Suy nghĩ tích cực không có nghĩa là tin rằng mọi chuyện sẽ ổn. Mà là biết cách duy trì sự cân bằng ngay cả khi có chuyện không ổn.
1. Viết ra những ưu điểm của mình
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào bạn cũng hãy yêu bản thân mình. Bởi đơn giản thôi, đến mình còn không yêu mình thì ai có thể yêu mình?
Hãy liệt kê những điểm tốt, sở trường, những điều tốt đẹp mà bạn bè nghĩ/nói/dành cho bạn. Viết lên đâu đó dễ nhìn thấy (một tờ giấy và dán nó lên tường chẳng hạn) về những lời khích lệ, những câu nói khiến cho bạn vui hoặc những bằng chứng về những thành tích nho nhỏ nào đó mà bạn đã làm được (một cái huy hiệu chiến thắng trong cuộc thi thể thao, một bài báo được đăng, một tờ giấy khen...). Biết rõ những ưu điểm của mình sẽ giúp bạn tự tin và thấy được giá trị của mình.
Bên cạnh đó bạn cũng nên biết rõ những yếu điểm của mình để tìm cách khắc phục hoặc đơn giản là chấp nhận nó (nếu không thể thay đổi được) như một phần của con người bạn vậy. Ví dụ như đừng vì cái mũi tẹt hay chiều cao khiêm tốn mà tự ti rằng mình xấu xí, hãy chấp nhận nó và tự tin rằng nhờ nó mà bạn là bạn chứ không phải là ai khác.
2. Biết hài lòng với những gì mình có
Hạnh phúc nhiều khi nhiều khi đơn giản chỉ là hài lòng với những điều mình có. Ví dụ bạn rất muốn một chiếc xe máy đắt tiền, bạn nghĩ mình sẽ rất hạnh phúc khi có được nó. Nhưng liệu khi có xe máy rồi bạn có thấy hạnh phúc không? Lúc đó có thể bạn vẫn không thấy hạnh phúc vì khi đã có xe máy rồi bạn lại muốn một chiếc ô tô.
Một người khác, họ không có ô tô, cũng chẳng có xe máy, họ chỉ có xe đạp. Nhưng người đó rất hài lòng vì nó giúp họ tập thể dục khi đạp xe đi làm ở gần nhà, vừa hít thở không khí trong lành vừa nhìn ngắm cảnh vật xung quanh. Nó gọn nhẹ và tiện lợi vì không phải tốn tiền mua xăng, mua bảo hiểm, cũng không phải vất vả tìm chỗ đỗ như mua ô tô.
Vậy hạnh phúc không phải là khi bạn sở hữu một chiếc xe đạp, xe máy hay ô tô, hạnh phúc là khi bạn hài lòng với cái mà bạn đang có.
3. Nhận lời khen
Có một thói quen rất phổ biến trong cách ứng xử của người Việt, khi ai đó khen bạn một cách chân thành như: “Ôi, da chị trắng nhỉ!” thì câu hồi đáp thường là “trắng đâu mà trắng” hoặc “ừ, nhưng… khô lắm/không mịn đâu/nhờn lắm”. Bạn cho rằng bạn đang khiêm tốn nhưng người nghe sẽ có cảm giác bạn không muốn nhận lời khen của họ.
Lần tới khi ai đó khen bạn, hãy nói, “Cảm ơn! Mình vui vì bạn nghĩ thế”.
Nghĩ về những lời khen (với điều kiện lời khen đó là đúng và chân thành) đôi khi cũng khiến tâm trạng của bạn tốt lên rất nhiều.
4. Tạo một không gian riêng
Đó là nơi để bạn nghỉ ngơi, thư giãn, để nghĩ ngợi về bất kỳ điều gì bạn muốn, làm những gì bạn thích. Đó có thể là một địa điểm cụ thể, có thật nhưng cũng có thể là một không gian vô hình, là một miền ký ức ngọt ngào mà bất kỳ khi nào nghĩ về nó cũng khiến bạn cảm thấy thanh thản và nhẹ nhàng.
