(SKGĐ) Mặc dù đã được cảnh báo trước, bản thân cũng đã lường được những tình huống trớ trêu của cuộc sống phụ thuộc nhà vợ, nhưng có nằm mơ Hoàng cũng không thể tưởng tượng ra tâm trạng của mình lại tồi tệ như lúc này. Không một lời phản ứng, không một câu cáu giận, Hoàng lặng lẽ ra đi - điều mà khi bước chân vào ngôi nhà này, anh chưa bao giờ nghĩ tới.
Có đúng là chuột sa chĩnh gạo?
Ngày Hoàng quyết định cưới Trang, bạn bè chúc mừng rất nhiều, nhưng cũng không ít người mỉa mai: “Cậu đúng là chuột sa chĩnh gạo, số hưởng phú quý”. Những người chân tình hơn thì khuyên răn nhẹ nhàng: “Cái gì cũng có giá, không nên thấy dễ dàng mà mừng vội”. Bỏ ngoài tai tất cả những khen chê ấy, Hoàng vẫn quyết định cưới cô gái tiểu thư khuê các.
Có thể Trang không phải là người anh yêu nhất, nhưng cô ấy có đầy đủ điều kiện mà những cô gái khác không bao giờ có được: con một, gia đình lại giàu có, bố mẹ đều là quan to ở tỉnh, lấy nhau xong hai vợ chồng sẽ được “cấp vốn” là một ngôi biệt thự trong khu nhà giàu, chưa kể Trang là người rất yêu Hoàng, luôn chiều theo mọi sở thích, mong muốn của anh.
Với những điều kiện không thể tốt hơn như thế, Hoàng cần gì phải đắn đo, suy nghĩ nhiều. Không phải Hoàng không biết những tình huống khó xử khi làm rể, nhưng anh nghĩ mọi việc đều do mình, chỉ cần khéo léo và chịu nhún nhường một chút, thì tất cả chẳng phải thuộc về anh hay sao.
Cuộc sống thực sự là những câu chuyện không thể đoán biết trước. Những ngày đầu Hoàng cảm thấy vô cùng hài lòng. Sau khi trở thành con rể của gia đình quyền thế, công danh, sự nghiệp của Hoàng lên như diều gặp gió. Chẳng nói thì ai cũng biết ở tỉnh lẻ này, không phải con ông cháu cha sẽ rất khó bước chân vào cơ quan Nhà nước chứ đừng nghĩ đến chuyện nắm giữ vị trí quan trọng nào đó.
Thế mà mới vào làm được tròn năm, Hoàng nghiễm nhiên giữ chức trưởng phòng. Cũng từ đó, Hoàng bắt đầu quen với những cuộc họp, những lần nhậu nhoẹt tiếp khách với đối tác… Ban đầu, Trang cũng tỏ thái độ thông cảm với chồng, cô cũng không hề giấu niềm tự hào về người chồng đẹp trai, phong độ. Nhưng những cuộc ăn nhậu diễn ra thường xuyên hơn, những lần gặp gỡ, tiếp khách ngày một nhiều. Dần dần Trang cảm thấy cô độc và xa lạ với chính người chồng của mình, cô bắt đầu cằn nhằn và tỏ thái độ với chồng.
Chưa kể những bức xúc của cô với gia đình nhà chồng, họ nghèo nhưng lại thích khoe khoang và hợm hĩnh. Họ ra vào khu biệt thự nhà cô, nói cười với những người hàng xóm sang trọng như quen thân từ lâu… những điều này làm Trang khó chịu và càng không có cái nhìn thiện cảm với gia đình chồng.
Và chuyện gì đến cũng đến, trong một lần Hoàng uống say, không về ăn cơm nhà, Trang đã hất cả mâm cơm vào người chồng, trước sự chứng kiến của mẹ chồng. Không kiềm chế nổi, Hoàng xông tới tát vợ, ngay lập tức Trang bù lu bù loa: “Anh dám tát tôi à? Anh đúng là đồ ăn cháo đá bát. Anh có được tất cả như ngày hôm nay là nhờ ai? Bản thân anh không có nổi bằng đại học chính quy, không có sự nâng đỡ của gia đình tôi thì liệu có cơm mà ăn không? Bây giờ khi có đầy đủ mọi thứ anh lại quay ra đánh lại tôi à?”.
Những lời nói của Trang như thức tỉnh Hoàng, anh quay sang nhìn gương mặt nhăn nhúm, đau khổ của mẹ mà thấy trái tim như bị bóp chặt. Anh đã sai khi lựa chọn những điều kiện tốt cho cuộc sống của mình? Đã sai khi dựa vào đôi chân của người khác để bước? Những mong muốn ấy đâu phải riêng anh có, chẳng phải ai cũng cần những điều kiện tốt để tiến thân hay sao.
Nghĩ mãi mà Hoàng vẫn không lý giải nổi mình sai lầm ở đâu, có lẽ sai lầm lớn nhất vì anh quá nghèo, vì anh không thể chen chân vào cổng trường đại học, vì tham vọng thoát khỏi cuộc sống khó khăn bằng con đường nhanh nhất, ngắn nhất. Những câu hỏi ấy đưa bước chân của Hoàng ra khỏi ngôi biệt thự tự lúc nào chẳng hay. Anh không biết rồi đây anh có còn muốn quay trở lại đó hay không và bằng cách nào – bản thân anh cũng không sao trả lời nổi.
