Hợp tác quảng cáo

Hạ canxi máu - Căn bệnh nguy hiểm chớ có coi thường

Hạ canxi máu là tình trạng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở giai đoạn đầu, bệnh có thẻ không xuất hiện triệu chứng rõ ràng, tuy nhiên nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, gây tử vong.

Vậy đâu là nguyên nhân chính gây nên tình trạng hạ canxi máu? Làm sao để phát hiện, sơ cứu và điều trị kịp thời tình trạng này để tránh những biến chứng nguy hiểm cho cơ thể? Bài viết sau sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và chính xác hơn về hạ canxi máu, hãy cùng tham khảo nhé!

1. Hạ canxi máu là gì?

Hạ canxi máu (hypocalcemia) là nồng độ canxi huyết tương toàn phần thấp hơn 215 mmol/l. Nói chính xác hơn là khi nồng độ canxi ion hóa trong huyết tương thấp hơn 0,9 mmol/l bởi chính canxi ion hóa này mới là phần canxi lưu hành có tác dụng sinh học và được điều hòa bởi các hormon của cơ thể.

2. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạ canxi máu?

Bạn biết không, canxi có vai trò quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Dưỡng chất này không chỉ cần thiết cho quá trình phát triển của xương, mà còn có vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền tín hiệu thần kinh lên não, chức năng tế bào, sự co cơ và liên quan đến quá trình điều hòa hoạt động của nhiều enzyme khác nhau. Trẻ em thiếu canxi thường sẽ dễ bị còi xương, chậm phát triển chiều cao, khóc đêm, hay giật mình về đêm và đổ mồ hôi trộm... Người lớn thiếu hụt canxi sẽ tăng nguy cơ bị loãng xương, còng lưng, gai cột sống, và dễ mắc phải nhiều chứng bệnh nguy hiểm khác.

Theo khuyến cáo của Viện Y khoa Mỹ, nhu cầu canxi của từng độ tuổi trong một ngày là: 1 - 3 tuổi (500 mg), 4 - 8 tuổi (800 mg), 9 - 18 tuổi (1.300 mg), 19 – 50 tuổi (1.000 mg), trên 51 tuổi (1.200 mg, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú có nhu cầu cao hơn vào khoảng 1.200 – 1.500 mg. Và việc duy trì lượng canxi dự trữ của cơ thể, cũng như trong huyết tương phụ thuộc vào 3 yếu tố chính, đó là: Thông qua thức ăn, nước uống đưa vào, hấp thu canxi từ ruột và đào thải qua thận.

Ha canxi mau - Can benh nguy hiem cho co coi thuong

Hạ canxi máu thường gặp ở những người có chế độ ăn thiếu canxi, cơ thể giảm khả năng hấp thu canxi do thiếu vitamin D - (Ảnh: healthcentral)

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng hạ canxi máu bao gồm:

- Suy tuyến cận giáp: Tình trạng này xảy ra khi cơ thể tiết lượng hormone tuyến cận giáp ít hơn so với thông thường. Khi mức hormone tuyến cận giáp thấp sẽ làm tăng nguy cơ giảm lượng canxi trong cơ thể.

- Hàm lượng canxi hàng ngày cung cấp không đủ, nhất là ở những đối tượng có nhu cầu canxi cao như trẻ em trong độ tuổi phát triển, phụ nữ đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ.

- Thiếu hụt magie

- Suy thận

- Viêm tụy

- Do nồng độ vitamin D trong máu thấp.

- Căng thẳng, lo lắng

- Tập thể dục với cường độ quá mạnh, không vừa sức.

- Tiêu chảy, táo bón hoặc các rối loạn đường ruột khác ngăn cơ thể hấp thụ canxi thích hợp.

- Ngoài ra, còn một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng hạ canxi máu như: nghiện rượu, chế độ ăn uống thiếu canxi, suy dinh dưỡng.

3. Đối tượng dễ có nguy cơ bị hạ canxi máu

Những người có chế độ ăn hàng ngày thiếu canxi hoặc bị rối loạn trong việc hấp thu, chuyển hóa và bài tiết canxi là một trong những đối tượng dễ có nguy cơ của hạ canxi máu.

Ngoài ra, một số đối tượng có các yếu tố nguy cơ sau đây cũng dễ co nguy cơ bị hạ canxi máu
- Rối loạn tiêu hóa.
- Viêm tụy.
- Suy thận.
- Suy gan.
- Rối loạn lo âu.
- Thiếu Vitamin D, thiếu Magie.
- Các rối loạn nội tiết: suy tuyến cận giáp, tăng tiết calcitonin,...

