Hiện nay, khi sự tiến bộ của Tây y chỉ có thể giúp người bệnh đái tháo đường ổn định và hạn chế các biến chứng chứ không thể chữa triệt tiêu, nhiều người đã đặt hy vọng vào sự huyền bí chưa được khai thác hết của Đông y.
Có một dạo, sau khi một số loại thảo dược như: khổ qua, câu kỷ tử, bạch truật, cam thảo đất, trà artiso… được y học hiện đại công nhận lành tính và có khả năng điều trị được bệnh đái tháo đường thì chúng nhanh chống trở thành đối tượng tìm kiếm của các bệnh nhân đái tháo đường như một cứu cánh.
Đó cũng là điểu dễ hiểu. Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, những người mắc phải bệnh đái tháo đường vẫn luôn kỳ vọng vào sự xuất hiện của một loại biệt dược hay thảo dược có thể giúp họ thoát khỏi sự đeo bám của căn bệnh này.
Vì vậy, danh sách những loại thảo dược có thể chữa bệnh đái tháo đường được truyền miệng trong dân gian cứ dài ra mãi. Chúng bao gồm cả những loại đã được khoa học hiện đại nghiên cứu và thừa nhận công dụng lẫn loại chưa được công nhận.
Điển hình nhất là sau đợt “dậy sóng” thông tin giảo cổ lam, hạt methi (chính là hạt cà ri)… có thể chữa được bệnh đái tháo đường, đến thời điểm hiện tại, trên các trang mạng xã hội lại đang rộ lên tin trái đậu bắp (một loại rau quả rất được người Việt, đặc biệt là người miền Nam ưa dùng trong các món lẩu, canh chua và nướng) cũng có khả năng kỳ diệu đó.
Đạu bắp - đâu là lời giải?
Đậu bắp có tên khoa học là Abelmoschus esculentus, thuộc họ Malvaceae còn gọi là mướp tây hay bắp chà. Đậu bắp là một loại rau quả phổ biến có nhiều chất bổ dưỡng như: hợp chất polyphenol, chất chống ôxy hoá, các sinh tố C, A, B1, B2, B6, khoáng chất kẽm, sắt, canxi và nhiều chất xơ, chất nhầy. Hạt đậu bắp cũng là nguồn cung cấp chất đạm và chất béo rất tốt.
Theo một số tài liệu ghi chép của Đông y, từ lâu, dân gian nhiều nơi đã biết sử dụng thân, lá và quả non đậu bắp để trị các chứng tiểu khó, bệnh lậu; rễ và lá non chữa ho khan, viêm họng... Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có tài liệu nào nói về bài thuốc đậu bắp ngâm nước sẽ chữa được bệnh đái tháo đường.
Ấy vậy, nhưng trên trang www.kitawebs.com, một bạn đọc có tên Phương Nguyễn chia sẻ rằng: “Qua thông tin tên một đài truyền hình, tôi biết được phương pháp trị liệu bệnh đái tháo đường bằng trái đậu bắp. Chính tôi cũng là người bị đái tháo đường nên đã dùng thử. Sau khi thử, tôi cảm thấy có hiệu quả thật. Hiện giờ chỉ số đường huyết trong máu của tôi đã được kiểm soát, tôi không cần phải uống nhiều thuốc nữa. Em gái tôi vốn phải tiêm insulin đã nhiều năm, nay sau khi dùng phương pháp này cũng thấy công hiệu rõ ràng. Sau khi dùng phương pháp uống đậu bắp, khoảng vài tháng sau thì em tôi đã không cần tiêm insulin nữa. Bạn cứ thử xem sao! nếu không có hiệu quả thì cũng chẳng có gì là hại cả. Vì có nhiều trường hợp hiệu quả đến hơi chậm, bạn cứ kiên trì uống thử vài tháng xem sao. Phương pháp rất đơn giản”.