Lấy cả gia đình nhà vợ
Câu nói ấy hoàn toàn đúng với trường hợp của Trường, nếu không vì gia đình vợ có cửa hàng kinh doanh vàng bạc lớn trên phố, thì chưa chắc Trường đã đồng ý lấy Yến.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, bản thân Trường lại là người chểnh mảng, luôn giữ trong mình suy nghĩ: “Có tiền sẽ có tất cả”. Trường không đẹp trai nhưng khéo ăn nói nên rất dễ lấy lòng những người lớn tuổi. Trường luôn tỏ ra chững chạc, từng trải và ngoan ngoãn, chính vì vậy, gia đình Yến không ngần ngại vun vén cho con gái họ sớm nên duyên với Trường. Được lòng nhà vợ, Trường chả mất gì, không những thế còn có nhà lầu, xe hơi, một công việc ổn định và cái mác “công chức nhà nước” mà cũng nhờ nhà vợ bỏ tiền chạy chọt, Trường mới có được.
Công chức nên lương ba cọc ba đồng, đến tiền tiêu vặt Trường cũng được vợ lo cho đầy đủ, chỉ cần khéo léo đặt cái ví lép trên bàn trang điểm là sáng hôm sau, chẳng cần kiểm tra cũng biết đã đầy tiền. Nhưng thói đời, “sướng không biết đường sướng”, Trường nhanh chóng chán cô vợ nhà giàu nhưng nhạt nhẽo, cặp bồ với một cô gái trẻ trung làm cùng. “Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, sự vụng trộm của Trường nhanh chóng bị phát hiện, cuộc sống nho nhã và đủ đầy mà anh ta ao ước bấy lâu cũng nhanh chóng tan thành mây khói.
Không ngoại tình nhưng anh Trường, nhưng chồng chị Hiền lại luôn có tư tưởng dựa dẫm toàn bộ gia đình nhà vợ. Nhà anh đông con, hoàn cảnh khó khăn nên sau đám cưới vợ chồng chị dọn về căn nhà do bố mẹ chị cho, ngay sát nơi ông bà ở.
Cuộc sống vợ chồng chị ban đầu khá êm đẹp nhưng khi hai con lớn dần, số lương công chức ít ỏi của hai người không thấm vào đâu và những khúc mắc cũng lớn dần. Để tăng thu nhập, chị Hiền theo học nâng cao và tranh thủ làm thêm ngoài giờ. Trong khi đó, chồng chị về nhà là nằm khểnh đọc báo, xem tivi đợi vợ lo cơm nước. Thấy cảnh này, bố mẹ chị Hiền vô cùng bực bội nên thỉnh thoảng cũng ca thán với hàng xóm rồi bóng gió nhắc con rể...
Anh chồng chi Hiền thì nghĩ ông bà ngoại coi thường nên đổ bực tức nên đầu vợ. Gần đây, sau một lần xích mích với bố mẹ vợ, chồng chị đòi ra ngoài ở, trả lại nhà cho ông bà. “Giờ lương hai vợ chồng chưa nổi chục triệu, mà tiền thuê nhà đã ngốn một nửa, còn hai con ăn học, làm sao lo nổi. Mình nhất quyết không đi thì anh ấy kêu giải tán. Mình thì chỉ thương con thôi...”, chị Hiền thở dài. Bố mẹ chị cũng ủng hộ chuyện ly hôn nhưng chị còn băn khoăn vì biết hai đứa trẻ rất thương bố.
Đàn ông đừng quên mình là trụ cột
Sức ép kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình, tình cảm vợ chồng. Ai cũng biết tiền không mua được hạnh phúc, nhưng khi thiếu thốn, con người dễ bức bách, khó kiềm chế, và những câu nói đụng chạm có thể làm tổn thương nặng nề tới nhau, khó cứu vãn.
Thực tế, sự kém cỏi về tài chính thường khiến nam giới rất khó chịu nhưng họ lại không dám thừa nhận điều đó. Họ tự ti, mặc cảm và một số người thể hiện sĩ diện của mình bằng những cách khác, đôi khi rất tiêu cực như lấy quyền làm chồng để ra oai, đay nghiến vợ con... Trong hoàn cảnh đó, người vợ, dù đã phải bươn chải vẫn phải gánh vác hết việc nhà, chăm lo con cái, nên rất dễ bất mãn... Mâu thuẫn gia đình từ đó ngày càng căng thẳng.
Trong tình huống này, cả hai vợ chồng đều phải cố gắng điều chỉnh bản thân. Người vợ cần cư xử tế nhị, đừng để người đàn ông mang cảm giác họ là kẻ thất thế, đồng thời động viên, tạo điều kiện để bạn đời vươn lên. Về phía mình, người chồng cũng cần khẳng định vai trò của bản thân trong gia đình bằng đạo đức, cách sống...
Hai vợ chồng nên thường xuyên trò chuyện, chia sẻ cảm xúc, bộc lộ tế nhị khi có việc không vừa ý, đừng để dồn nén tạo thành quả bom nổ chậm. Cả hai vợ chồng có thể san sẻ cả việc nhà lẫn lo toan kinh tế, đồng thời động viên nhau những lúc sa cơ lỡ vận để tạo động lực phấn đấu.
Tố Loan