(SKGĐ) Nhiều chị em phụ nữ hay than vãn chồng mình lười biếng và không chịu phụ giúp việc nhà với vợ. Nhưng họ lại không biết rằng nếu khéo léo làm cho các ông chồng biết thông cảm và chia sẻ thì dù anh ta có lười đến đâu vẫn có cách trị.
Ảnh minh họa |
Nếu bạn để ý câu nói và có phương pháp phù hợp để “trị” thói lười biếng của chồng, chẳng bao lâu bạn sẽ đạt được như mong muốn. Tham khảo một số câu nói và cách “trị” sau đây để áp dụng cho chính bạn:
1. Phân việc rõ ràng cho chồng
Mỗi ngày đi làm về, chồng bạn lại cắm đầu vào laptop hoặc tivi, mặc cho bạn cứ tối mắt tối mũi với đống công việc gia đình mà không quan tâm đến việc cơm nước đã chuẩn bị xong chưa, con cái thế nào. Anh ấy thờ ơ với mọi việc nhà, như thể đó không phải là chuyện của mình. Khi nghe bạn phàn nàn rằng anh ấy không chịu phụ giúp thì câu trả lời bạn thường xuyên nhận được là “làm cái gì?”.
=> Lời khuyên: Bạn nên biết rằng dù bạn có phàn nàn bao nhiêu thì chồng bạn cũng không hiểu anh ấy sẽ làm việc gì. Nếu bạn muốn chồng làm việc cùng mình, thay vì nói câu “Sao anh cứ ngồi yên đấy mà cũng chịu được à…” hay phàn nàn, bạn hãy gửi cho chồng một thông điệp ngắn gọn: “Anh quét nhà giúp em”, hoặc “Anh cho con ăn giúp em”. Chồng của bạn sẽ dễ hiểu hơn là những câu phàn nàn dài dòng ấy.
2. Nhắc về những hậu quả của việc nếu anh ấy không làm ngay
Khi có một việc trong gia đình cần đến đàn ông như bóng đén cháy hay ống nước hư… Bạn muốn chồng sửa ngay nhưng anh ấy chỉ ậm ừ cho có. Và nếu bạn phàn nàn thì anh ấy lại nói “để mai làm”. Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy vô cùng tức giận vì thói lười biếng của chồng mình. Nhiều chị em vì tức giận nên không thèm nhờ vả sự giúp đỡ từ chồng nữa mà sẽ gọi thợ đến nhà sửa. Tuy nhiên, việc này lại tiếp tay cho thói lười biếng của chồng bạn.
=> Lời khuyên: Hãy nói cho anh ấy biết một số hậu quả, chẳng hạn như “vì ống nước hư mà hóa đơn tiền nước tháng này đã tăng lên bao nhiêu rồi”, hoặc: “Phòng tối thế này, con sẽ dễ va vào đồ vật và ngã”… Bạn nên kiên nhẫn nhắc nhở anh ấy và đừng vội nổi nóng nhé. Vì thói quen luôn cần có thời gian để thay đổi.
Ảnh minh họa |
3. Vợ không ôm đồm, tiện tay "làm hộ anh"
Bạn đang bận chuẩn bị bữa cơm cho gia đình và nhờ chồng lặt rau hay lấy hộ quần áo phơi vào nhà. Nhưng anh ấy lại bảo bạn làm luôn vì “tiện tay”. Nhiều phụ nữ sau những lần nhờ chồng phụ giúp nhưng thấy không có kết quả đã ngao ngán bỏ cuộc và cho rằng tự mình làm còn đỡ mệt hơn phải nhờ vả chồng.
=> Lời khuyên: Có thể bạn không biết rằng, chồng bạn hoàn toàn có khả năng, chỉ là bạn có biết cách khơi gợi sự hứng thú khi làm việc nhà của anh ấy không mà thôi. Vì thế, đừng tự ôm đồm hết mọi việc mà hãy khích lệ anh ấy sau mỗi lần làm một việc gì đó. Anh ấy sẽ cảm thấy vui vẻ và hứng thú làm các công việc nhà hơn.
4. Không dọn dẹp cho những thứ chồng bày bừa, làm bẩn...
Những ông chồng có tính lười biếng thường rất bừa bãi, nếu ngày nào bạn cũng chăm chỉ dọn dẹp những thứ mà chồng bạn vứt lung tung khắp nhà thì anh ấy sẽ cho rằng đó là công việc của bạn. Anh ấy sẽ ỷ lại và yên tâm rằng ngày mai là mọi việc lại đâu vào đấy. Nếu bạn có phàn nàn thì anh ấy sẽ nói rằng “bừa bộn một tí thì có làm sao”.
=> Lời khuyên: Bạn có thể trị thói lười biếng này bằng cách kiên nhẫn, thi gan với chàng, để nhà cửa bừa bộn cho đến khi anh ấy phải lên tiếng. Lúc đó bạn sẽ có cơ hội chia sẻ ý kiến của mình. Đôi khi, học cách chia sẻ đúng thời điểm cũng là một bí quyết giúp phát huy hiệu quả không ngờ đấy nhé.
5. Mọi việc cả hai cùng bàn bạc, không để kiểu "Tùy em, muốn làm gì thì làm"
Có những ông chồng lười biếng ở cả suy nghĩ. Vợ muốn bàn bạc điều gì cũng buông câu “tùy em”. Câu nói này không có nghĩa là bạn đang được tôn trọng và được mọi quyền quyết định. Mà nó lại là sự đùn đẩy công việc cho bạn.
=> Lời khuyên: Trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng nên đề nghị anh ấy phải ngồi bàn bạc cùng. Sau đó hãy liệt kê các công việc dự định làm và yêu cầu anh ấy lựa chọn trước, sau đó là phần của bạn. Những công việc nào bạn muốn anh ấy làm, bạn cũng đưa luôn ra ý kiến.
Việc thay đổi thói quen lười biếng không hề đơn giản, nhưng không phải vì thế mà bạn nản lòng và tự ôm hết công việc vào mình. Hãy kiên nhẫn và tìm hiểu tâm lý của chồng bạn để tìm cách động viên anh ấy cùng làm việc nhà với mình. Chỉ có sự chia sẻ với nhau mới góp phần làm cho cuộc sống gia đình bạn hạnh phúc hơn.
Hằng Ni