Bạn cần biết Tất cả các loại thuốc dù là Đông hay Tây y đều chỉ có giá trị giúp ổn định đường huyết nhất thời. Chúng chỉ khác nhau ở chỗ có phản ứng phụ hay không hoặc cải thiện hoặc tăng cường thêm sức đề kháng của cơ thể hay không. Do đó, không nên có ảo tưởng về một loại thực phẩm chức năng, thảo dược hoặc một bài thuốc gia truyền nào có thể chữa dứt căn bệnh này trong điều kiện y học hiện nay. |
Theo đó, người bệnh lấy 2 quả đậu bắp, cắt bỏ một tí khúc đầu và một tí khúc đuôi. Xong mổ một đường thẳng theo chiều dài (không mổ đứt), sau đó cho 2 quả đậu bắp vào ngâm trong một cái ly đựng nước sôi rồi đậy lại ngâm qua đêm. Sáng hôm sau, trước khi ăn sáng, vớt bỏ 2 quả đậu bắp vứt đi, chỉ uống hết ly nước ngâm đậu bắp. Người bệnh cần kiên nhẫn uống mỗi ngày, hiệu quả sẽ thấy được sau 2 tuần lễ.
Trao đổi với chúng tôi về công dụng của trái đậu bắp, Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu Tp.HCM cho biết: “Ở một gốc độ nào đó thì đúng là nếu đậu bắp được nấu chín hoặc ngâm với nước sôi sẽ tạo thành hợp chất nước khá tốt cho người bị đái tháo đường. Nó giúp điều chỉnh một phần lượng đường trong máu của người bệnh. Tuy nhiên, vì hiện tại chưa có công trình nghiên cứu chính thức nào về đậu bắp đối với bệnh đái tháo đường. Nên nếu có dùng thì mọi người cũng cần lưu ý. Mỗi người đều có một thể trạng riêng, một cơ địa riêng và mức độ mắc bệnh cũng không ai giống ai. Nên nước đậu bắp có thể có tác dụng tốt và nhanh với người bị đáo thái đường này nhưng lại không tốt với người kia là bình thường. Vì vậy, trước khi dùng phương pháp này chữa đái tháo đường, mọi người nên tham khảo ý kiến bác sĩ đang điều trị trực tiếp cho mình để đảm bảo an toàn”.
Thảo dược trị đái tháo đường tuýp 2
1. Sinh địa: chứa các glycosid iridoid A, B, C và D. Đây là các hoạt chất giúp hạ đường huyết. Chúng cũng có tác dụng làm chậm sự phát triển biến chứng đục thể thủy tinh ở mắt và giảm các triệu chứng bệnh thần kinh ngoại biên ở người bệnh.
2. Bạch truật: các hoạt chất atractan A, B và C trong bạch truật có tác dụng hạ đường máu.
Bài thuốc: gồm bạch truật 12g, hoàng kỳ 65g, đảng sâm 25g, hoài sơn 15g, phục linh 12g. Sắc uống ngày 1 thang. Mỗi đợt điều trị 2 tháng.
3. Cam thảo đất: hoạt chất amellin trong cam thảo đất có thể làm giảm đường máu và các triệu chứng của bệnh đái tháo đường tuýp 2, khiến cho quá trình giảm nồng độ đường máu và nước tiểu diễn ra dần dần. Nó còn làm tăng mức dự trữ kiềm bị hạ thấp ở người bệnh nhân và giảm hàm lượng các chất tạo ceton trong máu.
4. Câu kỷ: có tác dụng hạ đường máu và ức chế men aldose reductose - men gây tích lũy sorbitol trong tế bào sinh ra biến chứng nghiêm trọng của bệnh đái tháo đường như bệnh về võng mạc, thần kinh và thận.
Bài thuốc: câu kỷ 12g, thục địa 20g, hoài sơn 20g, thạch hộc 12g, mẫu đơn bì 12g, sơn thù 8g, rễ qua lâu 8g, sa sâm 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
5. Mướp đắng: Khi còn xanh, mướp đắng chứa các hoạt chất charantin, glycosid steroid, có tác dụng hạ đường máu, làm chậm sự phát triển các bệnh về võng mạc và đục thủy tinh thể và làm tăng khả năng dung nạp glucose của người bệnh. Mướp đắng còn có tác dụng chống ôxy hóa, loại bỏ gốc tự do - một trong những nguyên nhân gây đái tháo đường.
Bài thuốc: dùng quả mướp đắng còn xanh, thái mỏng, phơi nắng cho khô, tán thành bột mịn. Mỗi ngày uống 12-20g, chia làm 2-3 lần, sau bữa ăn, chiêu với nước. Sau khoảng 2 tháng, khi đường máu hạ xuống gần mức bình thường, giảm liều thuốc xuống một nửa và duy trì.
Thanh Thùy
Theo tạp chí Sống Khỏe