Ngày ấy, chú tôi là trai tân, giám đốc một doanh nghiệp, còn thím tôi thì góa chồng, đã có hai con riêng, hơn chú ba tuổi, và cuộc sống cũng bị đồn đoán với không ít điều tiếng. Thế mà vượt qua mọi định kiến, họ đã đến với nhau, và làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Ảnh minh họa |
Trai tơ lấy gái nạ dòng
“Trai tơ lấy gái nạ dòng, như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu. Nạ dòng vớ được trai tơ, đêm nằm hớn hở như mơ được vàng”. Ngày chú tôi xin cưới thím cũng là ngày cả gia đình náo loạn hết cả. Bà nội tôi ngồi trên chiếc ghế tràng kỷ, vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa phán một câu chắc như đinh đóng cột “Chờ tao chết mày hãy cưới con Hoa làm vợ”. Còn bố tôi (anh cả của gia đình) thì chỉ biết nhìn chú ái ngại, nhưng biết tính chú xưa nay khó bảo nên bố tôi không dám nặng lời mà chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ “Chú suy nghĩ cho kỹ, cưới vợ là chuyện hệ trọng cả đời chứ không phải trò đùa đâu”. Sở dĩ cả gia đình phản đối chuyện kết hôn của chú, bởi người chú muốn cưới là một phụ nữ góa bụa, hiện đang nuôi hai con nhỏ.
Nghe chú tôi nói chồng người phụ nữ đó đã mất cách đây 6 năm trong một lần đi rừng chẳng may gặp lũ quét. Người phụ nữ này lại có tai tiếng không tốt, nghe đâu sau khi chồng chết chị ta còn đi lại với rất nhiều người đàn ông giầu có khác để moi tiền. Nhưng chú tôi cương quyết không tin vào những lời đồn đại, vì cho đó chỉ là những lời bịa đặt, vu khống nhằm phá hoại hạnh phúc của chú. Đối với chú tôi người phụ nữ đó không chỉ có ơn cứu mạng, mà còn là một nửa chú tìm kiếm đã lâu, hai người quen nhau cứ như duyên trời định.
Một lần, chú tôi đi tiếp đối tác làm ăn về, do uống quá chén nên không làm chủ được tay lái, chẳng may va phải cục gạch ngã lăn ra đường. Lúc đó đã quá nửa đêm, đường vắng chẳng có ai giúp. Đúng lúc đó một người phụ nữ đi qua, thấy chú tôi bất tỉnh nhân sự, người bê bết máu đó đã không ngần ngại cõng chú tôi suốt gần 10km để đến được bệnh viện gần nhất. Sau đó chú tôi đã tìm lại người phụ nữ đó, biết hoàn cảnh chị ta. Chú tôi đã nhiều lần tìm cách giúp đỡ coi như là báo đáp công ơn cứu mạng, nhưng người phụ nữ đó cương quyết từ chối. Từ chỗ cảm thương, rồi nể phục chú tôi đã yêu người phụ nữ đó từ lúc nào không biết.
Nhưng tất nhiên gia đình không ai cho phép chú cưới một người phụ nữ nạ dòng hai con về làm vợ. Nhất là bà nội tôi, bởi xưa nay chú chính là người mà bà nội thương nhất. Chú là niềm tự hào của bà, vì trong gia đình chỉ có chú tôi là học hành đỗ đạt, lại làm giám đốc. Bà đã nhắm cho chú một cô giáo xinh đẹp nổi tiếng nết na trong vùng làm vợ, thế mà nay chú lại nhất quyết đòi cưới người khác. Người phụ nữ này lại chẳng có điểm gì để bà tôi ưng ý, già hơn chú tôi 3 tuổi, góa chồng, lại có đến hai đứa con riêng. Nỗi đau của bà, người làm cha mẹ mới hiểu được, nên trong gia đình tôi không ai dám cãi lời bà.
