(SKGĐ) Ẩn sau những lợi thế: ít tốn tiền, ít mất thời gian, dễ đổi theo mốt… cách làm đẹp bằng sơn móng có thể gây hại cho sức khỏe của bạn vượt xa những gì bạn có thể tưởng tượng.
Việc chăm sóc và sơn móng tay ngoài tiệm đã trở thành thú vui tao nhã của nhiều chị em phụ nữ, trong đó có chị Phương Lan ( Q.3, Tp.HCM).
Sau những mệt mỏi của công việc, gia đình, chị thường dành thời gian tới lui tiệm gội đầu gần nhà. Mới đầu chị chỉ đến đó gội đầu, sấy tóc, buôn chuyện… sau đó thì bị cuốn vào thú vẽ nail lúc nào không hay. Có khi một tuần chị làm móng tới 3 lần chỉ để có nhiều thời gian buôn chuyện hơn ở ngoài tiệm.
Từ ngày sơn móng tay, chị lại có thói quen mới là ngửi mùi sơn móng tay. Cái mùi thơm thơm, nồng nồng ấy không biết có ma lực gì mà làm chị bứt rứt nếu không được ngửi. Ngửi mùi ở ngoài tiệm chưa đủ, chị Lan còn mua mấy lọ sơn móng tay về để ở phòng ngủ, hôm nào chồng về muộn là chị đóng kín cửa rồi mở nắp mấy lọ sơn móng tay ra, ngửi hít như người nghiện. Chị Lan ngày càng ít nói, suốt ngày chỉ ngẩn ngơ, mơ tưởng tới mùi sơn móng tay, khiến chồng chị vô cùng lo lắng.
Chồng chị mấy lần càu nhàu: “có nhà có cửa không ở, tối ngày tới lui quán cắt tóc, gội đầu, móng tay thì lúc xanh, lúc đỏ. Riết rồi nhà cửa cứ như nhà trọ…”. Nghe chồng phàn nàn chị Lan cũng biết mình đã dành quá nhiều thời gian và tiền bạc cho cái quán gội đầu đó, nhưng chỉ ở nhà được 1 tuần là chị lại phải bước chân tới tiệm.
Cũng có thú vui kỳ lạ là thích ngửi mùi sơn móng tay như chị Lan, Thu Giang (Q.7, Tp.HCM) còn bỏ cả thi đại học mở hẳn một tiệm nail nho nhỏ để vừa kiếm tiền, vừa thỏa sức hít hà “mùi thơm” của những loại sơn móng tay dù cô thừa sức trở thành sinh viên và mặc cho bố mẹ ra sức can ngăn.
Chỉ sau 1 năm mở tiệm nail, Giang đã gầy đi trông thấy, mặt mũi hốc hác, lúc nào cũng trong tình trạng bơ phờ, mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu như người làm việc quá sức. Cả nhà bắt Giang nghỉ làm, ở nhà nghỉ ngơi, nhưng cô nhớ mùi sơn móng tay quá, nghỉ ở nhà không nổi 1 ngày. Mọi việc sẽ cứ thế tiếp diễn nếu không có cái hôm Giang bị ngất xỉu ở tiệm làm nail. Khi được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ cho biết chính sở thích và thói quen ngửi mùi sơn móng tay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hệ thần kinh của Giang. Nếu can thiệp muộn, cô có thể bị mất ý thức, thậm chí là có thể tử vong do các loại hóa chất này.
Sơn móng tay có thật chỉ để làm đẹp?
Ths.BS. Lê Công Thiện, Trưởng phòng Điều trị Tâm thần Nhi và Người già, Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong các loại sơn móng tay có nhiều hóa chất độc hại, nguy hiểm nhất là 2 loại hóa chất formaldehyde và toluene ở dạng dung môi hữu cơ bay hơi rất nhanh và được hấp thụ ngay qua đường hô hấp, sau đó lưu tại gan, tủy sống và các tế bào mỡ.
