Aminoglycoside thường có trong các loại thuốc kháng sinh được xem là thủ phạm làm giảm thính lực. Nếu dùng kéo dài ở liều cao có thể dẫn tới điếc vĩnh viễn.
Chị Nguyễn Thu Hà ở Ngô Văn Năm, Bến Nghé, Tp.HCM mới đây bị tai nạn phải điều trị bằng kháng sinh trong thời gian dài. Sau khi bệnh tình thuyên giảm chị Hà được các bác sỹ cho xuất viện tự điều trị tại nhà. Thời gian đầu, sức khỏe của chị Hà không có biểu hiện gì khác lạ, nhưng sau khi dừng điều trị bằng thuốc khoảng 3 tuần, chị Hà thấy tai mình xuất hiện dấu hiệu ù, nghe như có tiếng gió thổi qua vi vu, kèm theo cảm giác chóng mặt, khả năng nghe giảm hẳn. Cảm giác chóng mặt đôi khi chỉ chếnh choáng nhẹ, nhưng cũng có lúc dữ dội. Tai càng ngày càng nghe kém. Có những lúc con gái chị đứng cách khoảng 3m nói gì mà chị không nghe rõ chỉ thấy miệng con mấp máy.
Lo lắng cho tình trạng sức khỏe của mình, chị Hà vội vàng đến khám chuyên khoa tai mũi họng. Các bác sĩ chẩn đoán chị Hà đang có dấu hiệu bị giảm thính lực do tự ý dùng một số loại thuốc kháng sinh liều cao không theo đơn của bác sỹ. Trong các loại thuốc kháng sinh liều cao (thường dùng để kháng khuẩn, chống nhiễm trùng) có chứa thành phần aminoglycoside, chất này gây áp lực lên một số dây thần kinh và đường tĩnh mạch dẫn tới tăng áp lực lên tai; làm suy giảm khả năng nghe của người bệnh. Sự suy giảm thính lực này có thể giảm đi sau một thời gian không dùng thuốc, nhưng cũng có nhiều trường hợp bị điếc vĩnh viễn.
Những biểu hiện thường thấy ở người bệnh như ù tai ở một bên tai hoặc cả 2 tai có thể kèm theo chóng mặt, buồn nôn, mất thăng bằng khi đi đứng... Nếu cứ âm thầm chịu đựng thì sự mất thính lực càng trở nên nghiêm trọng hơn và có nguy cơ mất khả năng nghe vĩnh viễn.
Phòng ngừa hữu hiệu
Hàng năm, Bệnh viện Tai-Mũi-Họng Trung ương tiếp nhận không ít những trường hợp điếc tai trong do dùng thuốc kháng sinh không đúng chỉ định, trong đó có các loại thuốc thuộc dòng Aminoside tương tự như trường hợp của chị Hà. Khi người bệnh có dấu hiệu nghe kém, tai ù thì nên đi kiểm tra để điều trị kịp thời. Nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, hạn chế các kháng sinh nhằm mục đích phòng bệnh mà không có mục đích rõ ràng.
Với những người có tiền sử dị ứng thuốc, sức đề kháng kém, người già và trẻ nhỏ nên sử dụng các loại thuốc kháng sinh dạng uống để giảm bớt tác dụng phụ. Với các kháng sinh họ Aminoglycoside, để hạn chế độc tính của thuốc lên thận, ốc tai, tiền đình, chỉ nên dùng một lần trong ngày.
Những người bệnh có suy giảm chức năng gan thận và ốc tai tiền đình tốt nhất không nên dùng kháng sinh. Nếu bắt buộc phải dùng nên định lượng nồng độ thuốc trong máu người bệnh trong quá trình dùng thuốc. Đối với đa phần các trường hợp, bác sỹ thường khuyến cáo không nên sử dụng các loại thuốc kháng sinh liều cao trong một thời gian quá dài (từ 3 tuần trở lên), ngoại trừ trường hợp quá đặc biệt có chỉ định cụ thể. Để giảm áp lực cho tai, dạ dày tá tràng, nên uống thuốc với một cốc nước lớn, tránh uống vào trước khi đi ngủ.
T3H
Theo tạp chí Sống Khỏe