Hợp tác quảng cáo

Ngán ngẩm khi chồng nói dối như Cuội

(SKGĐ) Thật thà như hòn đất nhiều khi làm mất đi những thi vị trong tình yêu. Nhưng nếu nói dối quá ngưỡng thì chẳng khác nào đang nã đại bác vào tình cảm vợ chồng.

Thay vì nói thật

“Ừ, anh đang trên đường về rồi, 15 phút nữa tới nhà”. Đó là câu trả lời của Mr Chồng khi bị Vợ điện thoại “anh về muộn thế, mẹ con em đang chờ cơm” mặc dù lúc đó anh ta đang cụng ly trong một quán bia. Hơn nữa, 15 phút ấy là theo đồng hồ của Chồng, còn nó dài bằng cả tiếng đồng hồ theo giờ thế giới. Đến nhà, anh lại hồn nhiên: “Gớm đường với xá, sao ùn tắc kinh thế (vừa nói vừa thở ra vẻ mong mỏi về nhìn thấy vợ lắm)”.

Có hôm Vợ gọi đến siêu thị chở đồ thì Chồng nhanh nhảu “Ừ, anh tới ngay đây”. Vợ mừng rỡ tưởng được việc ngay nhưng anh ta sẵn sàng chơi nốt ván cờ, đến nơi cũng ra vẻ mệt nhọc “đang đi xe hỏng, bực thế chứ”. Việc gì Vợ giao phó, Chồng cũng luôn luôn khẳng định “đừng lo, tốt” dù có khi kế hoạch vẫn chỉ là kế hoạch. Điệp khúc vài lần khiến Vợ nổi cơn tam bành thì Chồng lại “đấm lẫn xoa”: “Cuống lên làm gì. Anh làm loáng cái là xong”.

Ảnh minh họa

Có những chuyện không đáng kể gì thì chồng vẫn nói dối. (Ảnh minh họa)

Trong suy nghĩ của Mr Chồng, hình như có cả một kho từ điển “thay lời nói thật”. Khi mua cái gì về thì hóa đơn Chồng đều muốn ém nhẹm đi hoặc luôn rẻ hơn thông tin Vợ biết. Mặt Vợ cũng hớn hở lắm nhưng chả bù cho lúc biết “chân tướng”, chị sẽ sa sầm như trời sụp. Có chuyện khó khăn tài chính ở cơ quan chồng cũng không lên tiếng, còn luôn miệng “Mọi chuyện vẫn ổn”. Nhiều khi Vợ chỉ được biết sự thật khi ai đó vô tình tiết lộ. Vợ chồng “đầu gối tay ấp”, vậy mà cảm giác như Chồng không tin tưởng, không chia sẻ.

Lỡ bạn bè rủ rê sau giờ làm, thì Chồng lại thông báo: “Anh làm thêm”, “Anh phải tiếp đối tác”. Có khi sợ lộ, Chồng đổi chiều: “Anh không ăn cơm nhà, thằng Trung mời cả tổ đi sinh nhật”. Vợ dỗi hờn: “Tháng trước mới nói sinh nhật anh Trung mà”. Nhưng Chồng chả vừa: “Không, cơ quan anh hai Trung”. Vợ đành giăng bẫy: “À, Trung tóc dài chứ gì?” thế là Chồng mắc lừa: “Đúng rồi”.

Thế là Vợ như tóm được chứng cớ: “Đấy, tháng trước anh nói sinh nhật anh Trung tóc dài mà”. Nhưng Chồng vẫn bình tĩnh vì bản lĩnh nói dối được rèn luyện của mình: “Ơ thế à, nó bảo đi ăn thì anh đoán sinh nhật nó, thế chắc là nó trúng cái hợp đồng mới, thôi anh đi, có gì tối anh kể”. Đuôi chồn đã thò ra nhưng Chồng vẫn nhất quyết giấu. Niềm tin và sự nghi ngờ càng thêm nảy sinh trong vợ.

Có hôm Chồng nói “Anh đi thăm thằng bạn ở bệnh viện” nhưng lại là đi họp lớp. Vợ biết được sự thật khi tình cờ gặp một ai đó cùng lớp với Chồng. Lúc này, tự dưng Vợ thấy mình như một con rối. Tình cờ, Vợ thấy Chồng trong siêu thị, định bụng trêu chồng, chị rút điện thoại ra “Anh đang ở đâu đấy” thì Chồng trả lời “Đang ở cơ quan chứ đi đâu”.

