(SKGĐ) Khi lượng cholesterol trong cơ thể vượt quá mức “vừa đủ xài” cũng là lúc bạn cần cầu viện đến các loại thuốc hỗ trợ này.
Ở một hàm lượng vừa đủ, cholesterol (một dạng chất béo) rất cần thiết cho các quá trình chuyển hóa trong cơ thể, sản xuất màng tế bào, hormone, axit mật để tiêu thụ mỡ… Nhưng quá nhiều cholesterol thì đó thực sự là một tai họa (khởi nguồn cho các vấn đề về tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ).
Và, nếu lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống khoa học, cùng chế độ luyện tập hợp lý trong vòng 6 tháng vẫn không giúp bạn cải thiện tình hình; nghĩa là đã đến lúc bạn cần đến sự hỗ trợ của thuốc.
Điểm mặt những loại thuốc hỗ trợ đắc lực làm hạ cholesterol
Statins: Nhóm thuốc này có tác dụng làm chậm tiến trình sản xuất cholesterol trong cơ thể thông qua việc ức chế enzyme HMG-CoA reductase (đóng vai trò trung tâm trong việc sản xuất cholesterol ở gan). Nhờ khả năng giảm cholestrol xấu (LDL), statins giúp giảm 60% các bệnh liên quan đến tim mạch như nhồi máu cơ tim, tử vong đột ngột; giảm 17% nguy cơ đột quỵ sau khi điều trị lâu dài. Tuy nhiên, statin ít hiệu quả hơn so với fibrates và niacine trong việc giảm chất béo trung tính và tăng cholestrol tốt (HDL).
Resins: Resins có khả năng “bắt giữ” axit mật, khiến cho cơ thể thiếu hụt loại acid này và bắt buộc phải sử dụng đến cholesterol để tổng hợp thêm acid mật cho hệ tiêu hóa. Cơ chế này cũng sẽ giúp giảm hàm lượng cholesterol xấu trong cơ thể.
Niacin (còn gọi là vitamin B3, acid nicotinic hay vitamin PP: Với liều lượng 1000 và 2000mg, 2-3 lần/ngày, niacin giảm acid béo tự do trong máu, và như vậy, làm giảm tiết LDL và cholesterol ở gan. Niacin cũng làm tăng hàm lượng cholesterol tốt trong máu.
Tuy là một loại vitamin nhưng bạn vẫn cần có chỉ định của bác sĩ khi sử dụng. Vì nếu dùng thuốc ở liều cao có thể gây tiêu chảy hoặc táo bón, đau bụng, đầy hơi, ói mửa, đau đầu, xây xẩm, buồn ngủ, đau yếu cơ, da nóng đỏ, rối loạn giấc ngủ….
Fibrate: Thuốc này làm hạ cholesterol bằng cách làm giảm hàm lượng của các triglycerids trong cơ thể, đồng thời làm gia tăng hàm lượng chất cholesterol tốt. Fibrate còn làm giảm nồng độ chất béo trung tính, cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu có liên quan đến các bệnh thuộc hội chứng chuyển hóa như cao huyết áp và tiểu đường. Fibrate thường được kết hợp với stains.
Ezetimib: Đây là một loại thuốc tương đối mới, có tác dụng ức hế sự hấp thu cholesterol từ thức ăn qua niêm mạc ruột vào máu. Nếu uống cùng với bữa ăn sẽ tăng sự hấp thu đến 30%. Loại thuốc này đã được FDA Mỹ chấp thuận cho dùng đơn độc hoặc phối hợp với các statin để hạ cholesterol LDL và cholesterol toàn phần.
Tuy nhiên, khi dùng đơn độc, ezetimib có thể gây một số tác dụng phụ như: đau lưng, đau khớp. Khi phối hợp với các statin, sự phối hợp gây tác dụng phụ đau lưng, đau vùng thượng vị, có thể làm tăng men gan AST, ALT.
Hiểu về thuốc hỗ trợ cholesterol để dùng đúng
Đúng người, đúng lúc
Ảnh minh họa |
Ngoài ra, chúng ta cũng không nên quá tập trung vào lượng cholesterol toàn phần mà quên đi rằng tỷ lệ cholesterol xấu (LDL) và cholesterol tốt (HDL) cũng đóng vai trò quyết định sức khỏe tim mạch của bạn. Nếu HDL chiếm tỷ lệ 24% so với cholesterol toàn phần thì bạn có thể yên tâm về sức khỏe tim mạch của mình, nếu dưới 10% rủi ro mắc bệnh tim sẽ cao. Ngược lại, nếu như lượng cholesterol toàn phần của bạn ở mức an toàn nhưng tỷ lệ LDL quá lớn thì vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch.
Phòng chống bệnh tim: hiệu quả đến đâu?
Các số liệu nghiên cứu cho thấy, có sự giảm bớt 35% những trường hợp lên cơn đột quỵ lần thứ hai; và giảm 57% tỷ lệ tử vong trong số những người đã uống thuốc hạ cholesterol nói chung so với những người không uống.
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Đức cũng cho biết: Việc ngừng dùng thuốc hạ cholesterol (phổ biến nhất là statin) một cách đột ngột khiến nguy cơ tử vong của bệnh nhân tăng lên 3 lần so với những bệnh nhân vẫn tiếp tục dùng thuốc.
Tuy nhiên, các nghiên cứu này chỉ tập trung vào những bệnh nhân tim phải nằm viện chứ không đề cập đến hậu quả của việc ngừng dùng thuốc hạ cholesterol ở người khỏe mạnh.
Hiện nay, vẫn chưa có những bằng chứng rõ ràng cho việc sử dụng thuốc hạ cholesterol để phòng ngừa ở những người bình thường và những người có nguy cơ bệnh tim mạch thấp.
Chưa kể, một số tài liệu y học còn công bố những bằng chứng cho thấy các tác dụng phụ của nhóm thuốc statin (zocor, pravachol, mevacor, lescol, crestor) và lipitor thực ra nhiều hơn so với những những gì nhà sản xuất thông báo.
Bởi thế, các bác sĩ vẫn khuyến cáo bệnh nhân chỉ dùng thuốc khi các biện pháp điều chỉnh về chế độ ăn, lối sống, luyện tập tỏ ra không hiệu quả.
Hạn chế tác dụng phụ của thuốc
Giảm mỡ máu bằng các phương pháp tự nhiên Chế độ ăn: - Giảm hàm lượng tinh bột, đường trong thức ăn. - Tăng cường acid béo omega-3 trong thực phẩm (cá, các loại hạt, rau xanh, hoa quả); thực phẩm có lợi cho tim (dầu ôliu, dầu dừa, sữa ít béo). Lối sống: - Luyện tập thể dục, thể thao đều đặn. - Không sử dụng chất kích thích, thuốc lá; hạn chế bia, rượu. - Làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, duy trì giấc ngủ chất lượng, 7-8 tiếng/ngày. |
Ngọc Thụy