Nhiều người không để ý nên cho rằng mùi của các loại sơn móng tay không tác động nhiều đến họ, nhưng trên thực tế, ngay sau khi hít phải, các loại hóa chất này sẽ gây ra trạng thái kích thích, sau đó là buồn ngủ, rồi đến chóng mặt. Nếu sức chịu đựng của cơ thể yếu, thậm chí bạn có thể bị giảm phản xạ, yếu cơ và xuất hiện tâm trạng thờ ơ, chán nản.
Formaldehyde được coi là nguyên nhân làm cay mắt, ho, khó thở, tức ngực, hen suyễn, thậm chí có thể tác động đến chu kỳ “đèn đỏ” của chị em nếu thường xuyên tiếp xúc với loại hóa chất này.
Chất toluene còn nguy hiểm hơn, nó gây đau đầu, choáng váng, mất khả năng phối hợp cử động, làm cơ thể dễ mệt mỏi, chóng mặt, chảy nước mắt, khó ngủ. Nếu bị ngộ độc ở liều cao, toluene còn có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, gây buồn nôn, lú lẫn, mê sảng, trầm cảm, ức chế hô hấp, rối loạn nhịp tim, thậm chí tổn thương nghiêm trọng đến gan, thận, gây suy tủy xương, thoái hóa não…
Ngoài ra, aceton - dung môi trong nước rửa móng tay, móng chân cũng ảnh hưởng không tốt tới cơ thể người sử dụng. Nó không chỉ làm móng nhanh giòn, dễ gãy, hít nhiều chất này còn gây hại phổi, gan, thận, tạo cảm giác say, mất thăng bằng và có thể làm mất trí nhớ... Những phụ nữ đang mang thai không nên sơn móng tay hoặc vẽ móng vì sẽ gây nguy hiểm cho bào thai.
Bác sĩ Thiện cũng cho biết, nếu thường xuyên tiếp xúc với 2 loại hóa chất này trong thời gian dài có thể gây lệ thuộc (nhẹ hơn mức độ nghiện) các loại dung môi bay hơi này, tức là không dùng sẽ cảm thấy nhớ và phải dùng để cảm thấy dễ chịu hơn. Đến một lúc nào đó, việc sử dụng liều cũ sẽ không đủ làm họ hài lòng nên phải sử dụng nhiều hơn để đạt được cảm giác như mong muốn. Những người đã bị lệ thuộc vào những loại hóa chất này, về lâu về dài sẽ bị ảnh hưởng đến vấn đề trí nhớ và nhận thức, thậm chí có thể bị ung thư.
Bác sĩ Thiện cho biết thêm, cá nhân mình chưa gặp trường hợp bệnh nhân nào đến điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần do các loại dung môi hữu cơ trên. Tuy nhiên, chắc chắn có không ít người gặp những dấu hiệu ngộ độc từ nặng đến nhẹ kể trên khi sử dụng các loại sơn móng tay, điển hình là tình trạng lệ thuộc mùi sơn.
Nếu bạn gặp phải dấu hiệu ngộ độc đó, cần di chuyển đến nơi thoáng khí, nằm nghỉ ngơi ở không gian sạch sẽ, thoáng mát, hít thở sâu để nhanh chóng đào thải khí độc ra khỏi cơ thể. Nếu sau đó, các triệu chứng ngộ độc không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc cơ thể trở nên mệt mỏi, rối loạn bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Điều nên làm - Nên rửa tay, cánh tay và mặt với xà bông tẩy nhẹ sau khi sơn móng tay để tránh bụi hóa chất đọng trên người. - Đậy kín chai lọ đựng hóa chất ngay sau khi dùng để không bị ngộ độc khí. - Nếu thường xuyên đến tiệm để sơn móng tay, nên chọn những cửa hiệu sạch sẽ, thoáng mát để không bị ngạt mùi hóa chất. Không nên ngồi ở đầu hoặc cuối gió để hạn chế hóa chất xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. - Nên sử dụng những loại sơn móng tay có nguồn gốc rõ ràng. |
Nam Anh