Vợ: Không phải vợ gọi liên tục để kiểm tra chồng, mà từng lần gọi là từng nỗi lo lắng, yêu thương nhân lên.
Ngày còn yêu nhau, mỗi khi không liên lạc được với em, anh thường để lại tin nhắn nhăn nhó: “Lần sau, đi đâu em nhớ mang theo điện thoại nhé. Em có biết mỗi lần không liên lạc được với em, anh lại lo lắng lắm, có thể em ốm, em bị ngã xe hay bị làm sao”. Cũng kể từ ấy, em luôn tâm niệm rằng: nghe điện thoại không phải vì mình và vì cả người khác nữa.
Vậy mà bây giờ... Chẳng hiểu vì sao anh rất ít khi nghe điện thoại của em. Phải đâu vợ gọi để kiểm tra, cáu gắt chồng. Em biết anh bận “trăm công nghìn việc”, và giờ cũng đã là người một nhà, nói chuyện với nhau mỗi ngày, nên nếu không có việc gì quan trọng, em sẽ chẳng điện cho anh. Em chỉ gọi khi cơm nước đã sẵn sàng mà chưa thấy bóng anh đâu. Em gọi khi anh về muộn mà không cho biết lý do. Biết đâu, anh gặp chuyện chẳng lành (như xưa, anh vẫn nghĩ khi em không nghe điện).
Lần đầu em gọi thì anh bảo: “30 phút nữa anh về, anh đang ngồi nói chuyện với khách”. Nhưng 30 phút, rồi cả tiếng trôi qua mà căn nhà vẫn chỉ có mình em. Sốt ruột, em bắt máy gọi lần nữa thì anh ậm ừ cúp máy. Em lại dài cổ chờ, càng chờ càng mất tích. Vì em lo cho anh, lo cho bố của các con em nên em mới phải gọi liên tiếp.
Đến 9 giờ tối vẫn chẳng thấy anh về. Em lo lắng hơn gấp bội. Anh càng không có động thái gì với cái điện thoại thì em càng tưởng tượng ra nhiều tình huống không hay. Anh ấn nút tắt máy, thì em biết anh không thèm nghe nhưng ít ra anh vẫn còn an toàn. Anh nhắn tin trả lời, thì em biết anh vẫn đối thoại với em. Nhưng anh không nghe, không nhắn tin, không tắt máy thì biết đâu anh đã gặp tai nạn, điện thoại văng ra ngoài, anh đã say đến mức không biết điện thoại kêu (hoặc rung), không biết anh có biết bắt taxi về và gửi xe lại không…
Với hàng loạt những suy nghĩ như thế, lòng em càng rối bời. Càng rối, em càng cuống cuồng gọi điện cho anh. Giá như những lúc ấy, anh chỉ cần nhấc máy rồi nói một câu: “vẫn còn sống” là em yên tâm lắm rồi. Đằng này chuông cứ đổ dài mà anh chẳng thèm bắt máy. Tức giận thì ít, lo lắng thì nhiều, em vội vàng dắt xe ra khỏi nhà để tìm anh. Nhưng biết tìm ở đâu bây giờ. Bất lực, em ôm mặt khóc.
Cuối cùng anh cũng về đến nhà. Nhìn thấy anh, em thở phào nhẹ nhõm nhưng cũng đầy tức giận: “Tại sao em gọi anh không nghe máy? Anh sợ bạn bè anh chê cười anh bị vợ quản hay điện thoại của em không đáng để anh nghe?”. Anh chẳng thèm đáp lại, cứ thế lại gần xoa bóp vai vợ rồi hứa: “Lần sau anh sẽ rút kinh nghiệm được chưa. Anh xin lỗi. Anh xin lỗi”. Anh bảo lần sau anh rút kinh nghiệm. Nhưng bao cái lần sau, anh vẫn cứ thế, cứ im lặng mỗi khi em gọi điện. Thế nhưng, khi ở nhà, dù đang tắm mà chuông điện thoại reo, anh cũng quáng quàng: “Lấy cho anh điện thoại xem ai gọi”. Em bảo anh cứ tắm đi, tí gọi lại, thì anh nhất định: Không đưa anh xem nào. Ai mà quan trọng thế anh?!
