Hợp tác quảng cáo

Hương vối quê nhà

Trong bát nước vối có cả tình quê lẫn tình người.

Trà vối là nước giải khát nấu từ nụ vối, lá vối ủ khô, lá vối tươi. Nhiều người cứ gọi trà vối chứ mình thì chỉ thích gọi nó là nước vối. Ngày xưa ở quê, ở phố, chỉ có mấy nhà máu mặt, sang trọng mới xài trà tàu, dân dã thì nước vối thôi. Thứ nước giải khát gắn với nhà nông Bắc Bộ, với không gian nhà nghèo, dân dã giờ cũng ngày càng phổ biến trở lại ở các vùng đô thị.

Miên man hương vối

Vối nghiêng nghiêng soi bóng ven bờ ao, bờ suối, lọc nắng trưa hè. Cây vối nhà ngoại mình là vối tẻ, lá xanh sẫm to hơn bàn tay, không ngon bằng cây vối nếp đầu đình lá vàng xanh nhỏ hơn chút xíu. Lá vối nếp cho nước ngon và thơm hơn nhiều. Có lần lũ trẻ chăn trâu leo lên hái lá cây vối đình chơi bị mấy cụ già chửi rầm vì tội phá thức uống của cả làng.

Cứ cuối xuân, vối lại trổ chi chít nụ. Hoa vối nở rộ từng chùm lung linh trong tiết trời xuân trở qua hè. Mấy ai để phí cho hoa nở, chỉ đợi tới khi nụ bằng hạt đậu xanh là hái xuống phơi khô. Cây vối thân to kín vòng tay ông ngoại năm nào cũng cho tới chục cân nụ khô. Thế mà ít khi ông bán, chỉ để biếu các nhà thân, để nhà uống và nhất là gói ghém gửi ra phố cho con cháu đỡ nhớ làng. Người phố tới siêu thị hay ra chợ mua cũng có nhưng lắm khi họ ướp sen, ướp nhài đâm hao mất hương thơm đặc trưng.

Phần dùng chủ yếu lại là lá vối vì thu được gấp nhiều lần nụ. Vào mùa đông, lá vối bắt đầu ngả già chực rụng thì hái về. Vì ủ, phơi lá cũng công phu lắm nên chỉ làm hết phần nào, còn thì bà ngoại mang bán tươi ở chợ.

Lá vối đun uống tươi cũng được mà ủ chín phơi khô rồi dùng quanh năm cũng xong. Lá vối qua ủ thì chất ngái do nhựa và diệp lục của lá sẽ bị phá huỷ, nước ngon hơn. Dân gian thường rửa sạch nhựa của lá, nụ, nhặt kỹ lá sâu, lá vàng, cọng lớn bỏ đi, rồi cho vào thúng, bồ cót quây, phủ rơm rạ cho đến đen đều là đã chín, rửa lại để phơi thật khô mới cất. Bí quyết để ông ngoại ủ ra thứ nụ, lá ngon đặc biệt là dùng chum, vại ủ vì giữ được nhiệt và độ ấm tốt hơn. Nhớ là bỏ lá, nụ gần đầy chum thì lấy chuối khô, rơm chèn kín miệng rồi úp sấp xuống đất nơi thoáng mát mà ủ. Chỗ cất đúng kiểu nhất chính là nơi gác bếp luôn khô ráo, có bồ hóng nên vi khuẩn hạn chế phát triển khỏi làm ẩm mốc, xuống chất lá, nụ đã phơi khô.

Tinh chất hương quê

Xát tý lá vối tươi để đắm vào hương thơm kỳ diệu, phảng phất tí đắng, tí chát mà nhấm vào lại thấy hậu ngọt mát. Lũ trẻ thích nhấm rồi há miệng hít hà gọi gió cho tê thấm vị ngọt như cam thảo. Sau đọc mới biết trong lá vối có rất ít tanin, có vết alcaloit gần với caffein, 4% tinh dầu mùi thơm dễ chịu, dễ bay hơi. Hèn gì uống vối bao nhiêu cũng chả mất ngủ hay tăng huyết áp như cà phê, trà tàu. Nghe bảo uống nước lã đun sôi thì chỉ sau 30-40 phút là cơ thể đào thải hết, còn nước lá vối thì sau cùng thời gian đó cơ thể chỉ đào thải khoảng 1/5 lượng nước đã uống.

Mỗi khi trẻ con người lớn viêm nhiệt, lở miệng, phát rôm sảy, viêm họng chỉ cần giở bảo bối nước vối hãm đặc đến gần đen sánh cho uống là chỉ đôi bữa sẽ mát mẻ liền.

Ngoài công dụng thanh nhiệt giải độc, thứ nước nâu lượn tí ánh đỏ ấy còn là thuốc tiên chữa một số bệnh đường ruột. Lá vối chữa được đầy bụng vì làm tăng nhu động ruột và chống được chứng hạ huyết áp khi bị ỉa chảy. Chất đắng trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, chất tanin bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn nhưng không hại vi khuẩn có ích trong ruột.

Theo kinh nghiệm của dân gian, lá vối tươi có kết quả trị bệnh cao hơn so với lá đã ủ. Sau bữa cơm, làm bát nước vối cho nhuận gan, nhanh tiêu. Đặc biệt nhớ lần ông ngoại xé một nắm lá vối tươi hãm nước đặc cho người làng đang đau đại tràng quằn quại uống. Chỉ sau hơn tiếng đồng hồ cơn đau biến mất, cầm cả đi ngoài.

Lá vối tươi hay khô sắc đặc làm nước tắm sát khuẩn, chữa bệnh ngoài da như ghẻ lở, mụn nhọt đều rất hiệu nghiệm. Để tiện hơn người ta còn nấu cao lá vối. Nấu mười phần lá vối tươi lấy một phần cao. Khi dùng pha loãng nước chín, cứ một phần cao thì thêm một phần nước.

Từ làng ra phố

Uống nước vối đúng kiểu là nấu với nước mưa. Hãm trong nước sôi như trà cũng được nhưng đun trực tiếp thì tinh chất vối sẽ tan ra nước đậm hơn. Nhà ngoại có chiếc ấm tích đất nung và chục bát sành gia bảo từ thời cụ cố để lại, chuyên dùng để đựng nước vối. Thứ nước dân dã thế mà nổi duyên ngầm hẳn khi rót vào bát sành chiết yêu. “Nàng ấy” chả hợp với cốc thuỷ tinh, ly pha lê đâu. Để giải khát thì uống nóng hay nguội đều được. Nhớ lần về quê bị cảm, bà ngoại dỗ tu bát vối nóng có mấy lát gừng cho mau toát mồ hôi. Rồi đến bữa lại được bà chiều, cho thưởng thức món đặc sản đồng quê đi đâu cũng thèm. Ấy là nước vối nguội chan cơm, ăn với cà pháo, châu chấu rang lá chanh, chỉ tốn chết cơm.

Đó cũng là lý do không gian quán Phố ở Lý Thường Kiệt (Hà Nội) một thời cứ cuốn mình đến. Đặc sản của nó chỉ là nước vối khô ủ rất khéo, hãm rất vừa, không hề thêm thắt cam thảo nhân trần như những quán khác. Sau này nhiều quán ở phố thị cũng thêm nước vối mộc mạc chân quê vào thực đơn. Đến đó, nâng lên tay bát nước vối sóng sánh hương quê, thấy tình người trào dâng, mọi khúc mắc đời bươn chải đều được hoá giải, nương vai vào nhau với nghĩa tình làng xóm ấm áp mà thanh thản đi tới.

Phương Thảo

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Cho con

Giảm béo

Dịch vụ