Hợp tác quảng cáo

Cười và mếu cùng thuốc cai nghiện rượu

Từ giã “ma men” hay hủy hoại sức khỏe là phụ thuộc vào việc bạn dùng thuốc để cai rượu như thế nào.

Thuốc cai nghiện rượu - Ánh sáng cho các "ma men"

Bỏ qua những hệ lụy tới nhân cách, những tín đồ của rượu phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ bệnh tật như: xơ gan, viêm gan mạn, viêm loét dạ dày - tá tràng, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, bệnh lý teo não và nhiều rối loạn chuyển hóa khác.

Chính vì vậy, sự ra đời của các loại thuốc cai rượu như mở ra một “chân trời mới” cho nhiều người. Những tháng ngày bị lệ thuộc vào “con ma men” nhiều hy vọng sẽ lùi xa vào dĩ vãng.

Cuoi va meu cung thuoc cai nghien ruou

Ảnh minh họa

Thuốc cai rượu thường dùng hiện nay là Disulfiram (biệt dược là Antabuse, Esperal...). Disulfiram có tác dụng ngăn chặn sự chuyển hóa rượu ở gan.

Ngoài ra, một số thuốc khác đã được dùng điều trị hoặc hỗ trợ cai rượu như: Diazepam (thuốc an thần gây ngủ), Naloxon, Naltrexon (thuốc dùng chữa ngộ độc ma túy), Tiaprid (thuốc an thần kinh dùng trong chuyên khoa tâm thần)... Các thuốc này có tác dụng sửa chữa rối loạn hệ thần kinh như làm tăng hoạt động của chất sinh học dẫn truyền thần kinh là GABA, làm giảm sự thèm rượu của người nghiện.

…Hay là bóng đêm?

Không ít bà vợ chẳng may có chồng bị nghiện rượu nghe nói có thuốc cai rượu thì lập tức tìm mua ngay về cho chồng uống. Kết quả, cai được hay không thì chưa biết nhưng khiến các ông chồng mặt xanh nanh vàng, nôn ói, chóng mặt dữ dội phải vào bệnh viện cấp cứu. Vì sao lại như vậy?

Theo BS. Lê Quốc Nam, Bệnh viện Tâm thần Tp.HCM thì hầu hết các loại thuốc cai rượu này đều là con dao hai lưỡi khi sử dụng không đúng chỉ định. Phổ biến nhất hiện nay là thuốc Esperal (Disulfiram), một loại thuốc kê toa nhưng bán thoải mái ở các tiệm thuốc Tây hoặc chợ tân dược. Khi uống thuốc này, rượu chuyển qua nhiều giai đoạn, trong đó có chuyển thành chất acetaldehyd rồi sau đó chuyển thành carbonic (CO2) và nước (H2O) để được loại ra khỏi cơ thể.

Vì Acetaldehyd rất độc sẽ làm cho người đã uống Disulfiram mà lại uống rượu sẽ bị ngộ độc như: tim đập nhanh, buồn nôn, nôn mửa, mặt đỏ bừng, vã mồ hôi, nhức đầu, chóng mặt, hạ huyết áp… Chính những tác động rất khó chịu này khiến cho người nghiện rượu thấy ghê sợ rượu mà không muốn uống nữa.

Nếu dùng Disulfiram đúng liều, đúng cách, có sự chỉ dẫn và theo dõi của bác sĩ điều trị thì thuốc chỉ gây độc ở mức khó chịu có giới hạn làm cho người nghiện chán rượu. Nhưng nếu tự ý dùng không đúng thì nó có thể gây ra tai biến trầm trọng, nguy hiểm tới tính mạng.

Bởi vậy muốn cai rượu, người nghiện cần phải khám sức khỏe, nếu có một số bệnh tim mạch, xơ gan, suy thận, suy tuyến giáp, động kinh, đái tháo đường, phụ nữ có thai… thì không dùng được Disulfiram.

Hiện nay, có thêm loại thuốc mới dùng để cai rượu là Acamprosal. Thuốc được thừa nhận làm giảm sự thèm muốn uống rượu, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của bác sĩ. Khác với Disulfiram, Acamprosal không gây độc khi đang uống thuốc mà vẫn uống rượu. Thuốc không bị chuyển hóa ở gan vì vậy không cần giảm liều đối với người bệnh suy gan. Tuy vậy, thuốc cũng có một số tác dụng phụ như: nhức đầu, buồn nôn, chán ăn, tiêu chảy, mất ngủ, mẩn ngứa…

Lưu ý: Để cai nghiện rượu thành công, yếu tố quan trọng nhất chính là ý chí, quyết tâm của bệnh nhân. Việc dùng thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ; phương pháp này cũng chỉ an toàn, hiệu quả khi được bác sĩ chỉ định, hướng dẫn và theo dõi.

Hoàng Anh

 Theo tạp chí Sống Khỏe

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Dinh dưỡng

Làm đẹp

Gia đình khỏe