Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 2018, ung thư đại trực tràng là ung thư phổ biến, đứng thứ 5 tại Việt Nam sau ung thư gan, phổi, dạ dày, vú. Mỗi năm ghi nhận gần 15.000 ca mắc mới với tỉ lệ 13,4/100.000 dân, và khoảng hơn 7000 ca tử vong.
Hiểu thêm về ung thư đại trực tràng để phòng tránh bệnh hiệu quả
Đại tràng (ruột già) và trực tràng (ruột cùng, ruột kết, ruột thẳng) là những bộ phận của ruột có chức năng giữ chất thải và tống xuất những thành phần chất thải từ thức ăn ra khỏi cơ thể. Ung thư đại trực tràng là khi các tế bào trong niêm mạc đại tràng, trực tràng phát triển bất thường và có khả năng xâm lấn hoặc di căn tới các cơ quan, bộ phận khác như gan, phổi, xương, não…
Ung thư đại trục tràng là một trong những loại ung thư phổ biến tại nước ta |
Chủ động tầm soát ung thư đại trực tràng để phát hiện sớm, tỉ lệ chữa lành cao
Theo các chuyên gia, ung thư đại trực tràng nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, cơ hội chữa khỏi lên đến 90%. Tuy nhiên, ung thư đại trực tràng ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc rất mơ hồ, khiến bệnh nhân dễ nhầm lẫn với các bệnh lý lành tính của đường tiêu hóa như: Rối loạn tiêu hóa, đau bụng, khó tiêu, viêm đại tràng, trĩ….
Vì vậy, việc tầm soát để phát hiện sớm ung thư đại trực tràng là điều hết sức quan trọng. Đặc biệt, 3 đối tượng dưới đây có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng rất cao, cần phải được tầm soát càng sớm càng tốt:
Người bị viêm loét ruột
Bệnh viêm ruột (Inflammatory bowel disease - IBD) bao gồm hai thể là: Bệnh viêm loét đại tràng (ulcerative colitis) và bệnh Crohn, thường kéo dài và hay tái phát. Khi mắc bệnh nhiều năm, đặc biệt nếu không được chữa trị, thường có thể phát triển thành chứng loạn sản. Đây là một thuật ngữ để gọi tình trạng các tế bào trong niêm mạc ruột phát triển bất thường nhưng chưa phải là tế bào ung thư. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng có thể chuyển biến thành tế bào ung thư. Do đó, nếu bị viêm loét ruột lâu năm bạn nên đến bệnh viện tầm soát để chủ đồng phòng chống bệnh tật.
Người bị viêm ruột nên đi khám bệnh thường xuyên để phòng ngừa ung thư ruột |
Gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng đã được chứng minh có yếu tố gia đình. Theo thống kê, cứ trong 3 người mắc ung thư đại trực tràng thì có 1 người có thành viên trong gia đình mắc bệnh này. Những người có người thân trực hệ như: Cha mẹ, anh chị hoặc con cái mắc nguy cơ mắc bệnh càng cao hơn. Vì vậy, trong trường hợp này, chuyên gia khuyến cáo bạn nên nội soi đại trực tràng càng sớm càng tốt, để có thể đánh giá tình trạng đường ruột, phát hiện kịp thời các tổn thương tiền ung thư hoặc khối u.
Sau khi nội soi nếu kết quả sức khỏe tốt, bạn vẫn nên kiểm tra 1-2 năm/lần để tránh bỏ lỡ giai đoạn vàng trong điều trị.
Người trên 50 tuổi
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, 90% người bị bệnh là những người trên 50 tuổi, trung bình là 72 tuổi. Khi tuổi tác tăng dần, chức năng của các cơ quan, đặc biệt chức năng đại trực tràng cũng cũng suy giảm theo. Vì vậy, người trên 50 tuổi cũng nên nội soi đại trực tràng ít nhất mỗi năm một lần để xác định tình trạng sức khỏe hiện tại của đường ruột.
Người trên 50 tuổi cần được tầm soát ung thư đại trực tràng |
Hiểu rõ phương pháp nội soi tầm soát ung thư đại trực tràng
Các phương pháp tầm soát ung thư đại trực tràng hiện nay rất đa dạng. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, nội soi là phương pháp tầm soát chính xác nhất. Qua nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ phát hiện các bệnh lý như trĩ, polyp, hay viêm loét đại trực tràng … Từ đó, các bác sĩ sẽ có hướng xử trí phù hợp như: Cắt bỏ khối polyp trong lúc nội soi đồng thời sinh thiết polyp để chẩn đoán xác định ung thư. Dưới đây là 3 bước cơ bản khi nội soi đại trực tràng giúp bạn có thể tham khảo:
Bước 1: Khám và chỉ định
Trước khi nội soi để tầm soát, bạn sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm máu và nhận thuốc làm sạch đại tràng tại nhà. Vì vậy, hãy chọn một ngày rảnh rỗi và đặt lịch khám trước để tiết kiệm thời gian. Có 2 loại nội soi tùy theo lựa chọn của bạn là: Nội soi gây mê và nội soi không gây mê. Nếu lựa chọn nội soi gây mê, bạn nên đi cùng với người thân để đưa về sau khi làm thủ thuật.
Bước 2: Điều chỉnh chế độ ăn uống trước nội soi
Để đảm bảo đại tràng sạch sẽ, 3-4 ngày trước khi nội soi, bạn nên ăn những thực phẩm ít chất xơ và dễ tiêu hóa như: cơm, bánh mì, thịt nạc, trứng…, tránh các loại thực phẩm giàu chất béo, trái cây có vỏ hoặc hạt, ngô, bông cải xanh. Trong giai đoạn này, nếu đang dùng bất cứ các thực phẩm chức năng hay thuốc nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ có nên dừng lại hay không.
Bước 3: Làm sạch ruột
Đêm trước khi nội soi đại tràng, bạn sẽ được chỉ định uống thuốc nhuận tràng mạnh để làm sạch đường tiêu hóa. Kể từ khi uống thuốc cho đến lúc tiến hành nội soi, bạn sẽ phải nhịn ăn hoàn toàn. Có thể uống nước đường nếu cảm thấy đói bụng. Tuy nhiên, bạn không được uống các loại nước có màu sắc vì như vậy sẽ khiến bác sĩ khó quan sát đại tràng trong quá trình nội soi.
Do tác dụng của thuốc, bạn sẽ đi đại tiện rất nhiều lần, đừng quá lo lắng. Khi nào đại tiện ra nước trong là ruột đã sạch hoàn toàn.
Những thông tin trên đây chắc hẳn đã giúp bạn hiểu hơn về căn bệnh ung thư đại trực tràng, cũng như cách tầm soát bệnh. Nếu thuộc 3 đối tượng dễ mắc ung thư đại tràng, đừng chần chờ hãy đi tầm soát càng sớm càng tốt để phòng ngừa bệnh nhé!
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin