(SKGĐ) Đổ vỡ trong hôn nhân hay khiến người ta quan trọng hóa thành đổ vỡ cuộc đời. Nhưng sự thật nhiều khi thành công chỉ đến ở lần làm lại.
Phá vỡ để sửa sai
“Nếu anh bỏ vợ thì lần sau tự cưới, sẽ không ai tham gia. Cả họ này chưa ai dám ly dị…”. Đó là cuộc điện đầy tức giận của bác cả từ quê gọi lên cho anh. Nhưng lúc ấy lá đơn của anh chị đang nằm ở tòa án và đã qua bước hòa giải, hai người đã giường ai nấy ngủ, cơm ai người đó ăn. Cuộc hôn nhân ấy được một năm ba tháng, không cãi cọ, không chì chiết nhưng hai người lại không có bất cứ sự hòa hợp nào.
Họ đến với nhau nhờ sự tác động của gia đình, sau khi cùng đi qua những lỡ dở, đổ vỡ của tình yêu thời trẻ. Anh thích vợ lịch lãm, trang trọng thì chị vẫn giữ mãi tính xuề xòa, giản tiện ở quê. Kể cả “chuyện ấy”, anh và chị cũng không tìm được đồng điệu. Hai người lại cùng e dè, không chịu bày tỏ với nhau nên giữa họ, sự im lặng lớn dần theo đường xoáy trôn ốc. Bạn bè đồ rằng “vì thế nên hơn năm không có em bé”, một số còn nhận xét: “Mở lối thoát cho cả hai có lẽ sẽ tốt hơn”. Nhưng anh o ép mình trong tư tưởng cổ hủ và yếu đuối: “Đàn ông cưới vợ sao lại đòi bỏ, nhất là khi cô ấy chẳng có lỗi gì. Các cụ ở quê còn dọa từ mặt kìa”. Chị lại sợ sệt trong lý lẽ: “Không dưng đòi ly dị, mang tiếng gái hư bỏ chồng”.
Đến khi chị gái của chị từ xa về, không chịu nổi sự tẻ nhạt ấy đã cố gắng phân tích: “Nhạt thế thì bỏ nhau sớm khi nào hay khi đó, không yêu nhau mà cưới là sai rồi, mà sai thì phải sửa. Còn muốn gắn bó thì phải xem chuyện con cái thế nào chứ...”. Vì vẫn muốn gắng gượng nên chị thủ thỉ với chồng: Bây giờ chúng ta có con, chắc cả nhà sẽ vui lắm. Nhưng đáp lại là nét mặt hoang hoải (kiểu không chuẩn bị tinh thần để có con chung), không trả lời và những buổi “trực cơ quan” của anh nhiều hơn.
Nhiều đêm một mình, chị trằn trọc: Nói đến đứa con mà anh ấy vẫn thờ ơ thì còn tính gì cho tương lai đây? Liệu có con rồi, thực sự quan hệ vợ chồng sẽ tốt hơn, hay lúc ấy anh lại có người khác? Một lần ốm, chị xin về nhà đẻ nghỉ ngơi, anh đưa đến nơi rồi quay về, chẳng biết nước mắt chị lưng tròng. Thấy nhóm bạn cũ tụ tập, ai cũng có chồng con đi cùng, chị nghĩ “chồng mình chắc chả bao giờ”. Nhìn cách anh rể hồ hởi săn sóc chị gái, chị lại tủi thân; nghe mọi người trách chồng vô tâm thì chị chỉ biết ngậm ngùi. Đến lúc này, chị thấy mình “đuối” trong sự cố gắng vun đắp tình vợ chồng.
Nghe lời khuyên của chị gái, chị ngồi nói chuyện nghiêm túc với chồng về sự tẻ nhạt giữa hai người, đề nghị cùng cố gắng. Anh lúng búng “uh, anh sẽ cố” nhưng sau 5 tháng, thái độ của anh vẫn chẳng hề khá hơn và lá đơn ly dị được viết ra, anh ký sau hai ngày suy nghĩ.
Bước khỏi cuộc hôn nhân ấy, chị cũng chuyển ra làm cùng vợ chồng chị gái. Mối quan hệ rộng của chị gái giúp chị tiếp xúc với nhiều người nên những suy nghĩ trong chị thay đổi dần. Nghĩ lại cuộc hôn nhân cũ, chị tự nhắc: đám cưới là của mình, sẽ không để mọi người quyết hộ, vợ chồng phải có tiếng nói chung, thà cãi nhau còn hơn lầm lũi một mình… Một năm sau ly hôn, chị bước vào cuộc hôn nhân mới khi cả hai cùng khát khao về một gia đình chung, hào hứng khi nghĩ tới ngày làm cha mẹ. Với người chồng mới, cũng có lúc anh to tiếng “Anh quyết rồi, em đừng càu nhàu nữa” nhưng khi vợ giận dỗi anh cũng biết vuốt ve, vỗ về “Anh biết mình sai rồi, vợ bỏ qua nhé”. Và anh thật sự yêu vợ con, chỉ đi xa 2 ngày là gọi điện rối rít, đi đâu cũng mang quà về cho vợ…
Lộc biếc sau đông dài
Cái ngày trở về cuộc sống độc thân của chị sẽ ít bẽ bàng, hoang hoải hơn nếu 3 năm đời sống vợ chồng không nhiều hạnh phúc như thế. Đã từng được bạn bè ca ngợi, ghen tỵ thèm khát, đã từng tự thấy mình đang ở thiên đường với một người chồng tài hoa nên cuộc ly hôn ấy (vì anh quay lại với tình cũ) càng khiến chị choáng váng. Lúc ấy chị thấm thía: ngã xuống từ vị trí càng cao thì càng đau! Nhiều đêm, chị bàng hoàng tỉnh giấc vì mơ thấy anh dắt người đàn bà ấy đi, mặc chị khóc lóc.
