Hợp tác quảng cáo

Dùng hà thủ ô: Cẩn thận biến chứng

(SKGĐ) Là một loại thuốc bổ có tiếng trong Đông y, mang lại hiệu quả điều trị cao, nhưng nếu dùng không đúng người đúng bệnh thì hà thủ ô cũng có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường.

Hà thủ ô dễ gây tiêu chảy

BS. Cao Hồng Phúc, Bệnh viện Quân y cho hay, hà thủ ô có tác dụng nhuận tràng rất mạnh nhờ thành phần anthraglucosid. Chất này có khả năng kích thích co bóp đường ruột, tăng tiết chất nhầy tiêu hoá và làm lỏng phân. Do đó mà phân bị tống ra nhanh hơn. Nếu dùng hà thủ ô dạng nguyên liệu, chưa qua bào chế, nó có thể gây ra tiêu chảy mạnh.

Bởi thế, những người thường bị rối loạn tiêu hoá, đang bị viêm đường tiêu hoá như viêm dạ dày thì không nên dùng, nhất là hà thủ ô chưa qua chế biến. Người không gặp vấn đề về đường tiêu hóa, khi dùng hà thủ ô thì cũng nên tránh thực phẩm sống, thực phẩm tanh, để giảm nguy cơ gây tiêu chảy. Không nên uống hà thù ô trước 7h sáng vì lúc này đường ruột dễ bị kích thích nhất.

Nếu bị tiêu chảy, hãy ngừng uống hà thủ ô, rồi uống một viên thuốc chống tiêu chảy loại loperamid để ức chế tác dụng có hại của hà thủ ô.

Hà thủ ô có thể gây rối loạn điện giải, tê bì chân tay

Tác dụng nhuận tràng quá mức của hà thủ ô không chỉ gây ra tiêu chảy mà còn làm giảm hấp thu kali, gây rối loạn điện giải. Chính sự thay đổi điện giải sẽ làm cho cơ bị yếu, thần kinh cảm giác bị rối loạn, người bệnh có cảm giác bị tê bì hay như kiến bò, chân tay không thật.

Hiện tượng này tuy không phổ biến nhưng nguy cơ sẽ cao hơn với những người bệnh viêm đa dây thần kinh. Bệnh nhân bị viêm cơ, teo cơ vì rối loạn điện giải nếu dùng hà thủ ô, sẽ khiến cho hoạt động cơ bị rối loạn nghiêm trọng hơn.

Khi có hiện tượng dị cảm như trên, tốt nhất nên tham vấn ý kiến bác sỹ Đông y. Bạn cũng có thể dùng vitamin B liều cao, dạng tiêm; kết hợp massage, xoa bóp để thần kinh cảm giác sớm được phục hồi.

hà thủ ô có khả năng gây nhiễm độc gan

Cho đến nay, y khoa vẫn chưa tìm được chính xác thành phần nào và cơ chế nào đã khiến hà thủ ô gây ra tình trạng viêm gan ở người. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp viêm gan do hà thủ ô ở nhiều cấp độ (vàng da, men gan tăng…) đã được ghi nhận và báo cáo.

Khi đang dùng hà thủ ô, nếu có dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi, vàng da, nhiều khả năng bạn đã bị nhiễm độc gan. Lúc này bạn cần ngừng dùng hà thủ ô. Nếu sau 3-5 ngày các triệu chứng không thuyên giảm, bạn cần đến bệnh viện điều trị. Trong thời gian này, bạn không được dùng thêm bất cứ loại cây thuốc nào cho dù đó là loại cây bổ gan vì tình trạng tổn thương gan vẫn chữa được xác định.

Tai biến ở người sắp phẫu thuật

Một trong những tác động khi sử dụng hà thủ ô là gây ra hạ đường huyết. Điều này có thể có lợi với người tiểu đường nhưng lại cực kỳ có hại cho bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật. Nó gây ra tai biến tụt đường huyết trong phẫu thuật, dẫn đến tử vong.

Do đó, vì lý do an toàn, mọi bệnh nhân chuẩn bị phẫu thuật cần dừng sử dụng hà thủ ô tối thiểu 2 tuần trước và sau thời điểm phẫu thuật.

Ung thư vú thì không nên dùng

Hà thủ ô có hoạt tính estrogen thực vật khá cao, dễ gây kích thích khối u phát triển và khối ung thư tái phát. Vì thế, những người có tiền sử bị ung thư hay đang điều trị ung thư vú hoặc tử cung không nên dùng vị thuốc này.

Nếu bạn đã trót dùng, bạn cần ngưng sử dụng, uống nhiều nước và hoạt động thể dục để tăng cường thải hà thủ ô ra khỏi cơ thể. Hoạt chất trong hà thủ ô sẽ bị thải ra khỏi cơ thể bạn trong 2-3 ngày.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Dinh dưỡng

Làm đẹp

Gia đình khỏe