Hợp tác quảng cáo

Công dụng chữa bệnh bất ngờ của cây Cơm cháy

Trong các bài thuốc dân gian, cây cơm cháy với vị chua, tính ấm, được sử dụng trừ phong thấp, đau nhức, bong gân, gãy xương, hoạt huyết tán ứ, kiết lỵ, hoàng đản, viêm khí quản mạn, phong chẩn, mụn nhọt lở loét, ngã chấn thương... Để hiểu hơn về công dụng chữa bệnh bất ngờ của loại cây này, hãy cùng SKGĐ tìm hiểu qua những thông tin dưới đây.

Cong dung chua benh bat ngo cua cay Com chay

1. Cây cơm cháy là gì?

Cây cơm cháy hay còn biết đến với tên gọi khác là sóc dịch, cây thuốc mọi, cây cơm cháy sambucus Canadensis tên khoa học của loại cây này. Cây cơm cháy nhóm gỗ thuộc họ ngũ phúc hoa, có thể cao từ 1 mét đến 8 mét, lá nhọn mọc đối và mép lá có răng cưa, hoa thành từng chùm màu trắng. Cơm cháy mọc hoang ở hầu hết các cánh rừng già nước ta, nhưng nhiều nhất ở vùng Tây Bắc, ven suối, bờ khe từ Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái tới Lâm Đồng.

Hippocrates - ông Tổ của ngành Y đã từng mô tả cây thuốc mọi là "tủ thuốc" của mình với rất nhiều lợi ích sức khỏe. Loại cây này cũng đã được người châu  u, người Ai Cập cổ đại sử dụng từ hàng ngàn năm nay.

Theo nghiên cứu của y học hiện đại, thành phần hóa học của cây gồm có: A-amyrin galmitate, acid ursol, stigmasterol, camposterol, tanin… Ngoài ra, cây cũng chứa flavonoid có đặc tính chống oxy hóa và anthocyanins - hợp chất hóa học có tác dụng immunostimulant (chất kích thích miễn dịch). Ngoài ra, cây có hàm lượng cao các vitamin A, C, B6, sắt, kali và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác.

Hoa cơm cháy có chứa khoảng 0,3% một loại dầu thiết yếu bao gồm các acid béo tự do và ankan. Ngoài ra, hoa cơm cháy còn chứa các triterpenes alpha, beta-amyrin, acid ursolic, acid oleanolic, betulin, acid betulinic...

Trong quả cơm cháy chứa quercetin, kaempferol, rutin, acid phenolic và anthocyanins. Nếu quả còn tươi thì có đến 80% là nước, 18% là carbohydrate, ít hơn 1% là chất đạm và chất béo.

Cong dung chua benh bat ngo cua cay Com chay
Quả cơm cháy chứa quercetin, kaempferol, rutin, acid phenolic và anthocyanins

2. Tác dụng của cây cơm cháy

Cơm cháy được các bác sĩ dùng để làm thuốc chữa nhuận tiểu lợi tràng, ra mồ hôi, thấp khớp, ngứa, eczema, hen suyễn, viêm khí quản, cảm, ho, viêm họng, đau đầu, đau thần kinh, đau khớp, đau răng, ung thư, khí đường ruột, động kinh, sốt, bệnh gút, bệnh vẩy nến, bệnh giang mai, phù do chức năng tim yếu (suy tim), sưng viêm và điều trị các vết bầm tím.

Vị thuốc này còn rất tốt cho phụ nữ sau sinh bởi có thể giúp thải chất lỏng trong cơ thể ra ngoài bằng cách kích thích sản xuất nước tiểu (như thuốc lợi tiểu), giúp làm lành vết thương và gây nôn.

Các nghiên cứu cho thấy, một số hóa chất trong lá già của cây có thể hoạt động như thuốc nhuận trường, thuốc lợi tiểu và thuốc diệt vi trùng. Nó cũng được dùng để rửa mắt, súc miệng và làm thuốc đắp lên chỗ sưng.

