ đại thì dùng oxit sắt để tạo nên màu đỏ cho đôi môi.
Việc sử dụng khoáng chất trong chế tạo mỹ phẩm tiếp tục trong thế kỷ 19. Ở thời kỳ này cả nam giới và phụ nữ đều sử dụng các loại mỹ phẩm làm từ hydroxit, carbonat, và oxit chì. Chính những phương pháp làm đẹp này đã gây ra cho sức khỏe của họ nhiều tai họa. Sau này, oxit kẽm đã được sử dụng như là một thay thế lành mạnh.
Như vậy, việc sử dụng khoáng chất trong ngành công nghiệp mỹ phẩm thực tế không còn là điều mới mẻ. Và tính hai mặt của khoáng chất trong việc làm đẹp không phải là chưa được đề cập đến. Nhưng liệu với công nghệ hiện đại, mỹ phẩm khoáng có thực sự là một lựa chọn hoàn hảo và tuyệt đối an toàn?.
Khoáng chất không có nghĩa là tuyệt đối an toàn
Mỹ phẩm khoáng đúng nghĩa (tức là 100% từ khoáng chất) tất nhiên sẽ giúp bạn loại bỏ được mối nguy hại từ các loại hóa chất độc hại, chất phụ gia trong mỹ phẩm thông thường. Nhưng điều này không có nghĩa da bạn sẽ được bảo vệ tuyệt đối, đặc biệt là với làn da nhạy cảm.
Sự thật là, titanium dioxide - được tìm thấy trong đa số các loại mỹ phẩm khoáng hiện tại vẫn đang trong tầm ngắm về mức độ gây ung thư của nó. Trong khi đó thì các nhà sản xuất chỉ nhấn mạnh tác dụng bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời khi nhắc đến vai trò của titanium dioxide.
Và mica, một loại khoáng chất được sử dụng trong mỹ phẩm khoáng với vai trò ngăn ngừa sự mở rộng các lỗ chân lông và tạo độ bám lên da. Mặc dù được Cục quản lý Thực phẩm và Dược, Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận và cho phép sử dụng nhưng sự tích tụ của loại khoáng chất này được cảnh báo là độc hại đến gan, hệ tiêu hóa và hô hấp. Silica, một chất được sử dụng như một thành phần kiểm soát dầu trong mỹ phẩm khoáng có thể bị nhiễm một lượng nhỏ thạch anh tinh thể - vốn được coi là chất gây ung thư.
Theo đúng nguyên tắc, nếu là 100% từ khoáng chất tự nhiên, các sản phẩm sẽ không có được sự đa dạng về màu sắc. Tuy nhiên, nhiều công ty mỹ phẩm vẫn thêm vào đó các loại thuốc nhuộm khoáng chất để tạo nên những tông màu như mong muốn. Và như vậy, họ đang đi ngược lại những lợi ích mà mỹ phẩm khoáng mang lại.
Thậm chí, ngay trong những sản phẩm được làm hoàn toàn từ khoáng chất cũng chứa những thành phần khoáng không đến từ tự nhiên, phổ biến nhất là bismuth oxycholoride. Chất này là phụ phẩm của quá trình xử lý chì và đồng, có thể gây kích ứng da, mẩn đỏ, mụn bọc trứng cá nếu sử dụng kéo dài.
Khoáng chất - Quá nhỏ cũng hại
Để tăng hiệu quả sản phẩm, khoáng chất thường được làm nhỏ đến kích thước nano. Vì vậy chúng có xu hướng bị hấp thu nhanh vào da. Chưa kể, ở kích thước này, khoáng chất có thể xuất hiện những đặc tính khác thường, thậm chí là có hại mà ở kích thước thông thường không có.
Ví dụ điển hình là kẽm và titan, chúng an toàn ở kích thước bình thường và đối với những vùng da khoẻ mạnh. Nhưng ở kích thước nano chúng có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhất là khi bôi vào vùng da bị tổn thương.
Cách đây không lâu khi TS. Mehmet Oz, một chuyên gia mỹ phẩm hàng đầu tại Mỹ đã cảnh báo những nguy cơ từ mỹ phẩm khoáng trên một chương trình truyền hình. Theo ông, mỹ phẩm khoáng được làm chủ yếu từ khoáng chất mica nhưng với kích thước nhỏ hơn 1.000 lần so với 10 năm trước. Các hạt nano siêu nhỏ này có thể đi vào phổi một cách dễ dàng qua đường thở. Nếu bạn có vấn đề về đường hô hấp, điều này có thể làm bệnh trầm trọng thêm.
5 thành phần nguy hiểm trong mỹ phẩm khoáng 1. Talc: Có trong nhiều loại mỹ phẩm khoáng nhưng nó là một chất bị nghi ngờ là có thể gây ung thư. 2. Bismuth oxychloride: Thành phần được thêm vào mỹ phẩm khoáng như một chất làm tăng độ mịn cho mỹ phẩm. Nó có thể gây mẩn đỏ, ngứa, khô da. 3. Paraben (methylparaben, propylparaben): Được sử dụng như một chất bảo quản, nó được tìm thấy trong các tế bào từ khối ung thư vú và bị nghi ngờ có thể làm tiến triển ung thư. 4. Thuốc nhuộm tổng hợp: Được sử dụng để tạo màu màu sắc, thường làm từ hắc ín, than hóa chất độc hại. 5. Titanium Dioxide (còn được ký hiệu là Ti02): Thành phần chính của hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm khoáng. Đây thực sự là vấn đề đáng ngại đối với đường hô hấp. |
Hiếu Nhi
Theo tạp chí Sống Khỏe