Hợp tác quảng cáo

Người đàn bà sống mãi với vườn cò tiền tỷ

Đó là cách gọi trìu mến của người dân quanh vùng dành cho bà Vũ Thị Khiêm (thôn Dừa Lễ, xã Hả Lựu, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Hơn 70 tuổi đời, hơn 50 năm qua, không biết có bao nhiêu cánh cò đã lớn lên, bay đi dưới sự che chở của bà.

Vườn cò của bà Vũ Thị Khiêm

Vườn cò của bà Vũ Thị Khiêm

Ở vị trí heo hút nhất làng, để vào được nhà bà Khiêm, khách phải men bờ đê sông Lô đi theo con đường đất thịt nhỏ hun hút ước hơn một cây số mới tới ngôi nhà nhỏ nằm nép mình dưới tán rừng um tùm.

Bà Khiêm vốn quê gốc ở Quảng Ninh, năm 1949 chiến tranh loạn lạc, bố mẹ bà đưa cả gia đình chạy giặc lên Vĩnh Phúc. Ngày ấy, nơi đây là một miền đất hoang vu bốn bề rậm rạp, cây cối chằng chịt, chưa có bàn chân con người tới sinh sống. Năm đó bà 8 tuổi, ngày ngày lũn cũn theo bố mẹ, theo anh vào rừng phát cây, làm nhà. Những năm 1962-1963, đàn cò bắt đầu xuất hiện tại khu vườn nhà, lúc đầu chỉ lác đác rồi sau càng ngày càng nhiều, có đến hàng vạn con.

Một thời gian sau thì bố mẹ của bà mất. Trước khi yên nghỉ, các cụ còn gọi con cháu dặn dò: "Dù sau này có đói nghèo đến đâu cũng đừng giết hại đàn cò. Phải luôn coi chúng là bạn, đất nhà ta có lành chúng mới kéo nhau về tìm đậu".

Bà Khiêm đã khắc cốt, ghi tâm những lời nói ấy cho đến tận bây giờ.

Bà Vũ Thị Khiêm

Bà Vũ Thị Khiêm

Lời thề giữ vườn cò

Năm 16 tuổi, bà lấy chồng. 10 năm sau, người chồng hy sinh trong một trận đánh ác liệt ở chiến trường miền Nam, để lại cho bà hai người con. Nhưng cuộc sống vốn không công bằng, năm 1998, bà mất tiếp người con trai duy nhất sau một tai nạn giao thông. Cô con gái đi làm ăn xa sau khi dứt tình duyên với chồng đã không tin tức, không thư từ gì cho bà. Tất cả tài sản của bà hiện giờ là 5 đứa cháu, 3 gái, 2 trai và vườn cò làm bạn.

Mặc dù gia đình rất nghèo, neo đơn, luôn gặp khó khăn về kinh tế, nhiều khi không có đủ cơm ăn nhưng bà Khiêm vẫn đinh ninh lời cha dặn năm nào: “không mua, không bán”. Với bà, đàn cò là nguồn vui, là động lực để bà vươn lên chiến thắng số phận. Sức người có hạn, cũng may thay ông giời không bắt bà phải ốm, phải đau là mấy. Bà cháu với mấy sào ruộng trồng lúa, trồng hoa màu cộng thêm chút ít tiền trợ cấp liệt sĩ của chồng, cứ thế bà cháu bà rau cháo mà nuôi nhau.

Câu chuyện đang dang dở, bà lại phải đảo một vòng quanh vườn kiểm tra xem có kẻ xấu nào vào bắt trộm cò không: "Mệt lắm chú à, tôi giờ cũng đã già rồi, không còn sức như trước nữa. Nhưng hàng ngày, dù đi làm ngoài đồng gần hay chợ xa, thấy đàn cò xao xác là tôi lại tức tốc quay về…”

Lập lời thề giữ vườn cò, năm nào cũng vậy, mùa cò về sinh sản cũng là lúc bà cháu mong mỏi nhất và... lo sợ nhất. Khoảng vào tầm tháng 3 âm lịch hằng năm, cò về làm tổ, sinh sản, kêu ríu rít. Tháng 8, khi cò con lớn, chúng lại lục đục kéo nhau bay đi đâu không ai biết. Đầu mùa thu, đàn cò, đàn diệc trên phương Bắc lại về khu vườn trú rét. Bà Khiêm coi cò là bạn, là con cháu nên không tiếc công sức bảo vệ. Bà Khiêm có một linh cảm đặc biệt đối với loài cò. Bà biết được tiếng kêu nào của cò là đói ăn, đòi ngủ, tiếng kêu nào là có người lạ lùng tìm, tiếng kêu nào là đến mùa sinh nở…

