(SKGĐ) Rất ít người Việt Nam dám hỏi ai sẽ quản lý tiền trước khi kết hôn. Nhưng sau đám cưới, việc tài chính gia đình do ai nắm lại cực kỳ quan trọng.
“Nghị định 50-50”
Không phải sống chung với bố mẹ chồng là điều Hằng thấy nhẹ nhõm nhất sau cuộc hôn nhân. Tháng trăng mật ngọt ngào đi qua, đến khi quay trở lại với cuộc sống thường nhật, cả hai mới bắt đầu để ý đến vấn đề tài chính của gia đình. Sau một hồi bàn bạc, “nghị định 50-50 được vợ chồng Hằng áp dụng với các điều khoản:
1, Hôm nay anh có quyền đưa ra quyết định các công việc trong nhà, thì lượt tiếp theo sẽ là em.
2, Ngoài khoản, 50% đóng góp chung, cả hai được thoải mái tiêu xài 50% số lương của mình mà không cần giải trình.
“Tiền anh kiếm được, anh tiêu. Thu nhập của tôi, tôi tự quyết”. Kiểu sống này ban đầu, mang lại những lợi ích nhất định. Vợ chồng hạn chế được cãi vã chỉ vì chuyện mua cái gì, sắm cái gì, ai quản ví ai… Tuy nhiên, lâu dần, sẽ trở thành thói quen “mạnh ai, nấy sống”, nguy cơ rạn nứt sẽ hình thành theo thời gian.
Giải bài toán tài chính
Giữ hết lương của chồng, chồng muốn tiêu cái gì thì phải báo cáo, nhất nhất phải thông qua vợ không phải là cách quản lý tài chính thông minh. Khi hai người quyết định để tiền thành “đồng tiền chung”, phần lớn vợ sẽ là người nắm “tay hòm chìa khóa”. Nhưng bất đồng trong việc quản lý tài chính đã vô tình đẩy nhiều cặp vợ chồng vào tình cảnh “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Chính vì thế, ngay khi bước vào cuộc sống gia đình, hai vợ chồng nên dành thời gian bàn bạc rõ ràng về vấn đề tài chính và thống nhất cách quản lý cũng như chi tiêu trong gia đình. Phương pháp tốt nhất vẫn là cả hai vợ chồng cùng quản lý tài khoản chung một cách hợp lý.
Lập trình chi thu minh bạch, rõ ràng
Nên lập một danh sách những việc dự kiến sẽ làm như: xây nhà, mua xe... Bên cạnh đó là số tiền phải chi và số tiền cần dành dụm hàng tháng. Chú ý đừng quên những khoản chi đột xuất như: ma chay, cưới hỏi, tiệc tùng, ốm đau... Vấn đề quản lý tài sản cũng rất quan trọng, cả hai vợ chồng phải tin cậy và tôn trọng quyền sở hữu của nhau. Không bao giờ quyết định việc gì có liên quan đến tài sản chung mà không hỏi ý kiến hoặc bàn bạc với người còn lại.
Nên để ra một khoản chi tiêu cho chồng
Nhiều ông chồng vẫn than phiền vợ mình quản lý tiền bạc quá chặt. Mỗi tháng, họ phải đưa hết cho vợ và nhận lại số tiền ít ỏi để chi tiêu mỗi ngày. Điều đó khiến đàn ông cảm thấy bức bối, khó chịu và nảy sinh ý nghĩ muốn lập quỹ riêng. Người vợ cần tế nhị trong việc này. Nên tạo sự thoải mái bằng cách đề ra một quỹ chi tiêu riêng cho mỗi người.
Không đẩy nhiệm vụ kiếm tiền cho riêng chồng
Các bà vợ đừng bao giờ quan niệm, chỉ có người chồng mới có trách nhiệm lo lắng việc chi tiêu trong nhà, từ đó phát sinh tâm lý ỷ lại. Cuộc sống vợ chồng là sự kết hợp giữa nhiều mặt, và tài chính là một trong những mặt quan trọng đó.
Đỗ Quyên