Hợp tác quảng cáo

Ăn trái cây khi bụng đói 'chữa khỏi ung thư'?

Các bài đăng đang lan truyền trên mạng xã hội khẳng định rằng ăn trái cây khi bụng đói sẽ "chữa khỏi ung thư". Tuyên bố này đã lan truyền trực tuyến ở quốc gia Đông Nam Á này ít nhất là từ năm 2013. Gần đây, nó cũng viral trở lại, nhưng theo các chuyên gia, không có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho tuyên bố này.

Các bài viết được cho là từ ý kiến của một bác sĩ có tên Stephen Mak. Nguyên văn bài viết “Gần đây, tỷ lệ thành công của tôi trong việc điều trị ung thư là khoảng 80%. Bệnh nhân ung thư lẽ ra không phải chết. Cách điều trị ung thư đã được tìm ra, chỉ là chúng ta có tin hay không. Tôi rất tiếc về việc hàng trăm bệnh nhân ung thư đã chết theo cách chữa trị truyền thống.

Tất cả chúng ta cho rằng ăn trái cây chỉ có nghĩa là mua trái cây, cắt ra từng lát và bỏ vào miệng, nhưng không dễ như vậy. Ðiều quan trọng là phải biết ăn ra sao và khi nào.

Vậy ăn trái cây như thế nào mới đúng? Không ăn trái cây sau bữa ăn, nên ăn trái cây khi bụng trống. Nếu ăn theo cách này, trái cây sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tẩy uế cơ thể, cho quý vị năng lực để chữa béo phì và những hoạt động khác

Trái cây là thức ăn quan trọng nhất!

Thí dụ quý vị ăn hai lát bánh mì, rồi một lát trái cây. Lát trái cây đã sẵn sàng đi thẳng qua bao tử, rồi vào ruột, nhưng bị chất bột nhão của bánh mì ngăn cản.

Thế là, toàn thể bữa ăn bị thối rữa, lên men, và biến thành axit. Khi trái cây gặp thức ăn trong bao tử và chất axit tiêu hóa, tất cả thức ăn bắt đầu thối rữa. Axit cao là môi trường rất thích của bọn tế bào ung thư! 

Vậy hãy ăn trái cây khi bụng trống, hoặc trước bữa ăn! Quý vị đã nghe nhiều người than rằng - mỗi lần ăn dưa hấu, tôi bị ợ ; khi ăn sầu riêng, tôi bị sình bụng; khi ăn chuối, tôi cảm thấy muốn đi nhà vệ sinh v.v...

Thật ra tất cả những điều này sẽ không xảy ra nếu quý vị ăn trái cây khi bụng trống. Trái cây hòa với những thức ăn thối rữa, sẽ tạo nên hơi gas, và làm quý vị bị sình bụng.

Những việc như tóc bạc, hói đầu, tư tưởng bực bội, và bên dưới mắt bị quầng đen sẽ không xảy ra nếu quý vị ăn trái cây khi bụng trống.

Không có chuyện vài thứ trái cây như cam và chanh có nhiều chất axit, bởi vì tất cả trái cây trở thành chất kiềm (alkaline) trong cơ thể. Nếu quý vị nắm vững việc ăn trái cây đúng cách, quý vị sẽ có được bí mật của sắc đẹp, trường thọ, sức khỏe, năng lực, hạnh phúc và không béo phì.”

An trai cay khi bung doi 'chua khoi ung thu'?
Bài viết được lan truyền trên mạng xã hội.

Bài đăng không nêu rõ loại ung thư mà bác sĩ được cho là của "Tiến sĩ Stephen Mak". Hãng thông tấn nổi tiếng của Pháp - AFP cũng không thể xác minh danh tính của vị bác sĩ trên.

Ung thư là "nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới", giết chết gần 10 triệu người vào năm 2020, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Các "phương pháp chữa trị" thay thế, các loại thuốc khác thường và lời khuyên điều trị nguy hiểm cho căn bệnh này thường được rao bán trực tuyến trên toàn thế giới.

Những tuyên bố giống hệt nhau cũng đã xuất hiện tràn lan trên Facebook; trên YouTube; và các mạng xã hội khác kể từ ít nhất năm 2013.