4. Những triệu chứng phổ biến khi bị hạ canxi trong máu

Ở giai đoạn đầu, người bị hạ canxi máu có thể không biểu hiện triệu chứng, nhưng nếu không cải thiện và chữa trị, lâu dần các triệu chứng có thể xuất hiện ngày một nhiều và diễn biến nặng hơn. Một số triệu chứng phổ biến khi bị hạ canxi trong máu có thể kể đến như:

Với trẻ em
- Tăng phản xạ gân xương
- Co rút cơ
- Co giật
- Run rẩy
- Cơ thể chậm chạp
- Bỏ bú, chán ăn.

Những gia đình có trẻ nhỏ cần lưu ý rằng, khi thấy trẻ có bất kỳ dấu hiệu hạ canxi máu thì cần đưa trẻ đi thăm khám, chẩn đoán ngay lập tức để có thể được điều trị sớm. Nếu không, bệnh có thể ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và trưởng thành của trẻ.

Với người lớn
- Co giật, chuột rút.
- Rối loạn cảm giác trong bàn tay, bàn chân.
- Nhịp tim đập loạn, đau thắt bụng
- Trầm cảm.
- Khó khăn khi nói hoặc nuốt
- Mệt mỏi

Ngoài ra, một số biểu hiện của tình trạng hạ canxi cấp có thể kể đến như:
- Dị cảm ở đầu lưỡi, môi, đầu chi.
- Cơ toàn thân đau nhức, các cơ mặt bị co giật.
- Nồng độ canxi trong máu lúc này rất thấp, chỉ dưới 7 mg/dL.

Ha canxi mau - Can benh nguy hiem cho co coi thuong

Bàn tay của người bị hạ canxi máu - (Ảnh: Internet)

Tất cả các trường hợp hạ canxi máu cấp cần được đưa đi cấp cứu và chữa trị ngay lập tức. Nếu không sẽ dễ gây nên biến chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển và sức khỏe của bệnh nhân. Với người lớn, biến chứng cũng có thể nghiêm trọng hơn so với trẻ nhỏ. Và một số biến chứng của hạ canxi máu nếu không được chữa trị kịp thời có thể kể đến như: Chậm lớn, chức năng vận động và bộ não bị tổn thương, suy dinh dưỡng, nhuyễn xương, loãng xương….

5. Mách bạn cách sơ cứu người bị hạ canxi máu trong khi đợi đưa đi cấp cứu

Nếu người thân, người xung quanh bị hạ canxi máu, bạn cần phải giữ bình tĩnh, đỡ nhẹ nhàng bệnh nhân và đưa vào chỗ thoáng mát để nghỉ ngơi.

- Tiếp đến, bạn cần dùng tay vỗ nhẹ 2 bên má bệnh nhân để giữ cho bệnh nhân tỉnh táo. Trong trường hợp, bệnh nhân ngất lâu hãy thử ấn huyệt nhân trung ở giữa mũi và miệng

- Có thể bổ sung ngay cho bệnh nhân canxi viên dạng sủi bằng cách pha 1 viên vào 1 cốc nước, đợi thuốc tan hết thì đưa cho bệnh nhân uống. Nếu hàm của bệnh nhân cứng đơ, thì bạn nên dùng thìa bón vào miệng bệnh nhân, hoặc vỗ mạnh 2 bên má cho bệnh nhân tỉnh lại uống thuốc.

- Cuối cùng nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

6. Cách phương pháp chẩn đoán hạ canxi máu

Bạn biết không, thông thường để chẩn đoán chính xác bệnh hạ canxi máu các bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm máu để xác định nồng độ canxi. Các bác sĩ cũng có thể sử dụng các bài kiểm tra tinh thần (chứng mất trí, ảo giác, sự nhầm lẫn) và thể chất (Tóc, da, cơ bắp) để kiểm tra các dấu hiệu hạ canxi máu.

Ha canxi mau - Can benh nguy hiem cho co coi thuong

Xét nghiệm máu là một trong những cách giúp xác định nồng độ canxi trong máu, chẩn đoán tình trạng hạ canxi máu - (Ảnh: Pinterest)

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kiểm tra các dấu Chvostek và Trousseau, vì cả hai đều liên quan đến tình trạng hạ canxi máu. Trong đó:

- Dấu Chvostek: Được hiểu là một phản ứng co giật khi kích thích một tập hợp các dây thần kinh mặt, bằng cách vỗ nhẹ vào vị trí nằm trước tai khoảng 2cm và ngay dưới xương gò má..

