Hợp tác quảng cáo

Nguy hiểm khi uống thuốc làm trắng da

8:15 AM | 10/05/2015 -
Làm đẹp

(SKGĐ) Uống thuốc để làm trắng da, không ít người đã bỏ ra khá nhiều tiền nhưng không mua được điều họ muốn mà lại mang về nỗi lo.

Thượng vàng hạ cám thuốc làm trắng da

Thuốc uống trắng da không chỉ rao bán rầm rộ trên mạng internet mà ở các hiệu thuốc, shop mỹ phẩm cũng nhan nhản đủ các chủng loại, xuất xứ. Tại các shop bán mỹ phẩm có hàng trăm loại thuốc uống trắng da được bán dưới dạng hàng xách tay, thậm chí né tâm lý e dè hàng Trung Quốc mà ở đâu cũng thấy quảng cáo là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… Các thành phần của các loại thuốc này được quảng cáo chứa những chất nghe là đã thấy đẹp như: collagen, tinh chất isoflavone, glutathione, sữa ong chúa, da heo, vi cá, hyaluronic axit, các loại vitamin...

Theo chị Lan Anh, chủ một quầy thuốc trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, cửa hàng chị có hàng chục loại thuốc ống trắng da khác nhau, từ dạng uống đến dạng tiêm. Chị Lan Anh cho biết một số loại thuốc uống làm trắng đang được nhiều chị em mua về dùng như: Thuốc uống trắng da siêu tốc SW., thuốc G. G F… Giá các loại khác nhau có độ dao động rất mạnh. Có loại chỉ khoảng 300.000đ/ hộp, có loại lên tới 3 triệu đồng/ hộp (dùng trong khoảng 1 tháng).

Mặc dù không rõ về nguồn gốc, thành phần và hiệu quả thật sự thế nào, shop mỹ phẩm và các shop online vẫn rất đắt khách do nhu cầu làm đẹp của phụ nữ ngày càng tăng lên. Cộng với những tấm hình quảng cáo so sánh giữa da người dùng chỉ sau vài ngày sử dụng với da làn da trước đó khiến nhiều chị em cũng háo hức đi mua thuốc về uống thử.

Hiệu quả chưa thấy nhưng nguy cơ nhãn tiền

Trao đổi với phóng viên, BS. Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, đa số các loại thuốc trắng da trên thị trường hiện nay đều chứa chất chống ôxy hóa có tác dụng ngăn chặn tạo sắc tố melanin, thành phần chủ yếu là các vitamin C, B, glutathion, L-cystine... nhưng công dụng thì chắc chắn không được như quảng cáo. Một số hãng sản xuất lớn có đưa ra các bằng chứng lâm sàng có so sánh khá thuyết phục, nhưng nói chung khi dùng thực tế thì cải thiện không nhiều. Có lẽ chính vì vậy mà các viên trắng da chưa được công nhận là thuốc điều trị bệnh lý tăng sắc tố.

Được biết, hiện nay các loại thuốc tiêm làm trắng da được quảng cáo, sử dụng nhiều nhất hiện nay thường có hoạt chất glutathione. Đây là hoạt chất không được hấp thu qua con đường thực phẩm, mà được tổng hợp trong cơ thể từ các axit amin. Glutathione có chức năng chống ôxy hóa nội sinh, chuyển hóa sắt, tăng cường miễn dịch... Việc sử dụng hoạt chất này với mục đích làm trắng da hiện còn nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn vì những phản ứng phụ nguy hiểm khi sử dụng quá liều. 

Bác sĩ Nguyễn Minh Quang cho hay, theo nghiên cứu, nhiều người uống thuốc chứa glutathione để điều trị đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp, ngăn ngừa lão hóa, điều trị hoặc ngăn ngừa chứng nghiện rượu, bệnh hen suyễn, ung thư, bệnh tim mạch (xơ vữa động mạch và lượng cholesterol cao), viêm gan, bệnh gan, bệnh làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể (bao gồm cả AIDS và hội chứng mệt mỏi mãn tính), mất trí nhớ, bệnh Alzheimer, viêm xương khớp, bệnh Parkinson, … Và hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy glutathione là chất làm trắng da.

Kể từ khi Glutathione tự nhiên lần đầu tiên được phát hiện trong cơ thể người vào năm 1888, có hơn 90.000 nghiên cứu được công bố cho rằng Glutathione là chất chống ôxy hóa. Tuy nhiên thí nghiệm trên động vật cho thấy, nồng độ cysteine cao (thành phần chính của glutathione) làm giảm việc sản xuất melanin - sắc tố cấu thành màu sắc của da. Nếu số lượng melanin giảm, da sẽ sáng lên. Do đó, những người có mức cysteine cao thì da sẽ hơi ngả sang màu vàng. Tuy nhiên, việc lạm dụng sử dụng quá liều glutathione có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy thận, dị ứng, hoại tử biểu bì da.

Theo bác sĩ Quang, thời gian gần đây viên uống trắng da có chứa tranexamic acid cũng đã đã xuất hiện trên thị trường. Đây là thuốc được chỉ định dùng cho điều trị chảy máu, nhưng có nhiều nghiên cứu cho thấy nó cũng có tác dụng làm sáng da. Một số nhà sản xuất thêm vào mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng nhưng không công bố rõ thành phần khiến người sử dụng phải hứng chịu những phản ứng phụ.

Đổi màu da là điều không nên

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm dị ứng – miễn dịch lâm sàng, BV Bạch Mai (Hà Nội): “Làm đẹp thì ai cũng muốn, tuy nhiên với nhiều phụ nữ thì không nên thay đổi màu da của mình, vì màu sắc da trước hết là do yếu tố di truyền quyết định. Các biện pháp làm trắng da chỉ có tác dụng nhất thời và chỉ một thời gian ngắn màu da sẽ trở lại như cũ”.

Cũng theo bác sĩ Đoàn, các chị em nên gặc bác sĩ da liễu tư vấn về các tác dụng cũng như nguy cơ có thể xảy ra của mỗi loại mỹ phẩm để cân nhắc thật kỹ trước khi dùng. Chị em không nên dùng đồng thời nhiều loại mỹ phẩm trong một ngày và nên nhớ da cũng cần có thời gian nghỉ ngơi và cân bằng lại dưỡng chất.

“Tác hại của viên uống trắng da thể nhẹ thì phát ban, nổi mẩn đỏ, bong tróc da, sạm, ngứa; nặng thì sốc, nhiễm độc... Vì vậy cần cẩn thận, suy xét thật kỹ lưỡng trước khi quyết định sử dụng thuốc để tránh hậu quả không mong muốn”, bác sĩ Đoàn nói.

Tạ Hà/Ong Lý

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Gia đình khỏe

Sống tâm lý

Gia đình khỏe