Tuy nhiên, hãng thông tấn AFP cho biết, các chuyên gia ở Pháp và Châu Phi khẳng định không có bằng chứng nào hỗ trợ cho thông tin sai lệch trên và ăn trái cây khi bụng đói không thể "chữa khỏi" ung thư.

Không có cơ sở khoa học

Giáo sư Tiến sĩ Aru Wisaksono Sudoyo, chủ tịch Quỹ Ung thư Indonesia, cho biết tuyên bố này không có cơ sở khoa học. "Trái cây tốt cho sức khỏe của bạn, thậm chí để ngăn ngừa ung thư, nhưng không phải là phương pháp điều trị ung thư".

Cũng theo Tiến sĩ Nessa Wulandari, một bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng tại Bệnh viện St Carolus ở Jakarta, tuyên bố này là một điều phi lý. "Thực phẩm chỉ hỗ trợ trong quá trình điều trị ung thư", tức là nó "hỗ trợ quá trình chữa bệnh".

Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm (Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia) cũng chia sẻ, ăn trái cây khi bụng đói có thể gây kích ứng dạ dày, đặc biệt là đối với những loại trái cây có tính axit như cam, chanh, quýt, vì chúng làm tăng lượng axit trong dạ dày, dễ gây ra chứng trào ngược axit hoặc viêm loét dạ dày. Không có bằng chứng khoa học nào chứng minh việc ăn trái cây khi bụng đói có thể chữa trị ung thư. Những thông tin này là sai lệch và dễ gây hoang mang cho cộng đồng.

An trai cay khi bung doi 'chua khoi ung thu'?
Để tối ưu hóa lợi ích của trái cây, nên ăn chúng vào các bữa ăn chính hoặc sau bữa ăn để tránh gây áp lực cho dạ dày và cơ thể.

Tác hại của việc ăn trái cây khi bụng rỗng

Dưới đây là những quan điểm của các chuyên gia về lý do không nên ăn trái cây khi bụng đói:

Tác động đến hệ tiêu hóa

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi ăn trái cây khi bụng đói, đặc biệt là những loại trái cây có tính axit cao như cam, chanh, có thể gây kích ứng dạ dày. Khi dạ dày trống rỗng, axit trong trái cây có thể gây khó chịu, viêm loét dạ dày hoặc tăng cường axit dạ dày, dẫn đến tình trạng trào ngược axit.

Lượng đường trong trái cây

Trái cây chứa nhiều đường tự nhiên (chủ yếu là fructose), và khi ăn trái cây khi bụng đói, lượng đường này sẽ được hấp thụ nhanh chóng vào máu, làm tăng đột ngột lượng đường huyết. Điều này có thể gây cảm giác mệt mỏi, thậm chí làm tăng cảm giác thèm ăn hoặc gây ra tình trạng hạ đường huyết sau đó.

Sự mất cân bằng dưỡng chất

Các chuyên gia khuyến cáo rằng việc ăn trái cây khi bụng đói có thể làm cho cơ thể thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết từ các bữa ăn chính. Trái cây chủ yếu cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ nhưng lại thiếu protein và chất béo, những yếu tố quan trọng giúp cơ thể duy trì năng lượng và bảo vệ sức khỏe.

Tác động đến hệ vi khuẩn đường ruột

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh rằng khi ăn trái cây khi bụng đói, có thể làm thay đổi pH của dạ dày và hệ vi sinh vật đường ruột. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất trong những bữa ăn tiếp theo.

Về vấn đề chữa trị ung thư

Mặc dù trái cây rất có lợi cho sức khỏe, nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra rằng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh việc ăn trái cây khi bụng đói có thể "chữa khỏi ung thư". Các liệu pháp chữa ung thư cần được thực hiện theo phương pháp điều trị y tế chuyên nghiệp và khoa học. Các chuyên gia khuyến khích mọi người nên ăn trái cây trong bữa ăn chính hoặc sau bữa ăn để giảm tác động đến dạ dày và đảm bảo cơ thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Trái cây có thể là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh, nhưng nên ăn đúng thời điểm để tối ưu hóa lợi ích sức khỏe.

Phong Vũ

Theo Người đưa tin

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Cho con

Giảm béo

Dịch vụ