Trong thực phẩm, cơm cháy được nấu chín để ăn và dùng làm rượu vang. Thảo dược này cũng được dùng làm gia vị thức ăn và đồ uống. Trong sản xuất, chiết xuất của cơm cháy được sử dụng như một thành phần để sản xuất nước hoa, quả cơm cháy ép lấy nước để làm đồ nhuộm tóc màu khá đẹp mà an toàn

Cong dung chua benh bat ngo cua cay Com chay
Cây cơm cháy - loại cây có nhiều công dụng (ảnh minh hoạ)

Theo Đông y, cơm cháy có vị chua, tính ấm; có tác dụng khử phong trừ thấp, hoạt huyết tán ứ. Các thầy thuốc thường dùng cây này chữa phong thấp đau nhức, cước khí phù thũng, kiết lỵ, hoàng đản, viêm khí quản mạn, phong chẩn, mụn nhọt lở loét sưng đau, đòn ngã chấn thương… Lá cây còn được dùng để nấu nước tắm cho bà đẻ hoặc giã chung với giấm, xào nóng đắp sưng vú. Ngày dùng với liều 10-12g dưới dạng thuốc sắc. Nếu dùng với liều 3g/1kg thể trọng có thể đái nhiều, ỉa lỏng và nôn mửa.

3. Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian từ cây cơm cháy

- Để chữa ghẻ lở, vết thương: Dùng lá cơm cháy 20g, sắc lấy nước đặc, rửa vào vết thương. Dùng liền 5 ngày.
- Để chữa bong gân sưng đau: Dùng lá cây cắt nhỏ, giã nát cùng với mấy củ hành để liền cả rễ và bã rượu, đắp vào chỗ đau rồi băng lại, mỗi ngày thay thuốc một lần.
- Để chữa chấn thương thổ ra huyết: Dùng rễ cây, trắc bách diệp, mỗi thứ 9g, địa du 12g, sắc nước uống.
- Để chữa tiểu tiện nhỏ giọt: Dùng rễ cơm cháy 90 - 120g hầm với 200g thịt lợn, ăn nhiều lần trong ngày và nên dùng liên tục trong 10 ngày.
- Để chữa gãy xương: Dùng vỏ rễ và lá cây giã nát đắp vào chỗ xương gãy rồi băng lại cho cố định.

Cong dung chua benh bat ngo cua cay Com chay
Cây cơm cháy - loại cây được ứng dụng vào nhiều bài thuốc dân gian

- Để chữa phong thấp khớp xương sưng đau: Dùng rễ cơm cháy 20 - 30 g sắc nước uống trong ngày; đồng thời nấu lấy nước đặc rửa chỗ đau.

- Để chữa đau nhức: Mùa lạnh dùng rễ (giã nát), còn mùa nóng thì dùng cành lá sao lên cho nóng, xoa và đắp lên rốn bệnh nhân; đồng thời dùng lá cây hơ nóng, rải lên chiếu cho bệnh nhân nằm sẽ đở đau nhức tứ chi...

- Để chữa chấn thương bầm tím, đau nhức người do ngã: Dùng rễ cây 20g, sắc 500ml nước và 200ml rượu, đun nhỏ lửa còn 200ml, lọc bỏ bã, thêm 30g đường trắng trộn đều uống và liên tục trong 5 ngày. Ngoài ra, dùng rễ cơm cháy 20g phần, giã nát, cho thêm ít rượu, trộn đều, sao nóng, đắp lên những chỗ sưng rồi dùng băng cố định lại, sau 3 giờ  thay thuốc, ngày đắp 2 lần.

- Để chữa mẩn ngứa do thời tiết: Dùng cành lá cây cơm cháy 30g, đổ 800ml nước, đun nhỏ lửa,  sắc lấy nước đặc rửa chỗ da tổn thương hoặc tắm..

Cong dung chua benh bat ngo cua cay Com chay
Cây cơm cháy - nguyên liệu cho nhiều bài thuốc dân gian

4. Một vài chú ý khi sử dụng cơm cháy

- Không nên ăn quả tươi khi chưa chế biến hoặc sấy khô. Bởi trong quả tươi có chứa Xyanua tạo cảm giác buồn nôn.
- Hoa của cơm cháy có thể gây dị ứng như: ngứa họng, phát ban hoặc khó chịu cho một số người. Nếu có các triệu chứng trên thì ngưng ngay không nên tiếp tục sử dụng.

Hy vọng với những thông tin hữu ích về cây cơm cháy đã giúp bạn hiểu hơn về loại cây quý này và cách ứng dụng trong chữa bệnh giúp duy trì có thể khỏe mạnh cho bản thân và người thân trong gia đình.

Quỳnh Hoa

Theo Tạp chí Sống khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Dinh dưỡng

Làm đẹp

Gia đình khỏe