Chỉ riêng bạn thôi, tạm thời rũ bỏ mọi lo toàn, phiền muộn, nhắm mặt lại và chìm vào đó; để khi bước ra bạn lại tìm được sự cân bằng trong tâm hồn và sẵn sàng vượt qua những khó khăn.
5. Đi chùa
Bạn sẽ thấy lòng thanh thản, tĩnh tâm hơn khi đi chùa, đôi khi không chỉ để thắp hương, cầu khấn, ngồi tĩnh lặng ở một góc nào đó trong sân chùa cũng giúp bạn tìm lại sự tĩnh tại, thanh thản trong lòng mình. Như một liệu pháp tinh thần hiệu quả, những xô bồ của cuộc sống sẽ được gác lại một bên, giúp bạn cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái.
6. Hãy khóc đi đừng ngại ngần
Hãy làm bất cứ điều gì để bạn có thể xua tan đi những buồn bực dồn nén trong lòng, kể cả khóc. Khóc là một cách an toàn để giải tỏa cảm xúc, dù là giận giữ, đau buồn, sợ hãi…
Nước mắt có thể loại bỏ một số chất hóa học bị tích tụ trong cơ thể do căng thẳng, tương tự như hormone thư giãn leucine-enkaphalin và prolactin. Kìm nén cảm xúc chỉ khiến tình trạng tệ hại hơn, dễ gây ra stress và cao huyết áp.
Ngoài ra nước mắt còn có tác dụng diệt vi khuẩn. Nước mắt có chứa lysozyme, một dạng chất lỏng có thể diệt 90-95% vi khuẩn chỉ trong 5-10 phút.
7. Ngừng so sánh
So sánh bản thân mình với người khác, so sánh những gì mình đang có với người khác để rồi cảm thấy mình thua thiệt, mình kém cỏi không giúp cho bạn trở nên tốt hơn, đầy đủ hơn. Chính việc so sánh đã khiến bạn bị tổn thương.
Mỗi người sinh ra trên đời này đều có những nét độc đáo riêng, nếu cứ mãi so sánh mình với người khác, chúng ta sẽ đánh mất bản thân lúc nào không hay.
8. Ngày hôm qua đã là quá khứ
Thôi nuối tiếc quá khứ, quên những sai lầm cũ, đừng nhọc lòng về những chuyện đã qua sẽ khiến hiện tại của bạn dễ thở hơn nhiều.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, suy nghĩ về những điều tiêu cực trong quá khứ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống hiện tại của bản thân. Những người hạnh phúc nhất và khỏe nhất là những người biết rút kinh nghiệm từ quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không quên trân trọng cuộc sống ở hiện tại.
9. Sẵn sàng đón nhận tất cả
Bạn có quyền hi vọng (và nên thế) nhưng đừng biến nó thành kỳ vọng và nghĩ phải đạt được bằng mọi giá. Bởi nếu điều đó không thành hiện thực thì thật khó để lấy lại cân bằng, rất dễ dẫn đến stress.
Hãy hi vọng nhưng cũng chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đón nhận bất kỳ kết quả nào, bắt cứ tình huống nào có thể xẩy ra, kể cả xấu nhất. Và dự trù những phương án để đối phó với các tình huống đó. Làm được như vậy bạn sẽ nhanh chóng lấy lại cân bằng, sự tự tin và lạc quan trong đời sống.
10. Hãy cười lên!
Nụ cười là liều thuốc hữu hiệu cho cả thể chất và tinh thần, giúp bạn chống lại stress và cả những cảm giác đau đớn của cơ thể do làm tăng bài tiết endorphine, một loại chất giảm đau do cơ thể tạo ra.
Nụ cười sảng khoái làm tăng lưu lượng máu và cải thiện chức năng mạch máu, giúp cơ thể thư giãn và chức năng miễn dịch hoạt động tốt hơn.
Cười có thể làm giảm đi cảm xúc căng thẳng và làm mất đi sự lo lắng, sợ hãi, buồn chán.
Hiếu Nhi
Theo tạp chí Sống Khỏe