Nhiều lúc em tự hỏi: “Có phải em đã không còn quan trọng nữa nên anh cũng chẳng muốn nghe điện thoại của em, chẳng quan tâm đến những lo lắng của em mỗi khi không liên lạc được với anh. Anh chỉ biết sống cho riêng mình thôi. Hay là mình chia tay anh nhỉ?”.
Chồng: Anh không nghĩ là bị vợ quản lý mà sẽ là không lịch sự nếu như cứ 5,7 phút, lại nghe điện thoại một lần.
Chẳng phải anh không còn yêu em, không muốn nghe điện thoại của em đâu. Em thấykhông, những lúc bình thường em gọi anh vẫn nghe đấy thôi. Nhưng em cứ hay gọi vào lúc anh đang ngồi với bạn bè hoặc khách hàng. Loa điện thoại của anh lại rất to, nên chỉ cần em tăng volume lên một chút là tất cả mọi người đều nghe thấy em đang nói gì. Kể thì cũng hơi ngại khi sau đó bạn bè lại trêu đùa: “Về đi không vợ nó đánh đít đấy”. Thế nên anh biết làm gì ngoài việc im lặng? Mà công nhận em kiên trì thật, một buổi tối mà gọi đến vài chục cuộc điện thoại.
Đúng là anh đã rất vô tâm khi không hiểu hết những lo lắng của em. Nhưng em ơi, xin cứ bình tĩnh. Này em nhé, anh chưa bao giờ uống rượu say đến mức độ không biết trời đất là gì. Anh biết bây giờ anh không chỉ sống cho anh mà còn cho cả vợ và những đứa con trong tương lai nữa nên luôn có chừng mực em ạ.
Em hỏi sao anh không gặp khách, gặp bạn trong giờ hành chính mà cứ nhằm chiều tối lại đi? Anh cũng muốn thế lắm nhưng công việc kinh doanh đâu cho phép như vậy. Thời gian phụ thuộc vào khách hàng mà em. Chắc em chẳng tin nhưng nếu anh không thỉnh thoảng tụ tập bạn bè, sẽ chẳng có những khách hàng mới xuất hiện. Mà nếu anh không mời khách đi ăn uống, sẽ cũng không có những khách hàng thân thiết và cả những khách hàng mới do họ giới thiệu nữa.
Có thể em cho rằng những lời anh nói là biện minh nhưng hãy thử dừng lại một phút suy ngẫm xem, nếu không yêu em, nếu em không còn quan trọng với anh nữa, anh có phải vất vả vậy không? Số tiền anh kiếm được, luôn để em giữ phần nhiều, còn anh chỉ để trong ví chút ít đủ tiêu thôi.
Còn chuyện ở nhà anh lại rốt ráo nghe điện thoại của người khác gọi, không phải vì anh thấy họ quan trọng hơn vợ. Em đừng tự so sánh mình với bất cứ ai như thế. Thực ra là vì anh nghĩ, vợ anh yêu anh nên luôn dễ bỏ qua lỗi lầm của anh hơn người ngoài. Biết đâu đó là cuộc gọi rất quan trọng để mở ra tương lai. Em hiểu lòng anh không?
Nhưng có lẽ vợ chồng mình vẫn cần lập ra những quy tắc chung về việc sử dụng điện thoại. Đầu tiên, nếu phải đi đâu, anh sẽ thông báo giờ về để em không phải chờ cơm. Còn em, đừng gọi điện liên tục hỏi: “anh sắp về chưa”, “anh có thể về sớm được không”… Như thế, chắc là mọi chuyện sẽ ổn, em nhỉ.
Dương Phương