Nhờ khả năng làm tan các cục máu đông thường gây tắc nghẽn mạch máu, thuốc Aspirin dùng tốt trong phòng ngừa một số biến chứng về tim mạch.
Thực tế Aspirin là loại thuốc được dùng nhiều nhất trên thế giới. Trải qua hơn 100 năm kể từ ngày ra đời, tính đến nay đã có hàng nghìn tỷ viên Aspirin được con người sử dụng với tác dụng lúc đầu là trị đau nhức, kháng viêm, giảm sốt.
Ngày nay, Aspirin được biết đến là thuốc cần thiết, được chỉ định dùng phối hợp với các thuốc khác để điều trị cơn đau thắt ngực không ổn định và dự phòng tai biến mạch mãu não nhờ khả năng làm tan các cục máu đông. Vì vậy, dân gian hay gọi nó là thuốc “Ngừa đau tim đánh tan đột quỵ” .
Asprin - từ giảm đau đến ngừa đột quỵ
Aspirin là một dẫn xuất của axit salicylic, thuộc nhóm thuốc chống viêm non-steroid đây là chất được con người biết đến và dùng để chữa bệnh từ rất lâu. Loại thuốc này vồn có xuất xừ từ cây liễu trắng. Từ khoảng 4.000 năm trước, người Ai Cập đã dùng loại thực vật này để chống lại các cơn đau và nhiều bệnh tật khác.
Trong lịch sử y học Hippocrate (460-377 TCN) ông tổ của y học hiện đại đã dùng trà làm từ vỏ cây liễu trắng để chữa những triệu chứng khi bị đau, mà thành phần hoạt tính chính của liễu là axit salicylic. Sau đó ông đã khuyên người dân dùng nước sắc của vỏ cây liễu để chữa bệnh. Vì vậy Aspirin được biết đến như một loại thuốc giảm đau đầu tiên trong nên y học thế giới.
Tên hiệu Aspirin là do công ty dược Bayer đặt. Vào ngày 3/6/1899, hãng dược phẩm Bayer đã đăng ký bản quyền tên Aspirin như một nhãn hiệu hàng hóa và tháng 7/1899 bắt đầu quảng cáo Aspirin. Lúc đầu nó được bán ở dạng thuốc bột và đã nhanh thu được thành công. Vào năm 1914, Bayer bắt đầu giới thiệu sản phẩm Aspirin dạng viên nén.
Hơn 70 năm sau (1971) GS. John Robert Vane tại ĐH Y khoa Hoàng gia, Anh người được giải Nobel về đề tài có liên quan đến Aspirin đã tìm ra cơ chế tác dụng của Aspirin là ngăn cản việc hình thành cyclooxygenase, một enzym thúc đẩy việc tạo ra prostangladin. Chất prostaglandin chính là nguyên nhân của triệu chứng đau, sốt, viêm nhờ đó làm giảm kích thích của các cơ quan cảm nhận đau. Nhờ ức chế của cyclooxygenase nên Aspirin cũng ngăn chặn việc hình thành chất thromboxane, một chất có vai trò quan trọng trong việc làm đông máu do đó Aspirin ngăn không cho những tiểu huyết cầu kết thành cục nhờ đó giảm đột quỵ khoảng 20-30% và giảm nguy cơ tử vong.
Câu chuyện về Aspirin có tác dụng trong điều trị tim mạch có thể lấy ví dụ của ông Nguyễn Văn Bảy ở phường 9, Q.Tân Bình, Tp.HCM. Ông Bảy đã được điều trị sau tai biến mạch máu não bằng thuốc Aspirin và cho đến nay nguy cơ tai biến giảm đi nhờ loại thuốc này.
Năm 2008 ông Bảy bị tai biến mạch máu não. Sau một năm nằm liệt giường nhờ ý chí không khuất phục bệnh tật và năm người con thay phiên nhau túc trực giúp ông kiên trì tập luyện ông đã bình phục.
Trong đơn thuốc bác sĩ kê cho ông sau tai biến có Aspirin. Ông Bảy uống theo chỉ dẫn của bác sĩ theo từng đợt, mỗi đợt kéo dài hơn một tháng. Sau điều trị ông có dùng lại Aspirin hồi tháng 7/2011 khi có dấu hiệu thay đổi huyết áp tăng và bác sĩ đã chỉ định ông dùng thuốc Aspirin liều 75mg/ngày trong nửa tháng thì huyết áp trở lại bình thường.
Sau đó, bác sĩ cho ông ngừng uống để hạn chế tác dụng phụ nhưng vẫn yêu cầu ông thường xuyên kiểm tra huyết áp và khám định kỳ. Đến nay cùng với chế độ sinh hoạt điều độ kết hợp vận động, sức khỏe ông ổn định huyết áp 130/80, tim mạch bình thường.
Thuốc tốt nhưng phải sử dụng đúng
Tháng 2/2010 các nhà nghiên cứu thuộc Viện Sức khỏe Mỹ đã đưa ra kết luận rằng dùng Aspirin ít nhất hai lần mỗi tuần sẽ làm tăng nguy cơ giảm khả năng nghe ở nam giới lên đến 12%. Những người dưới 50 tuổi thì nguy cơ này là 30%. Điều này cho thấy, tuy Aspirin có phản ứng tốt với một số bệnh nhưng nó vẫn gây ra những phản ứng phụ bất lợi cho người dùng.
BS CKII. Vũ Đức Chung (Chủ nhiệm Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện 354) cho biết, khi dùng Aspirin phải theo dõi sát bệnh nhận các bệnh lý về tiêu hóa, dạ dày… để loại trừ được việc chảy máu trong.
Người bệnh tim chỉ dùng Aspirin khi có nguy cơ tắc mạch như có bệnh huyết áp, có triệu chứng đau thắt ngực, nên dùng theo đợt một tháng một sau đó nghỉ.
Đối với trường hợp của ông Bảy trên đây, thuốc Aspirin được sử dụng có tác dụng dự phòng tái phát cũng như dự phòng các tai biến huyết khối – nghẽn mạch ở những vị trí khác đối với người đã từng bị tai biến mạch máu não.
BS. Vũ Đức Chung cũng cho biết dùng thuốc không bao giờ là sai, nhưng tùy từng loại bệnh và từng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc như thế nào cho phù hợp.
Aspirin là thuốc trong điều trị tiêu hóa kỵ nhất vì tinh thể Aspirin kích thích niêm mạc dạ dày gây nguy cơ chảy máu, thủng dạ dày.
Khi thuốc ngấm vào máu có thể gây chảy máu tiêu hóa do thuốc làm ổ loét hoạt động tăng cường lên. Vì vậy, việc dùng Aspirin là dựa theo từng bệnh án cụ thể chứ không thể áp dụng một liều thuốc, một cách chữa cho tất cả mọi người.
Aspirin kháng viêm, giảm đau, hạ sốt rất tốt nhưng có tác dụng phụ gây chảy máu nên tuyệt đối không nên dùng cho những người có tiền sử bệnh chảy máu, sốt xuất huyết, loét dạ dày, người mẫn cảm với Aspirin cũng như người có bệnh ở gan và thận, trẻ em và bệnh nhân hen, phụ nữ có thai đang cho con bú…
Diệp Hương
Theo tạp chí Sống Khỏe