(SKGĐ) Căn phòng nhỏ cuối hẻm lúc nào cũng kín như bưng, thỉnh thoảng mới thấy bóng dáng mỏng manh của người phụ nữ đi qua lại trong ánh sáng mờ sau bức rèm. Anh vẫn ngồi đó bên khung cửa sổ dõi mắt theo hình bóng đó trong thinh lặng.
Chiều nào cũng thế, như thành một thói quen khi anh ngồi rít những điếu thuốc bên cửa sổ và ngắm nhìn hai thằng nhóc sinh đôi phòng đối diện đang đùa vui với trái bóng. Tiếng cười nức nẻ của hai chú nhóc khiến anh thèm thuồng nhìn với ánh mắt như là sự tiếc rẻ. Vợ chồng anh không thể có con, nếu có thì con anh giờ đã khá lớn, và sau mỗi giờ tan tầm về đến phòng anh đã có thể ngồi gọi điện trò chuyện với con và với người vợ thân yêu của mình nơi quê nhà. Nhưng cuộc đời chẳng bao giờ là mơ ước, có những điều mình mãi thèm khát, có những điều mình mãi chờ mong, có những điều mình sẽ phải để cho số phận quyết định và có những điều mình vẫn phải dấu kín trong lòng. Anh tự nhủ lòng như thế!.
Hai nhóc thi thoảng vẫn nhìn lên vẫy hai bàn tay nhỏ xíu để chào và cười với anh. Mỗi lần như thế người phụ nữ cũng lặng lẽ liếc nhẹ về phía người đàn ông hay ngồi tư lự nơi góc bàn phía cửa sổ. Có lẽ chị đang thắc mắc về anh, người đàn ông ngồi tư lự với điếu thuốc lá khi bóng chiều chạng vạng buông. Anh cũng chỉ khẽ nhìn và nhếch mép chào lại những chú nhóc và cố tình lơ đi ánh nhìn của chị. Ánh nhìn như đang vật vã đau khổ dồn nén lâu ngày còn nặng mang. Nó như khoét sâu vào tận tâm can như thể báo động rằng chẳng ai có thể kéo chúng ra khỏi tầm mắt của chị.
Thắc mắc, suy nghĩ về người phụ nữ kỳ lạ đó cũng đủ làm anh mệt mỏi vài ngày đầu khi mới bước chân đến trọ ở nơi đây. Bị chồng bỏ rơi chạy theo nhân tình khi chị đang mang thai ở tháng thứ 8. Tất cả những đau buồn chị kìm nén giữ chặt mà không một lời than van oán trách. Sinh con trong khó nhọc không một bàn tay đỡ nâng, chị âm thầm vượt qua khổ đau mà chẳng có ai là họ hàng hay bạn thân biết đến. Chị cũng chỉ đến đây trọ khi hai nhóc được vài tháng tuổi. Bán hết nhà cửa, đồ đạc… mà chồng để lại, chị xem như đó là món quà mà anh dành tặng cho con gói gém kèm theo với hết tất cả những cay đắng. Một mình nuôi con nên chị trở nên e dè và sống khép kín trước mọi điều đang xảy ra ở cuộc sống chung quanh.
Hơn 3 năm trời trốn tránh thế gian để đến sống trong dãy nhà này, căn phòng nhỏ của chị giờ đây đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Hàng xóm thi thoảng cũng ghé hỏi thăm hay chào hỏi, đáp lại chỉ là nụ cười nhếch mép của chị. Chị tránh né hay nói cách khác là chị ngại khi phải tiếp xúc hay trò chuyện với bất cứ ai. Những người không ưa thì nói chắc chị bị tâm thần, còn những người hiền lành thì lại cho rằng chị sống khép kín. Anh thì không quen bình luận khi chưa biết rõ về bất cứ ai. Họ bàn tán, còn anh thì lắng nghe mỗi khi có dịp ngồi trà dư tửu hậu với hàng xóm xung quanh.
Biết được cuộc đời của chị bỗng dưng anh thấy chạnh lòng, không biết là một người phụ nữ chân yếu tay mềm như chị thì lấy đâu ra nghị lực để mà nuôi và chăm sóc hai đứa trẻ, mà không có sự phụ giúp của bất cứ người thân nào. Anh quan sát cách chị chăm sóc hai đứa trẻ những lúc cho chúng ăn, cho chúng tắm, dạy cho chúng những bài học đầu đời... Nơi khung cửa sổ mỗi chiều đi làm về anh lại ngồi trầm ngâm nhìn chị, nửa như theo dõi, nửa như muốn chia sẻ. Càng nghĩ anh lại cứ thấy hình bóng chị như hiển hiện đứng ngay trước mặt, anh xoè bàn tay để nắm lấy… thì chị lại vụt biến mất.
Có những hôm chiều đi làm về mà không thấy hai nhóc tì và chị là anh lại hốt hoảng như lo sợ chuyện gì đã xảy ra cho họ. Họ đi đâu mất tiêu rồi? Họ đang làm gì và ở chốn nào? Anh ngồi bên cửa sổ và rít thuốc liên tục có khi vèo hết cả bao thuốc mà anh cũng không hay biết. Anh cứ ngồi nhìn vào căn phòng trọ của ba mẹ con họ mà quên cả tắm rửa ăn uống. Kể cũng lạ, khó chịu bực mình trong lòng là thế, nhưng tuyệt nhiên anh không muốn đi ra hỏi thăm hàng xóm về họ. Như thể, nếu anh hỏi thì họ sẽ bay biến mất khỏi cuộc sống anh ngay tức khắc. Nhiều khi trong lúc làm việc anh cũng thấy nhớ cả ba mẹ con, nhớ cái dáng vội vàng chạy vào trong nhà coi bếp núc rồi chạy ra liền để dõi theo hai đứa con của mình. Dường như trong nỗi nhớ của anh có cả sự hoài nghi của chị khi thấy anh lần đầu tiên đặt chân đến đây ở.
Đi công tác ở nơi xa khiến cho anh trở nên suy tư và lo nghĩ nhiều hơn. Nếu anh có con ở nhà với vợ thì liệu vợ con anh có bị ai đó ngồi nhìn và theo dõi hàng ngày như anh không? Rồi không biết con anh và vợ sẽ như thế nào khi phải sống và tự chăm sóc nhau. Tất cả những câu hỏi chỉ để giúp anh giải toả bớt đi nỗi nhớ của anh về ba mẹ con chị. Có lẽ, thói quen và cuộc sống hiện tại đang phân chia và lèo lái dẫn dắt anh theo những con người và hình bóng mà anh dõi theo. Người phụ nữ kín đáo và yếu đuối ấy có gì mà khiến anh cứ phải suy nghĩ mãi…
Lại gần thì anh sợ, ở xa thì anh lại áy náy, muốn giúp đỡ thì sợ mang tiếng xấu cho người ta, muốn quên đi thì hình bóng chị và hai chú nhóc thì nó lại cứ len lỏi vào trong tâm trí của anh. Nên cuối cùng anh trở thành kẻ lưỡng lự ngay cả trong những suy nghĩ của chính mình. Muốn tiến tới bằng trái tim yêu thương chia sẻ thì lý trí lại bảo anh không được làm như thế sẽ mang lắm điều tai tiếng dị nghị. Muốn san sẻ giúp đỡ nâng niu bằng trái tim thì lý trí lại bảo như thế là không tốt với người đã có gia đình và sẽ mang tiếng là đèo bòng mà lại còn gây nên sự hoang mang nơi người phụ nữ yếu đuối ấy.
Duyên nợ kéo họ ra hai phía để anh chỉ có thể nhớ hình dáng của chị mà không thể làm gì hơn nữa. Cũng có thể là anh đã yêu thầm chị, người phụ nữ nhẹ tựa làn sương trong những khoảnh khắc thoáng qua trong giấc mơ. Hay là anh và chị là những định mệnh đã được sắp đặt sẵn rằng cả hai phải đến và thấy nhau trong vài phút giây cho nguôi nỗi nhớ thương.
Sống xa nhà xa gia đình, nên có lẽ tất cả những gì hiện ra trước mắt anh chỉ là những thước phim, nó đẹp và huyền ảo quá, nó không là thực tế của cuộc đời anh. Hết hạn thời gian làm việc ở nơi đây, trở về với gia đình rồi anh sẽ quên họ! Nói thế, nhưng khi rời xa nơi này rồi mà tại sao trong tâm trí anh vẫn còn nguyên đó bóng dáng của chị… chẳng lẽ mãi mãi hình bóng đó cũng chỉ là nỗi nhớ...
Trần Vũ Hùng