Nhiều khi giữa đêm tối, bà Khiêm vẫn lần mò vào vườn để bắt tận tay những kẻ phá hoại. Đã nhiều lần bà bị những tên ăn trộm chửi mắng, đánh trả. Có hôm, nghe tiếng cò kêu biết có động, bà gọi con rể lên trước, mình lên theo sau và tiếp tục gọi hàng xóm lên theo. Đến nơi thì chúng đã bắn được hai bao tải cò, anh con rể đang bị 3, 4 thằng trộm quây lại đánh. Bà trợn mắt, tay nắm chặt, nói rít lên: “Chúng mày giết bấy nhiêu con cò thì hàng trăm con cò con ai kiếm mồi cho chúng nó ăn... Rồi chúng nó cũng phải chết theo bố, mẹ nó thôi”. Bọn trộm cò cúi đầu như những tên tội phạm vừa bị tòa tuyên án…

Cũng có lần bị bắt tại trận, tên trộm tức tối đã chĩa súng vào đầu bà đe doạ, vậy mà bà không hề sợ, sau đó vạch mặt, tố cáo chúng với lãnh đạo thôn, lãnh đạo xã.

Một đợt, có người đem đến mấy cục tiền và cái giấy hợp đồng để "đặt hàng" bà cung cấp cho họ mỗi tháng một lượng cò con để họ bán cho khách nhậu. Bà đuổi thẳng, với bà, dù có phải ra đường làm đứa ăn mày cũng quyết không làm cái việc thất đức ấy.

Bà Vũ Thị Khiêm

Bà Vũ Thị Khiêm với khu vườn cò của mình 

Tiền tỷ cũng không bao giờ bán

Cả đời, bà chả bao giờ nhìn thấy tiền triệu, chứ nói gì đến tiền tỷ. Thế nhưng, bất kỳ giá nào bà cũng không bán vườn cò, cho dù số tiền đó có thể giúp bá sống sung túc cả một quãng đời còn lại. Tháng 6 ba năm trước, có một chiếc ô tô đỗ xịch trước cửa, bước ra là một người đàn ông ăn mặc sang trọng. Ông ta nghe tiếng đã tìm đến tận nơi chiêm ngưỡng đồi cò. Sau buổi lang thang, ông quay lại gạ gẫm bà đổi khu vườn cò lấy một mảnh đất và biệt thự đắt tiền ở Hà Nội. Không nhận được sự đồng ý, một thời gian sau ông quay lại đưa ra cái giá 10 tỷ đồng. Nhưng quyết định của người mẹ già cả đời đói rách này là từ chối số tiền lớn đó.

Lại có một gia đình ở Hà Tây ( cũ) đến xin mua lại toàn bộ khu rừng của bà với giá 20 tỉ đồng, song bà nhất quyết không bán. Bà tâm niệm rằng, đời mình sống còn được mấy cái tết nữa, nếu có bán đi, tiền ăn cũng hết, rừng thì người ta phá, làm biến dạng, cò thì không có nơi trú ngụ, chúng biết đi đâu, về đâu…

Bà nói với tôi một cương quyết: “bao nhiêu tiền tôi cũng không bán”. Nhưng tôi thấy khóe mắt bà ngân ngấn nước. Có lẽ, cả một đời với lời thề giữ vườn cò, đến lúc bà cũng đã già, không còn đủ sức lực và thời gian để chăm sóc chúng nữa.

Khi tôi hỏi về mong ước của bà, bà như chực khóc: “Tôi chỉ mong sao trời cho sức khỏe để nuôi nấng các cháu nên người và bảo vệ vườn cò. Đời tôi như thân cò thân vạc, sống được ngày nào thì hay ngày đấy. Tôi mất đi, 5 đứa cháu bơ vơ, người ta phá vườn cò thì những cánh cò biết bay về đâu?”.

Minh Hải

Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Cho con

Giảm béo

Dịch vụ