Ly hôn đối với một số cặp vợ chồng là giải pháp cuối cùng của sự chịu đựng cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. Sau khi ly hôn, mỗi người sẽ có một cuộc sống mới. Nhưng có lẽ đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất là những đứa con.
Sau thời gian mặn nồng cùng nhau xây dựng lên thương hiệu cà phê hùng mạnh, thì mới đây dư luận không khỏi bất ngờ trước sự đổ vỡ hôn nhân của “ông vua” cà phê hàng đầu Việt Nam. Bên cạnh, những ồn ào về tranh chấp tài sản, thương hiệu, thì vụ ly hôn này còn để lại nhiều hệ lụy, mà có lẽ đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất là những đứa con của họ.
Có thể thấy hôn nhân là một việc hệ trọng của đời người, nó là cầu nối giữa 2 con người không cũng chung huyết thống hòa làm một, nó là sợi dây ràng buộc giữa người đàn ông và người phụ nữ, gắn kết họ trở thành một gia đình. Tuy nhiên, để có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc không phải chuyện đơn giản.
Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Việt Nam) vừa cho biết, cả nước trung bình có trên 60.000 vụ ly hôn/ năm, tỉ lệ 30% tức là cứ 10 cặp vợ chồng kết hôn thì có 3 cặp ly hôn. Xu hướng này tiếp tục tăng ở cả thành phố và nông thôn. Điều đáng nói, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ, vợ hoặc chồng trong độ tuổi từ 18-30; trong đó có 60% ly hôn sau khi kết hôn từ 1-5 năm, nhiều trường hợp chỉ mới cưới nhau được vài tháng...
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho thấy, mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%) dẫn đến ly hôn. Các yếu tố tiếp theo là ngoại tình (25,9%), kinh tế (13%), bạo lực gia đình (6,7%), sức khỏe (2,2%), xa nhau lâu ngày là 1,3%.
Nguyên nhân dẫn đến ly hôn
Ngoại tình: Là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đổ vỡ gia đình. Có sự khác nhau về giới trong ngoại tình và ly hôn. Đàn ông ngoại tình dẫn đến ly hôn thấp hơn phụ nữ ngoại tình dẫn đến ly hôn. Phụ nữ có thể dễ dàng bỏ qua sự không chung thủy của đàn ông ngược lại người đàn ông rất khó chấp nhận sự phản bội của phụ nữ. Khi người phụ nữ ngoại tình họ đã hình dung ra trước hậu quả của nó với gia đình, do vậy họ sẽ dễ chấp nhận việc ly hôn hơn.
Ngoại tình nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đổ vỡ gia đình |
Lạm dụng thể chất hoặc tâm thần: Đây là một trong những yếu tố chính và cuối cùng làm cho hôn nhân chấm dứt. Điều này là do thái độ, hành vi bạo lực của một trong hai đối tác là vợ hoặc chồng. Vợ hoặc chồng là người phải hứng chịu những hậu quả của những hành vi bạo lực, sự đe dọa về mặt tinh thần và thể xác. Chính vì vậy mà họ có ít cơ hội cho một mối quan hệ/hôn nhân để tiếp tục trong thời gian dài.
Mâu thuẫn về tiền bạc: Cuộc sống vật chất khó khăn, tiền bạc thiếu trước hụt... là nguyên nhân tan vỡ của không ít gia đình, có thể khiến cho một tình yêu rất đẹp đẽ, mãnh liệt cũng không chống cự nổi. Những mối lo cơm áo gạo tiền khiến con người ta dễ bực bội, nổi cáu dẫn đến xích mích gây gổ nói chi đến chuyện quan tâm, chăm sóc nhau.
Đời sống "chăn gối" không hòa hợp: Suy nghĩ rằng anh ấy không lãng mạn, không hấp dẫn hay cô ấy không còn gợi cảm nữa đã tạo nên một đời sống tình dục không hòa hợp. Đàn ông thường cần sự nhạy cảm về tình dục và phụ nữ thường cần sự lãng mạn trong chuyện ấy. Nếu cả 2 không cảm thấy hòa hợp trong vấn đề này, sự nhạt nhẽo, thiếu hụt là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tan vỡ.
Ghen tuông quá mức: Trong cuộc sống hôn nhân, ghen tuông là gia vị không thể thiếu, nhưng nếu sự ghen tuông được nêm nếm vừa vặn sẽ cho kết quả tốt đẹp, còn nếu quá đà sẽ khiến cuộc sống vợ chồng trở nên mệt mỏi. Lòng trung thành và niềm tin là những gì tốt nhất mà một cuộc hôn nhân cần có. Nếu bạn không tin tưởng người bạn đời, bạn cần phải khắc phục vấn đề này ngay lập tức.
Hậu quả đối với trẻ sau khi cha mẹ ly hôn
Bất ngờ trước thông tin ba mẹ ly hôn, phản ứng tức thời của đứa trẻ sẽ là hoảng sợ, cảm thấy không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ chính chúng. Mức độ phản ứng này phụ thuộc vào việc đứa trẻ sống trong một gia đình như thế nào. Trước khi ly dị, đứa trẻ càng được yêu thương và chăm sóc đầy đủ bao nhiêu thì khi cha mẹ ly dị chúng càng cảm thấy bị tổn thương và hoảng sợ bấy nhiêu.
Hôn nhân đổ vỡ trẻ em là đối tượng chịu tổn thương nhiều nhất |
Đối với những đứa trẻ có ba mẹ ly hôn, chúng thường gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng tâm lý - xã hội như: khó khăn trong học tập, khó khăn trong việc thích ứng với hoàn cảnh sống mới, khó khăn trong các mối quan hệ xã hội...
Đối với trẻ nhỏ, sau khi cha mẹ ly dị, chúng gặp nhiều khó khăn trong học tập rất đa dạng: đọc không đúng, nói ngọng, viết sai chính tả nhiều, không thể tập trung chú ý trong giờ học, hay quên... Những trẻ lớn hơn thì tỏ ra chán học, hay quậy phá trong lớp, đồng thời thường mang tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, có xu hướng co mình.
Một trong những hậu quả lâu dài mà sự ly dị của cha mẹ để lại cho trẻ trai là xu hướng sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ gia đình sau này. Theo nhiều nghiên cứu, nhóm trẻ trai trong các gia đình ly hôn có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường.
Tình yêu là nền tảng của hôn nhân, nhưng nếu chẳng may hạnh phúc đó không được chọn vẹn, mỗi người nên có trách nhiệm đối với con trẻ của mình. Hãy cư xử có văn hóa để kết thúc sẽ trở thành mở đầu tốt đẹp và hạnh phúc hơn.
Thiện Thanh
Theo Tạp chí Sống Khỏe