Người ta bảo đàn ông, đàn bà thường bước vào quãng 50-60 tuổi có thể “hồi xuân”. Nhưng bố tôi thì đã 75 tuổi, cái tuổi cũng đã có thể coi là “toan về già” rồi, con cháu chả ai nghĩ cụ còn hồi xuân được nữa...
![]() |
Ảnh minh họa |
Mẹ tôi cũng đã mất cả chục năm nay, hồi đầu tôi cứ giục ông đi bước nữa để về già có bạn đời chăm nom, nương tựa nhưng ông gạt đi chẳng màng gì chuyện ấy. Ấy vậy mà gần đây, người làng đồn ầm lên, bố tôi đang đi lại tìm hiểu một bà giáo làng bên, mới 51 tuổi. Bà giáo này còn kém chị cả nhà tôi ba tuổi cơ đấy. Tôi không tin chuyện này, anh em trong nhà cũng không ai tin. Chắc là người ta thổi vống lên thôi.
Tết Tây được nghỉ mấy ngày, mấy chị em chúng tôi lại tụ tập về quê thăm bố. Ăn cơm dọn dẹp xong, cả nhà ngồi quây quần uống chén trà, bố tôi nói có chuyện quan trọng muốn bàn với mọi người. Ai cũng tò mò, ngạc nhiên, có chuyện gì mà ông cụ phải bàn bạc với con cháu nhỉ? Hay là ông cụ định cho cậu út cái mảnh vườn bỏ không, hay là ông cụ đã lập di chúc, hay là ông cụ muốn mua cái máy mát xa, hay là… mỗi người đoán một ý, nhưng trật hết.
Bố tôi khoan thai nói muốn đón bà Cúc về ở cùng. Bố nói cả hai đều yêu thương và muốn được sống cùng nhau. Không ai nói gì, tất cả lặng im nhơ tờ. Tiếng gà gáy trưa bỗng vang lên xé toạc không gian yên lặng.
- Các con có ủng hộ bố không?
- Chị Ngần, chị Thắm, anh Sơn, anh Ngọc, chị Hoa thấy thế nào?
- Không thể có cái chuyện tày trời này được - tiếng chị Ngần (con cả) nói như hét.
- Đúng đấy, bố không thể làm thế được. Gần 80 tuổi đầu rồi, bố mà ham hố thế, họ hàng làng xóm họ cười vào mặt bố, cười vào mặt chúng con đấy – cậu Ngọc phụ họa.
- Từ từ đã, anh chị làm bố hoảng rồi đấy. Bố bị cao huyết áp, đừng có ai nói to với bố - tôi chỉ khẽ khàng.
- Tôi ở cùng bố bao năm nay, có để bố phải thiếu thốn gì đâu. Cơm ăn nước rót hầu hạ ông cụ đầy đủ, con cháu thì đầy nhà. Thế mà ông không lo vui thú con cháu lại đi lại với người đàn bà không đáng tuổi con mình. Thật xấu hổ! – cậu Ngọc lại tiếp tục ca thán.
- Chú nói ai xấu hổ? Chú biết những gì mà nói thế với bố. Có khi vì chú chỉ mải vợ con nên ông cụ buồn quá mới phải tìm đến người đàn bà ấy. Chú xem lại mình đi – anh Sơn chỉ trích lại cậu Ngọc.
- Thôi, thôi, tôi xin các anh, các chị. Các anh, các chị muốn tôi nhồi máu cơ tim mà chết hử. Ừ, tôi già rồi, bày đặt đòi sống chung với một người phụ nữ nữa thật là không ra sao cả. Tôi cũng đắn đo suy nghĩ nhiều nhiều lắm trước khi “xin phép” các anh, các chị thế này. Đúng là tôi già, nhưng trái tim tôi chưa già. Ngày xưa, tôi yêu và nhớ mẹ các anh, các chị nên chả màng đi bước nữa. Nay tôi gặp được người tâm đầu ý hợp, tự dưng muốn có người bạn kết giao tâm tình.
- Thì ông cứ kết giao, có ai nói gì đâu. Ông thích thì thỉnh thoảng cậu Ngọc chịu khó đưa bố sang nhà bà Cúc chơi vậy. Chứ ông đừng có nghĩ đến chuyện lấy bà ấy về làm vợ. Nó buồn cười lắm – chị Ngân nói.
- Kìa chị, chị em mình đi lấy chồng có ai ở cùng chăm sóc được bố đâu. Nếu có bà Cúc chăm sóc bố thì cũng tốt mà - tôi mạo muội góp tiếng tham gia.
- Vâng, em cũng nghĩ như chị Thắm, dì Hoa phụ họa.