Nhiều ngày sau khi ra ở riêng, chị vẫn nhói lòng khi nhớ lại thái độ của chồng, anh không run sợ như người đàn ông ngoại tình khác mà bình tĩnh đến lạnh lùng: “Xin lỗi em và con nhưng anh biết mình không thể tiếp tục cùng em, cô ấy cần anh và anh thực sự chưa bao giờ quên cô ấy”. Thái độ đó khiến chị luôn bị bủa vây bởi ý nghĩ: “Hóa ra mấy năm vợ chồng, chị chỉ là thế thân cho người đàn bà đó, họ thuộc về nhau, vậy mà anh đã từng hứa hẹn không bao giờ làm vợ tổn thương”. Chị giật mình nghi ngại trước mọi quyết định và nhận xét của bản thân, hoài nghi khi nhìn vào bất cứ cuộc hôn nhân nào.
Thời gian cứ thế kéo lê qua nỗi chản nản, mỗi lúc nghĩ lại chuyện cũ, chị lại nhìn vào máy tính, xem bảng kế hoạch công việc để đêm bớt dài, sự suy diễn tạm lánh đi. Ngày nối ngày qua như thế nên 10 năm trôi qua, niềm vui công việc và bạn bè dần trở lại thì chị vẫn lạnh lùng, nghi ngại với đàn ông và hôn nhân. Nhưng đứa con của chị, càng lớn càng khuyến khích “mẹ yêu đi”. Có lúc chị cáu “mẹ cấm con nhắc”, nhưng nghe con nói nhiều quá thì chị cũng mặc kệ.
Thấy đứa con ngày càng quấn quýt với bác hàng xóm “gà trống nuôi con” rồi nó tưởng tượng “hay mẹ và bác…”, chị vẫn thờ ơ. Một lần vừa về nhà thì thấy người đàn ông ấy đang loay hoay trên cái ghế cao giữa phòng ngủ của mình. Cả hai nhìn nhau bối rối thì đứa con chị chạy từ nhà tắm ra: “Con nhờ bác sang sửa cái đèn, cái tủ giúp mẹ và giúp con trồng hoa ở ban công đấy”. Chị chỉ nói “Cảm ơn” rồi vào bếp nấu cơm.
Một lần, rồi nhiều lần gặp gỡ, thấy người đàn ông từ tốn, chị trở nên cởi mở, hai gia đình thỉnh thoảng lại ăn chung. Với sự khích lệ và những lời khen ngợi mà bạn bè chị dành tặng cho anh, qua thời gian, chị đã bằng lòng “làm lại”. Thế rồi chẳng đám cưới, hai người ngoại tứ tuần được hai đứa con tuổi thiếu niên “hộ tống” đi đăng ký kết hôn lần thứ hai. Một cuộc sống mới bắt đầu. 5 năm sau, ở tuổi 45, chị lại đúc kết: Cuộc đời luôn có những điều kỳ diệu bị chúng ta nhìn trong con mắt nghi ngờ…
Restart là mưu cầu hạnh phúc Trong quá trình tư vấn, tôi đã gặp rất nhiều trường hợp đắn đo khó khăn để quyết định “restart” hôn nhân nhưng cuối cùng dám ly hôn đã mở ra cho họ một cuộc hôn nhân mới có hậu, hạnh phúc hơn nhiều. Không nên nghĩ “bắt đầu lại” trong hôn nhân giống như chuyện không thích cái áo này thì vứt nó đi và mua cái mới, mà nó xuất phát từ quyền mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Khi cuộc hôn nhân đã đi qua nhiều năm tháng, nhiều cố gắng mà vẫn không cho họ cảm giác hạnh phúc thì nên giải thoát và tìm hạnh phúc mới. Chuyện con cái, gia đình, tâm lý lo sợ… khiến nhiều người không dám ly hôn và ngại ngần bước vào hôn nhân khác, đặc biệt là phụ nữ. Nhưng chỉ đi qua bóng tối thì mới hy vọng thấy ánh sáng. Muốn tránh việc “restart” vội vã, tránh sai lầm nối tiếp thì mỗi người cần có thời gian nhìn lại thấu đáo hơn về hôn nhân và hạnh phúc, rút ra được kinh nghiệm trước khi kết hôn lại. Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Công ty Tư vấn Đầu tư & Phát triển Con người Nhật Minh, tổng đài tư vấn 1900 6802. |
SKGĐ