Trước sự phản đối gay gắt của bà nội và đại gia đình, chú tôi chỉ im lặng. Nhưng hai tháng sau một đám cưới đã diễn ra âm thầm, không có khách khứa bạn bè, không một lời chúc mừng từ người thân. Hai chú thím chỉ đi đăng ký kết hôn rồi về sống cùng nhau theo đúng pháp luật.
Của chồng công vợ
Từ ngày chú lấy vợ, bà nội tôi cương quyết từ mặt chú và ra lệnh cho tất cả các thành viên trong gia đình cấm cửa không cho chú bước chân về nhà. Nếu có ai qua lại với chú thì cũng chịu cảnh tương tự. Nhìn cảnh chú bị cả gia đình hắt hủi, thím tôi không khỏi băn khoăn thương chồng. Ngày ngày, thím đều về nhà thăm bà nội tôi, dù biết bà không mở cửa cho vào nhưng thím vẫn đến. Trời mưa hay trời nắng thím vẫn chờ cho đến khi bà tha thứ và chấp nhận thím mới thôi.
Lúc đầu, bà nội tôi rất cương quyết không chịu mở cửa cho thím vào và ra lệnh cho mọi người trong nhà không ai được mở cửa, hay nói chuyện với thím. Nhưng trước tấm chân tình của thím, bà nội tôi cũng dần dần xuôi lòng, nhất là khi thím tôi có thai đứa cháu nội của bà.
Nhìn cảnh thím ngày ngày vác bụng bầu đứng trước cửa nhà chịu mưa chịu nắng ai cũng ái ngại. Bà nội tôi thấy thế nên cũng mủi lòng đành mở cửa cho thím vào. Rồi qua những lần tiếp xúc, mẹ con tâm tình chia sẻ, bà nội tôi cảm nhận được thím thật sự là người phụ nữ tốt, không như những lời người ta đồn đại nên tình cảm mẹ chồng nàng dâu ngày càng được vun đắp.
Còn về phía chú tôi, sau khi lấy thím do thời kỳ khủng hoảng kinh tế nên công việc làm ăn không được “thuận buồm xuôi gió” như trước, nhiều hợp đồng làm ăn không được thanh toán. Công ty của chú rơi vào tình trạng khó khăn, nợ lương công nhân. Thím tôi phải chạy đôn, chạy đáo tìm cách vay mượn, tháo gỡ vướng mắc giúp chú. Buổi tối, tranh thủ thời gian rảnh rỗi thím đăng ký theo học lớp tiếng anh, vi tính, rồi nhờ vào số tiền vốn dành dụm được trước khi lấy chú tôi, thím đã mạnh dạn mở một cửa hàng ăn dành riêng cho người nước ngoài đứng tên chú.
Thím chỉ là người quản lý. Lúc đầu, cũng chưa đông khách lắm nhưng sau đó nhờ tài quản lý, biết trọng dụng những người tài nên cửa hàng của thím đã nhanh chóng thu hút được khách, tiền kiếm được thím đưa hết cho chú để phát triển lại công ty. Nhờ có vốn liếng của thím mà công ty của chú tôi đã vượt qua thời kỳ khó khăn, nhanh chóng chiếm lĩnh lại thị trường rồi phất lên trông thấy.
Nhìn chú thím tôi sánh bước bên nhau, người ngoài không khỏi thắc mắc về sự chênh lệch trong hình thức, tuổi tác, cũng như địa vị xã hội. Ai cũng bảo thím tôi phải tích đức bẩy kiếp mới lấy được chú tôi, rằng thím tôi “chuột sa chĩnh nếp” lấy được ông chồng vừa tài giỏi, lại đẹp trai hết lòng thương yêu vợ. Có người còn độc mồm, ác miệng bảo chú ngu, bị con nạ dòng nó lừa, rồi bị giật dây, sợ vợ... Nhưng ít ai biết để có được ngày hôm nay chú tôi phải nhờ tới sự đóng góp âm thầm, không nhỏ của thím.
Khôi Nguyên
Theo tạp chí Sống Khỏe