- Dấu Trousseau: Là phản ứng co thắt ở bàn tay hoặc bàn chân. Dấu Trousseau được thực hiện bằng cách bơm máy đo huyết áp khoảng trên 20mmHg so với mức huyết áp tâm thu và giữ khoảng 3 phút, phản ứng dương tính khi bàn tay gập lại. Dấu Trousseau có độ đặc hiệu cao hơn dấu Chvostek..

7. Cách điều trị hạ canxi máu

Mục đích chính và quan trọng nhất của việc điều trị hạ canxi máu là giúp đưa nồng độ canxi trong máu nhanh chóng trở lại như mức bình thường. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ hạ canxi của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng cách nào. Nhưng nhìn chung, có những cách điều trị hạ canxi máu cơ bản như:

- Trong trường hợp hạ canxi máu do cơ thể thiếu hụt canxi: Bổ sung canxi qua đường uống hay qua đường tiêm tĩnh mạch

- Trong trường hợp hạ canxi máu do cơ thể thiếu hụt vitamin D hay do suy tuyến cận giáp: Bổ sung vitamin D qua đường uống hay đường tiêm tĩnh mạch

- Trong trường hợp hạ canxi máu do cơ thể thiếu hụt magie: Bổ sung magie qua đường uống hay đường tiêm tĩnh mạch

- Trong trường hợp hạ canxi máu do thiếu hụt hormone tuyến cận giáp: Bổ sung các chế phẩm tương tự hormon tuyến cận giáp

8. Một số biện pháp đơn giản để phòng ngừa hạ canxi hiệu quả

Về chế độ dinh dưỡng:

- Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý đáp ứng đủ lượng canxi nạp vào cơ thể. Đặc biệt, cần chú ý ăn đầy đủ các loại thức ăn chứa nhiều canxi như các sản phẩm sữa (sữa, sữa chua hay và phô mai), xương động vật, cá nhỏ ăn luôn xương, tôm cua, thủy hải sản, rau dền, rau cải, bông cải xanh, cam…

- Bổ sung quả sung khô, đậu trắng, đậu phộng, đậu đỏ và đậu xanh vào thực đơn hàng tuần của bạn. Uống sữa đậu nành và các loại sữa bò nguyên kem.

- Không tự ý dùng hay bổ sung canxi bằng thuốc hay sản phẩm bổ sung, khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Việc bổ sung Vitamin D rất cần thiết để hấp thu canxi ở dạ dày và cho các hoạt động chức năng của canxi trong cơ thể. Một phần nhỏ Vitamin D thường có trong các thực phẩm như Sữa chua, trứng, sữa đậu nành, nước cam ép, yến mạch, cá, ngũ cốc, còn phần lớn thì phải do da tổng hợp khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời.

- Hạn chế những đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, đồ uống có cồn như bia, rượu vì chúng làm giảm khả năng hấp thu canxi trong cơ thể. Không hút thuốc lá vì thuốc lá có thể làm gia tăng đào thải canxi ra khỏi cơ thể.

Ha canxi mau - Can benh nguy hiem cho co coi thuong

Chế độ dinh dưỡng với lượng canxi thích hợp sẽ giúp hạn chế tình trạng thiếu hụt canxi, giảm nguy cơ hạn canxi máu- (Ảnh: Internet)


Về chế độ sinh hoạt:

- Thường xuyên tắm nắng vào buổi sáng cũng giúp cơ thể bổ sung vitamin D làm hạn chế tình trạng thiếu hụt canxi trong máu.

- Bên cạnh chế độ ăn cần tăng cường vận động để tăng cường sức khỏe xương. Hàng ngày nên dành thời gian đê luyện tập các bài tập chịu sức nặng như đi bộ, chạy bộ hoặc di chuyển nhiều hơn trong ngày cũng sẽ hỗ trợ sức khỏe của xương.

- Ngoài ra, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và điều trị tích cực các bệnh lý nền gây hạ canxi máu.

Nhìn chung, hạ canxi máu nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, người bệnh không được chủ quan, lơ là. Nhất là khi bị hạ canxi huyết kèm theo nôn, tiêu chảy mệt mỏi thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ chẩn đoán và thăm khám đúng cách nhé!

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Dinh dưỡng

Làm đẹp

Gia đình khỏe