- Cái cô này, cô nói thế mà được à. Bà ấy mới có 51 tuổi, đang hồi xuân phơi phới, bố thì vẫn còn mạnh khỏe thế này, không cẩn thận hai người về chung sống với nhau tòi ra một đứa con còn ít tuổi hơn cả chắt thì nhục… cái mặt - giọng chị Ngần kéo dài chì chiết.
- Ừ, thế thật thì đúng là…
- Ngọc chẹp miệng theo bà chị cả.
Bố tôi ngồi chết lặng, ông không nói gì nữa. Hai hàng nước mắt rưng rưng, hình như ông muốn khóc mà không khóc được. Con cái ông đây. Tất cả đều được ông nuôi dạy tử tế, tất cả đều thành đạt, hiển vinh cả. Đã lường trước những ý kiến trái chiều của lũ con, nhưng quả thật ông không thể ngờ tình cảnh nó lại bi ai thế này.
Già như ông, còn ham hố gì chuyện ấy, già như ông còn con cái làm gì nữa, con cháu đầy nhà rồi. Mà ông cũng không muốn cưới xin gì, kẻ vợ chết, người đã li hôn, hai cảnh già cô đơn về ở cùng nhau thôi.
Thực lòng, ông chỉ mong có người bạn tâm giao, có người phụ nữ sẻ chia những buồn vui, sáng sáng dìu ông ra sân tập thể dục, chiều chiều hai ông bà già ngồi uống chén trà bàn câu chuyện. Rồi ông có ốm, có đau thì bà chăm ông, đỡ phải phiền đến vợ chồng thằng Ngọc, nó vẫn đi làm mà còn bận chuyên con cái học hành. Đấy, chỉ mong mỏi có thế thôi, có đòi hỏi gì nhiều đâu.
Chuyện bố tôi muốn đón bà Cúc về không thành công. Cậu Bình kiên quyết không cho bà Cúc bước chân vào nhà, mấy lần bà qua chơi thăm ông, cậu còn nói bà thế này, thế nọ, thế là bà tự ái cũng chẳng thèm sang chơi với bố tôi nữa.
Lần ấy về thăm ông cụ, tôi thấy bố tôi buồn lắm, ánh mắt nhìn xa xăm lắm. Sức khỏe bố tôi có vẻ không còn sung sức như trước nữa. Trước kia ông đi lại nhanh nhẹn lắm, mà giờ đi đâu cũng phải vịn vào cái ba toong, vừa đi chậm rãi, ông cụ vừa húng hắng ho nghe như trong lòng có u uất ẩn khuất. Tôi thương bố lắm, và tôi cũng hoàn toàn ủng hộ chuyện bố muốn sống chung với bà Cúc. Cầm bàn tay gầy guộc của bố, tôi nhẹ nhàng:
- Bố à. Nếu bố muốn sống cùng bà Cúc mà cậu Ngọc vẫn cứ không đồng ý thì con với cậu Sơn, dì Hoa xây một căn nhà nhỏ trên mảnh vườn bỏ không nhà mình, rồi bố đón bà Cúc về ở cùng. Coi như bố ra ở riêng vậy. Nếu có ốm đau gì thì bố nhớ gọi cho chúng con.
- Ông cụ nghẹn ngào: Bố biết con thương bố, nhưng Ngần và Ngọc không vui thì làm sao bố vui được.
- Bố à. Chúng con ai cũng có gia đình riêng, cứ bảo yêu bố, thương bố nhưng có phải lúc nào cũng lo được cho bố đâu. Bố có thêm người bạn đời thì mọi người càng yên tâm. Rồi thời gian sẽ khiến bác Ngần và cậu Ngọc suy nghĩ lại thôi ạ.
Tết Âm lịch, bố tôi đón bà Cúc về ở cùng ngôi nhà mới xây. Vì chuyện này mà mấy chị em chúng tôi chia thành hai phe: Phe ùng hộ bố và phe không ủng hộ, phe không ủng hộ giận phe ủng hộ nên mấy chị em tôi đang tạm “chiến tranh lạnh”. Nhưng điều đó không quan trọng bằng việc ngôi nhà mới nhỏ bé và đơn sơ lắm nhưng tôi thấy niềm vui ánh lên trong mắt bố.
Xuân năm nay có vẻ về muộn quá, nhưng kìa góc vườn, cây đào phai đã lấm chấm mấy cái nụ hồng con con. Tiếng chim xanh ở đâu kéo về ríu tít góc vườn. Mùa xuân đến rồi!
Huyền Nguyễn
Theo tạp chí Sống Khỏe