Một mối quan hệ lãng mạn cần rất nhiều sự vun đắp, hy sinh, thỏa hiệp và nỗ lực từ cả hai phía để có thể trở thành một mối quan hệ hạnh phúc.
Một người cần ghi nhớ những thói quen khác nhau trong tính cách của mình để trở thành một đối tác tốt và mang lại sự hỗ trợ tích cực cho đối phương. Những thói quen này bao gồm kỹ năng lắng nghe thấu hiểu, kiên nhẫn, tôn trọng người bạn đời ...
Tuy nhiên, có một số thói quen trong mối quan hệ thường được coi là độc hại nhưng chúng thực sự lại là lành mạnh. Dưới đây là một số thói quen bị hiểu lầm bạn nên biết.
1. Để lại một số xung đột không được giải quyết tận gốc
Đôi khi, cố gắng giải quyết xung đột có thể tạo ra nhiều vấn đề hơn là việc khắc phục nó.
Đừng cố gắng giải quyết tận gốc mọi xung đột, hãy chấp nhận chúng trong các mối quen hệ nhất là vợ chồng - (Ảnh: Timesofindia). |
Một số cuộc tranh cãi chỉ đơn giản là không đáng để phải đưa ra phán xử. Các cặp vợ chồng thành công chấp nhận và hiểu rằng một số xung đột trong cuộc sống là không thể tránh khỏi, rằng sẽ luôn có những điều họ không thích ở người bạn đời của mình hoặc những điều họ không đồng ý. Bạn không nên có suy nghĩ cần phải thay đổi một ai đó để yêu họ.
2. Không làm cho nhau cảm thấy tốt mọi lúc
Khi ưu tiên cao nhất của chúng ta là luôn làm cho bản thân cảm thấy thoải mái hoặc luôn làm cho đối tác của chúng ta cảm thấy tốt, thì thông thường, không ai trong hai người sẽ cảm thấy hài lòng.
Điều này về lâu dài sẽ dẫn đến mối quan hệ bị tan vỡ. Do đó, thay vì suốt ngày chỉ tìm cách làm cho nhau cảm thấy tốt mọi lúc, bạn nên làm một điều gì đó quan trọng hơn trong mối quan hệ của mình.
3. Sẵn sàng kết thúc mối quan hệ
Sự lý tưởng hóa phi lý trong chuyện tình cảm khiến mọi người phải ở bên những người bạn đời không đối xử tốt với họ và cố gắng kìm nén nỗi đau của bản thân dưới danh nghĩa duy trì một mối quan hệ.
Tuy nhiên, đôi khi điều duy nhất có thể tạo nên thành công cho một mối quan hệ là kết thúc nó vào thời điểm cần thiết trước khi nó trở nên quá xấu.
Đôi khi điều duy nhất có thể tạo nên thành công cho một mối quan hệ là kết thúc nó vào thời điểm cần thiết - (Ảnh: Timesofindia). |
4. Cảm thấy bị thu hút bởi người thứ ba
Sẽ tốt cho sức khỏe hơn nếu cho phép bản thân trải qua những cảm giác này và sau đó để chúng qua đi. Khi bạn kìm nén những cảm xúc này, bạn đã trao cho chúng khả năng kiểm soát bản thân thay vì chủ động điều khiển hành vi thông qua việc cảm nhận chúng và chọn không làm bất cứ điều gì.
5. Có khoảng không gian riêng tư
Điều quan trọng là mỗi người đôi khi cần có khoảng không gian riêng tư với nửa kia của mình. Nó khẳng định sự độc lập hoặc sở thích của riêng của mỗi người.
Có một số bạn bè riêng biệt, thỉnh thoảng đi du lịch đâu đó một mình, hãy nhớ điều gì đã khiến bạn trở thành con người của chính mình và điều gì đã thu hút bạn đến với nửa kia của mình ngay từ đầu.
6. Chấp nhận những sai sót của đối phương
Tất cả chúng ta đều có khuyết điểm và bạn không bao giờ có thể ép buộc một người thay đổi bản thân họ. Vì vậy, bạn phải tìm kiếm những người có những khuyết điểm mà bạn có thể chung sống hoặc thậm chí đánh giá cao.
Trên thực tế, bạn có thể chấp nhận chúng và thậm chí yêu mến một số khuyết điểm của người bạn đời. Đó là một dấu hiệu của sự thân thiết thực sự.
Đôi khi, có những điều chúng ta vẫn nghĩ là có hại theo suy nghĩ cố hữu tồn tại từ lâu. Nhưng thực tế lại có những điều lành mạnh, và có lợi trong các mối quan hệ. Nếu có hiểu nhầm về những điều này, chúng ta nên thay đổi và có cách tiếp nhận mọi thứ mới mẻ hơn.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin