(SKGĐ) Nếu bạn nghĩ công thức của các cuộc khẩu chiến đơn giản là Tranh cãi + Tranh cãi = Tranh cãi nhiều hơn thì bạn lầm to rồi. Thực tế, nó cũng biến hóa đầy màu sắc tùy thuộc vào cách bạn đang tham gia “cuộc chiến” như thế nào.
Tranh cãi + Bày tỏ quan điểm + Thiện chí = Giải quyết vấn đề
Với hai tiêu chí này, bạn sẽ biến cuộc cãi vã thường thấy thành một cuộc tranh luận trên cơ sở bày tỏ quan điểm cá nhân và tất nhiên là không quên tiếp nhận ý kiến của người khác. Và như vậy cuộc tranh luận này trên thực tế lại hữu ích cho mối quan hệ của hai bạn. Bởi những mâu thuẫn nhỏ nếu không được giải quyết dứt điểm sẽ biến thành nguy cơ gây ra những vết nứt lớn. Nếu biết đặt mình vào hoàn cảnh của vợ/chồng mình bạn sẽ dễ dàng cảm thông và dàn xếp mâu thuẫn ổn thỏa hơn.
Lưu ý: Trong khi tranh luận cần luôn giữ vững nguyên tắc: Tranh cãi không phải để phân định thắng thua mà là để tìm ra hướng giải quyết hợp lý nhất cho cả hai.
Ảnh minh họa |
Tranh cãi + Nóng nảy = Thay đồ mới
Nếu cả hai bạn đều sở hữu “đức tính” nói trên thì sự đối đầu sẽ bắt đầu bằng tranh luận và kết thúc bằng cuộc chiến của đĩa bay, chén bay cùng vô số vật thể bay khác. Thời kỳ hậu chiến sẽ là công cuộc thu dọn chiến trường và thay mới đồ đạc trong nhà. Sứt mẻ tình cảm đi kèm đổ vỡ đồ đạc, hai bạn thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần.
Lời khuyên cho bạn là khi xung đột quá căng thẳng một trong hai người hãy bỏ ra ngoài, đi sang phòng khác và thư giãn thay vì đập phá đồ đạc.
Tranh cãi + … = Hiểu + Yêu nhau hơn
Điều gì trong dấu “…” lại làm được điều kỳ diệu này? Đó chính là Cảm thông. Đôi khi vì công việc, vì con cái, vì trăm thứ khác mà bạn quên mất người bạn đời của mình đang nghĩ gì và cảm thấy như thế nào. Sự ấm ức, bất mãn, bất công mà bấy lâu anh ấy/cô ấy vì yêu và lo cho gia đình mà phải chịu đựng, phải nín nhịn nếu không có dịp được (hay bị) nổ tung ra thì có khi cả đời mình cũng không để ý.
Thế nên, tranh cãi trong đời sống vợ chồng đôi khi cũng quan trọng như muối đối với bữa ăn vậy (nghĩa là phải dùng đúng và nêm nếm vừa phải). Tranh luận không nhất thiết phải to tiếng. Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của vợ/chồng. Sự cảm thông sẽ đưa hai vợ chồng ngồi lại để bày tỏ những bức xúc của mình, đồng thời lắng nghe ý kiến của người khác để rút kinh nghiệm, để sửa sai và để yêu nhau hơn.
Tranh cãi => Hậm hực (bên trong) + Im lặng (bên ngoài) => Chiến tranh lạnh
Việc im lặng nín nhịn khi mâu thuẫn chưa được giải quyết chính là mầm mống cho việc bùng nổ cuộc chiến tiếp theo với cấp độ ngày càng cao hơn. Điều này chính là nguy cơ dẫn đến những rạn nứt lớn trong mối quan hệ giữa hai người. Chưa kể, thời gian xảy ra chiến tranh lạnh cũng sẽ khiến cho hai người bị ức chế tinh thần, không chỉ ảnh hưởng xấu đến tình cảm mà còn nguy hại cho sức khỏe.
Tranh cãi => Đình chiến + Chờ thời điểm = Khôn ngoan
Khi cả hai đã nguôi giận và khi cái đầu đã nguội thì mẫu thuẫn và lỗi lầm cũng dễ được thứ tha hơn. Điều quan trọng nhất là thời gian đình chiến sẽ khiến cho cả hai tỉnh táo và có nhiều thời gian để suy xét vấn đề hơn. Tuy nhiên, vẫn cần đưa lại vấn đề vào một dịp khác thích hợp để giải quyết mâu thuẫn triệt để.
Tranh cãi + Hiếu thắng/Cố chấp = Bất hòa liên miên
Cứ thử ngẫm mà xem, khi cuộc khẩu chiến kết thúc, nếu bạn thua, rõ ràng bạn sẽ bất mãn và ấm ức. Nhưng ngay cả khi bạn thắng, bạn có hả hê không khi thay vì ăn cơm ở nhà bạn sẽ đi ăn cơm bụi, thay vì ngủ ở dường bạn có thể phải ra ngoài phòng khách cho muỗi đốt, thay vì không khí ấm áp trong gia đình thì tổ ấm của bạn sẽ chả khác gì ngôi nhà hoang.
Trong mọi cuộc tranh luận vợ chồng, dù bạn đúng hay sai, hãy cất cái lý đi và trò chuyện với nhau bằng cái tình. Chăm chăm để truy tìm lỗi ngôn ngữ, logic trong lý lẽ của đối phương và vin vào đó để phản pháo khiến cho đối phương không thể chống đỡ không mang lại cho bạn điều gì hết ngoài những tổn thương về tình cảm.
Tranh cãi + Nhìn nhận công bằng + Dũng cảm nhận sai = Hoàn thiện mình
Trong cuộc sống vợ chồng hay những người yêu nhau đều không tránh khỏi những bất đồng về quan điểm. Thừa nhận lỗi sai của mình không chỉ là một cách làm thông minh, chứng tỏ sự trưởng thành của bản thân mà còn là một cơ hội để hoàn thiện bản thân. Nhượng bộ bạn đời không phải là một sự tổn thất mà là sự thu hoạch. Và người được nhượng bộ càng không nên đả kích mà càng phải biết khích lệ và tôn trọng người bạn đời của mình hơn.
Tranh cãi + Bới móc quá khé/Xúc phạm cá nhân/Bôi xấu gia đình... = Thượng cẳng chân hạ cẳng tay/Bỏ về nhà đẻ/Ra tòa…
Thật sai lầm nếu bạn nghĩ nói ra những điều này sẽ giúp người ta nhìn nhận lại bản thân để thay đổi. Ép đối phương vào bước đường cùng để thỏa mãn sự hiếu thắng là một việc làm không hề khôn ngoan và càng gây kích động và tự ái cho họ. Các bạn sẽ không thể lường trước, cơn nóng giận sẽ dẫn bạn đi đến đâu.
Theo kết quả nghiên cứu của chuyên gia tâm lý người Mỹ- Abused Wives về phụ nữ bị ngược đãi, những người phụ nữ hay bị chồng đánh thường có một điểm chung: Họ luôn thắng trong các cuộc khẩu chiến với các đức ông chồng. Và khi không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến lý lẽ với ngôn từ, cánh đàn ông buộc phải dùng nắm đấm để đòi lại. Như vậy, ngay cả khi bạn thắng bạn vẫn là người thiệt thòi hơn cả.
Và cuối cùng, dù chân lý có thuộc về bạn hay không, hãy luôn tâm niệm một điều, người biết tranh cãi là người biết chừa đường rút cho đối phương.
La Giang