Từ vùng Địa Trung Hải, bắp cải chu du đến nhiều vùng đất trên thế giới và Sự thiếu hụt vitamin C có thể gây chảy máu chân răng, nứt nẻ môi, làm suy yếu hệ thống miễn dịch khiến cho bạn dễ bị nhiễm trùng và hay cảm lạnh, lão hóa nhanh hơn và thậm chí có thể bị trầm cảm.
Chất chống ôxy hóa này cũng giúp ích nhiều cho giác mạc và tuyến lệ, phòng bệnh khô mắt; chữa lành các mô bị hư hỏng, củng cố hoạt động của hệ thần kinh và giúp điều trị bệnh Alzheimer. Việc bổ sung bắp cải vào thực đơn hàng ngày là một cách hiệu quả để bổ sung phần khuyết thiếu đó.
Lượng vitamin C trong bắp cải chỉ thua cà chua, nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt và 3,6 lần so với khoai tây, hành tây và thậm chí còn nhiều hơn vitamin C trong cam. Đặc biệt, trong bắp cải, vitamin C kết hợp sẵn với vitamin P thành phức hợp PC. Nhờ được vitamin P bảo vệ khỏi ôxy hóa, vitamin C trong bắp cải còn có giá trị sinh học cao hơn thuốc vitamin C.
Tình trạng thiếu hụt chất xơ trong bữa ăn hàng ngày đang ở mức đáng báo động. Dường như chất xơ đã bị bỏ quên trong thời đại mà thức ăn nhanh được ưa chuộng hàng đầu. Rất may, bổ sung bắp cải thái sợi vào bánh mỳ kẹp thịt sẽ giúp bạn thêm ngon miệng mà vẫn giải quyết được những rắc rối do thiếu chất xơ gây ra (khó tiêu, táo bón, viêm loét dạ dày, ung thư ruột kết…). Trong 70gr bắp cải tươi có đến 1,6gr chất xơ.
Với hàm lượng lưu huỳnh rất lớn, cải bắp một lần nữa lại cứu bạn ra khỏi tình trạng viêm nhiễm do nhiễm trùng, nhiễm khuẩn và giúp làm lành vết thương một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, bắp cải còn là nguồn cung cấp dồi dào các loại vitamin và chất khoáng như: Iot (cần thiết cho hoạt động của não bộ và hệ thần kinh); vitamin E (tốt cho da và tóc), vitamin A (bảo vệ da, mắt), vitamin B (cần thiết cho hoạt động của dây thần kinh và tăng sự trao đổi chất), canxi, mangan, folate, kali…
Bắp cải giúp thanh lọc, giải độc từ tế bào
Cách đây 20 năm, phytonutrient (có trong bắp cải) đã được biết đến như một chất chống ôxy hóa “đánh gục” các gốc tự do (trước khi chúng gây hại đến DNA - cấu tử cơ bản của tế bào di truyền, màng tế bào) và các phân tử chứa chất béo như cholestrol.
Một nghiên cứu mới đây đã hé lộ, phytonutrient có trong cải bắp còn làm được nhiều hơn thế. Nó báo hiệu cho gene tăng cường sản xuất ra các enzyme tham gia vào quá trình thanh lọc, loại bỏ các hợp chất có hại ra khỏi tế bào. Chính điều này đã giúp tối ưu hóa khả năng loại bỏ các gốc tự do, độc tố trong đó bao gồm cả các chất gây ung thư tiềm năng.
Nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới cũng khẳng định, những người thường xuyên ăn các loại rau họ cải thường có nguy cơ mắc các bệnh ung thư thấp hơn so với người ít ăn, cụ thể: có ít hơn 10% nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt, 25% nguy cơ ung thư đại trực tràng, 29% nguy cơ mắc ung thư bàng quang và 30% nguy cơ ung thư phổi.
Một số tài liệu đã ghi nhận, khả năng phòng ngừa ung thư của cải bắp là do tác dụng của các chất sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và Indol-33 carbinol. Theo các nhà khoa học của Đại học Stanford (Mỹ), sulforaphane có nhiều trong bắp cải hơn bất cứ sản phẩm cây trồng nào.
Ngoài ra, với sự hiện diện của vitamin C và lưu huỳnh, cải bắp có khả năng giải độc, khử độc rất tốt, giúp thanh lọc máu và loại bỏ độc tố (chủ yếu là các gốc tự do, axit uric - nguyên nhân gây ra các căn bệnh như khớp, gút, sỏi thận, bệnh ngoài da, eczema…).
Bắp cải trị viêm nhiễm
Nước cải bắp tươi bao gồm lưu huỳnh và do đó, rất có hiệu quả trong điều trị nhiễm nấm. Nước ép cải bắp có thể chữa viêm họng, viêm phế quản, khản tiếng; phòng chống nhiễm khuẩn, nhiễm nấm ngoài da. Nếu dùng đắp ngoài có thể chữa mụn nhọt và vết sâu bọ đốt. Loại rau này đặc biệt giúp cho các vết loét nhanh lành, nhất là các vết loét trong đường tiêu hóa như dạ dày, ruột.
Bắp cải giúp giảm đau nhức
Ép cải bắp lấy nước uống, còn bã đắp vào chỗ đau nhức do thấp khớp, gout, đau dây thần kinh tọa. Để chữa đau nhức khớp, bạn lấy lá bắp cải cán dập gân lá, hơ nóng rồi áp lên chỗ đau. Mỗi chỗ đau đắp 3-4 miếng lá cải bắp, bên ngoài dùng vải dày áp lên rồi buộc lại.
Bắp cải chữa ho nhiều đờm
Dùng 80-100g cải bắp, nửa lít nước, sắc còn 1/3, cho thêm mật ong uống trong ngày, kết hợp ăn bắp cải sống.
Bắp cải làm giảm bệnh tiểu đường
Cải bắp có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa glucid và giảm đường huyết. Dùng 100gr hàng ngày giúp phòng và trị bệnh đái tháo đường type 2.
Bắp cải giúp giảm cân
Công thức giảm cân bằng bắp cải được phụ nữ Nhật rất ưa chuộng. Bắp cải là loại rau nhiều chất xơ giúp hạn chế cảm giác đói và thèm ăn; chưa kể nó rất nghèo năng lượng nên rất phù hợp với chế độ ăn kiêng. Ngoài ra, trong bắp cải một chất mới là acid tactronic có tác dụng ngăn chặn quá trình chuyển hoá glucid thành lipit, chống béo phì.
Bắp cải làm đẹp da, mượt tóc
Trong cải bắp chứa nhiều vitamin H, vốn được mệnh danh là “vitamin sắc đẹp”. Vì nó tạo điều kiện cho sự phát triển của móng tay, tóc và làm đẹp da. Những người uống nhiều rượu và sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài sẽ dẫn đến việc thiếu vitamin H, gây rụng tóc, da khô, cholesterol tăng cao, mệt mỏi, ăn không ngon, buồn nôn, suy nhược tinh thần… càng cần phải bổ sung thêm bắp cải vào thực đơn hàng ngày.
Hiếu Nhi
Theo tạp chí Sống Khỏe