Lạ thay có những chuyện không đáng gì nhưng Chồng vẫn không nói dối. Muốn ra quán đầu ngõ uống cốc nước trà, Chồng lại bảo: “Anh dắt con đi chơi chút nhé”. Anh mua cho con gói bim bim, thả nó chạy đùa rồi vào làm chén trà. Trước lúc về lại dặn con “Mẹ hỏi thì nói ba đưa đi dạo nhé, lần sau thì ba lại mua bim bim cho”. Đứa trẻ thì hồn nhiên, mẹ hỏi là kể hết, chuyện chả to tát gì nhưng Vợ “tức lên cổ”. Kẻ đã gian dối trong chuyện nhỏ thì chả thể trung thực trong chuyện lớn! Vợ nghĩ thế và cảm giác không thể nắm Chồng trong tay khiến Vợ uất ức, khó chịu. Không biết có điều gì Chồng nói thật được chứ!

Nói dối = bệnh thành tích

Theo một nghiên cứu trên 3.000 nam nữ của Trung tâm Super Jop (Nga) thì đàn ông luôn nói dối nhiều hơn phụ nữ, nhất là với những người đang sống trong hôn nhân. TS. Yuri Levchenko nói rằng lời nói dối khéo léo giống như hành động đơn giản dễ hiểu, sự thật đôi khi khó nghe và cần giải thích.

Còn chuyên gia tư vấn Đinh Đoàn (Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên - CSAGA) thì các ông chồng hay nói dối những gì mà vợ hay nghi ngờ, tra hỏi, nói dối để cho gia đình yên ấm, nói dối không hẳn vì không yêu thương vợ.

Nói dối giống như “bệnh thành tích” của đàn ông trong cư xử với vợ. Vì cần phải cho vợ yên tâm, vì phải tỏ ra là người đứng đắn theo tiêu chuẩn của vợ nên anh ta phải “kê khống” cái sự thật của mình. Ví như một chén trà chỉ 2.000đ, chồng không sợ vợ kêu tiếc nhưng ghét bị càu nhàu: “Trà ở nhà, em pha cũng ngon, sao cứ phải ra đó, lại cà kê với mấy đám ăn không ngồi rồi, buôn lê bán dưa”. Đàn ông nghe thế thì sốt ruột dù biết vợ không sai nhưng họ muốn một khoảng trời riêng. Đàn bà lại hay để ý từ những cái lặt vặt nên chồng nghĩ nói dối là ngắn ngọn nhất. Nếu chồng nói đi họp lớp thì vợ có thể suy diễn “thích gặp người xưa” hoặc “vẽ chuyện”.

Đàn ông sợ nhất vợ suy diễn, có ‘ít xít ra nhiều”, nhất là hai vấn đề về tiền bạc và các mối quan hệ. Do vậy các ông chồng luôn hạ hóa đơn thanh toán với món hàng mình tự ý mua cho vợ đỡ xót. Các anh cũng không chỉ có bạn mà cần “bè” nên thích cà kê. Mà vợ thì hay lập luận dây cà, dây muống hay cho đó là xấu nên các ông đành “lươn” cho êm.

Mặt khác, với đàn bà thì đàn ông chỉ giống “đứa trẻ con to xác”. Nhưng xã hội luôn gán cho anh ta cái hình ảnh “cây cổ thụ tỏa bóng”. Bởi vậy anh ta luôn phải tỏ ra: “Anh vẫn ổn”, “Mọi việc em bảo, anh đã làm xong” “anh sắp về tới nhà rồi” để làm yên lòng vợ con. Tâm lý của nhiều người vợ là muốn nắm trọn chồng trong tay vì anh ta là đứa trẻ rất dễ bị dụ dỗ, rất dễ bị cả nể mà cà kê với đám “là bè không bạn”. Chính vì thế, phụ nữ hay tra hỏi, hay nghi ngờ, suy diễn, hay kìm kẹp cái “xấu xí bản năng” của chồng dẫn đến tình trạng nói dối của chồng gia tăng.

Thế nên nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng tật nói dối của chồng có một phần nguyên nhân từ người vợ. Khi “phát giác” vợ nên bày tỏ quan điểm “nới lỏng” để chồng đừng “đối phó” chồng thì nên nói rõ nguyên nhân để vợ có thể tin là “nói dối với ý chân thành”. Nếu không có một cuộc trò chuyện để nói rõ về suy nghĩ của nhau thì quan hệ vợ chồng lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Dẫu những chuyện trên “nhỏ như con thỏ” nhưng đã động chạm đến chuyện “niềm tin” thì cũng dễ gây nên cuồng phong.

 Như Bình

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Gia đình khỏe

Giảm béo

Dịch vụ