Không chỉ góp thêm hương sắc cho cuộc sống, nhiều loài hoa còn được minh chứng là có khả năng bảo vệ sức khỏe con người.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, hương thơm của một số loài hoa có tác dụng đặc biệt đến hệ thần kinh, khứu giác của con người, từ đó kích thích não bộ tiết ra một chất có tác dụng làm cho cơ thể thoải mái, hưng phấn, có tác dụng chữa một số bệnh. Không chỉ hương thơm, mà một số hợp chất được tìm thấy trong nhiều loại hoa như ternoid, santenol, resin, rutin cũng có tác dụng chữa bệnh hữu hiệu.
Cúc vạn thọ - “dũng sỹ” dẫn đầu
Người phương Đông coi hoa cúc vạn thọ là hình ảnh trường sinh và cuộc sống vĩnh hằng. Nhiều nghiên cứu dược lý còn cho thấy, nước chiết từ loại hoa này có hoạt tính kháng khuẩn.
Theo kinh nghiệm dân gian, dùng hoa cúc vạn thọ, giã nát, trộn với ít đường, hấp chín, chắt nước uống, có tác dụng chữa kiết lỵ. Nếu phối hợp với húng chanh, hoa đu đủ đực, đường phèn, hấp chín, chắt lấy nước uống có tác dụng chữa go gà và viêm phế quản.
Hoa đại - vị thuốc hay lành tính
Hoa đại có tác dụng hạ huyết áp xuất hiện nhanh và tương đối bền vững (hoa khô có tác dụng mạnh hơn hoa tươi), không làm giãn mạch, không ảnh hưởng đến tuần hoàn ngoại biên. Qua thí nghiệm liều dùng cho người có thể tới 60g một ngày. Cách dùng: hoa đại khô, sắc lấy nước, uống thay trà trong ngày.
Ngoài ra, dân gian còn dùng lá cây hoa đại để chữa bong gân, sai khớp, mụn nhọt bằng cách: Dùng một lá tươi rửa sạch, giã nhuyễn, trộn với một ít muối ăn đắp lên chỗ sưng.
Hoa thiên lý - làm mát mùa hè
Đây là loại hoa có thành phần dinh dưỡng rất phong phú: chất xơ, chất đạm, bột đường, các vitamin như C, B1, B2, PP, tiền vitamin A (caroten), cùng các khoáng chất cần cho cơ thể như calcium, phospho, sắt, đặc biệt là kẽm (Zn) có hàm lượng khá cao.
Hoa thiên lý rất tốt cho trẻ em (phòng rôm sảy, trị giun kim); chữa bệnh lòi dom, sa dạ con; làm giảm đau mình mẩy, nhức xương cốt; chữa mất ngủ, đinh nhọt, đái buốt, đái ra máu; tăng cường sức đề kháng của cơ thể và giúp người già giảm được chứng phì đại tuyến tiền liệt.
Không những vậy, chất kẽm trong hoa thiên lý còn có tác dụng đẩy chì ra khỏi tinh dịch, chữa chứng vô sinh ở nam do thường xuyên tiếp xúc với chì hoặc các chất có chì.
Hoa hồng - không chỉ là thuốc ho
Hoa hồng có vị ngọt, tính bình, thơm mát, công dụng lớn nhất là để chữa ho cho trẻ nhỏ: Dùng cánh hoa hồng trắng chưng với đường phèn, cho trẻ uống ít một sẽ khỏi. Giã chúng với mật ong sẽ chữa được bệnh miệng lưỡi lở loét.
Ngoài ra, hoa còn có công dụng chữa trị các chứng bệnh: tiểu tiện, lỵ ra máu, tinh dầu hoa hồng còn dùng để chữa bệnh đau mắt, đau dạ dày. Hơn nữa, gần đây, các nhà khoa học tìm ra được một dược chất trong tinh dầu hoa hồng có tác dụng ngăn cơn hen phế quản.
Hoa phù dung - chia sẻ nỗi buồn “thầm kín”
Loài hoa đẹp này không “buồn” như cái tên của nó. Theo Y học cổ truyền, hoa có vị cay, tính bình, có công dụng thanh nhiệt, giải độc, làm mát huyết và cầm máu, thông kinh hoạt huyết và làm tiêu mủ.
Những bài thuốc từ hoa có thể đẩy lùi những phiền toái của chị em khi: kinh nguyệt kéo dài không dứt, kinh nguyệt không, nhiều khí hư, viêm âm đạo, viêm tuyến vú.
Ngoài ra, hoa còn có tác dụng chữa chứng đầy bụng do giun ở trẻ em, chữa viêm khớp, mụn nhọn, chín mé…
Vân Hồng
Theo tạp chí Sống Khỏe