Là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, đặc biệt là 50 – 70 tuổi, xơ phổi làm tổn thương các mô bên trong phổi, gây nên các cơn khó thở cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Tùy vào tiến triển bệnh mà tiên lượng sống còn của bệnh nhân khác nhau, trung bình chỉ từ 3-5 năm. Vậy nguyên nhân gây bệnh xơ hóa phổi là gì và cách phòng tránh như thế nào?
Xơ phổi là một nhóm các bệnh phổi nghiêm trọng ảnh hưởng đến hệ hô hấp gây ra sẹo ở phổi và làm dày mô phổi. |
Xơ phổi là một nhóm các bệnh phổi nghiêm trọng ảnh hưởng đến hệ hô hấp gây ra sẹo ở phổi và làm dày mô phổi. Nó tác động đến mô kết nối trong phổi và các phế nang (túi khí bên trong phổi).
Các tổn thương phổi dần trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Các mô phổi cứng, không giãn nở như bình thường vì tính đàn hồi đã bị mất, khiến người bệnh khó thở hơn ngay cả khi làm những công việc thường ngày.
|
Chưa rõ nguyên nhân nhưng có nhiều yếu tố khiến xơ phổi phát triển. |
Cho đến nay vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân nào gây bệnh xơ phổi, tuy nhiên có một vài yếu tố được xem là nguyên nhân và làm tăng khả năng mắc bệnh bao gồm:
- Người lớn tuổi: Hầu hết những người bị xơ phổi sẽ phát triển bệnh này vào nửa sau của cuộc đời, trong độ tuổi từ 50 đến 70.
- Giới tính nam: Xơ phổi ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, các trường hợp ở phụ nữ đã tăng lên trong những năm gần đây.
- Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị xơ phổi.
- Làm việc xung quanh bụi hoặc khói: Thường xuyên hít thở hóa chất hoặc chất độc hại có thể gây hại cho phổi.
- Các tình trạng y tế khác: Trong một số trường hợp, một tình trạng y tế khác (chẳng hạn như bệnh tự miễn dịch viêm khớp dạng thấp hoặc nhiễm vi rút) dẫn đến xơ phổi.
- Các yếu tố khác: Tiếp xúc với bức xạ, chẳng hạn như xạ trị để điều trị ung thư, có thể làm tổn thương mô phổi. Vì vậy, có thể một số loại thuốc, bao gồm cả hóa trị liệu và một số loại thuốc tim.
Các chuyên gia y tế tin rằng di truyền có thể là nguyên nhân gây ra xơ phổi, tuy nhiên, chứng xơ phổi di truyền là rất hiếm. Các nhà nghiên cứu vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về cách thức (và những) gen có thể gây ra xơ phổi.
Thở nông, thở ngắn là triệu chứng điển hình của xơ phổi. |
Xơ phổi không ảnh hưởng đến tất cả mọi người theo cách giống nhau. Đôi khi những triệu chứng này là dấu hiệu của cảm lạnh thông thường hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Các triệu chứng xơ phổi bao gồm:
- Thở gấp, ngắn, nông
- Ho khan dai dẳng
- Mệt mỏi (cực kỳ mệt mỏi, bất kể bạn ngủ bao nhiêu)
- Khó thở, đặc biệt là trong hoặc ngay sau khi bạn tập thể dục.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
Khi bệnh tiến triển, một số người gặp phải:
- Đầu ngón tay, ngón chân hoặc ngón chân trông khác nhau, chẳng hạn như rộng hơn hoặc tròn hơn.
- Tím tái, da hơi xanh (ở người da trắng) hoặc da xám hoặc trắng quanh miệng hoặc mắt (ở người da sẫm) do có quá ít oxy trong máu.
Xơ phổi là bệnh tiến triển theo thời gian. Các triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát và thuyên giảm, tuy nhiên không thể phục hồi tổn thương phổi và chữa lành các sẹo phổi. Ngoài cản trở hoạt động hít thở, bệnh xơ phổi có thể gây ra những biến chứng xơ phổi nguy hiểm khác như:
- Nồng độ oxy trong máu giảm xuống thấp: Các sẹo ở phổi khiến cho việc hít thở trở nên khó khăn hơn, làm giảm lượng oxy vào máu. Khi cơ thể bị thiếu oxy, các hoạt động khác có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.
- Huyết áp động mạch phổi tăng cao: Các mô sẹo ở phổi ảnh hưởng nghiêm trọng đến động mạch cũng như mao mạch phổi, làm huyết áp động mạch phổi tăng cao, lâu dài biến chứng suy tim phải, tâm phế mạn.
- Viêm phổi, thuyên tắc phổi, suy hô hấp: Đây là biến chứng nguy hiểm xảy ra vào giai đoạn cuối khi bệnh tiến triển thành mãn tính. Khi nồng độ oxy trong máu giảm xuống thấp quá mức có thể gây rối loạn nhịp tim, suy hô hấp cấp trên nền mạn, có thể cần can thiệp thở máy, nguy cơ tử vong tăng lên
Xơ phổi là một bệnh mãn tính và tiến triển, nghĩa là nó có thể sẽ chuyển biến theo hướng xấu đi theo thời gian. Vì vậy, khi được chẩn đoán mắc phải xơ phổi, đa số người bệnh đều muốn biết mắc bệnh xơ phổi có chữa được không, bệnh xơ phổi sống được bao lâu.
Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng điều trị hiện nay sẽ giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng khó chịu và làm chậm sự tiến triển của bệnh, giúp duy trì chất lượng cuộc sống. Những người đáp ứng tốt với điều trị có thể không xuất hiện triệu chứng trong nhiều năm.
Hầu hết các phương pháp điều trị xơ phổi đều tập trung vào việc giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một số phương pháp điều trị xơ phổi hiện nay bao gồm:
- Dùng thuốc: Hai loại thuốc - pirfenidone và nintedanib có thể làm chậm quá trình hình thành sẹo ở phổi. Những loại thuốc này có thể giúp bảo tồn chức năng phổi.
- Liệu pháp oxy: Cung cấp thêm oxy cho cơ thể giúp bạn thở dễ dàng hơn. Nó cũng có thể tăng năng lượng và sức mạnh của bạn.
- Phục hồi chức năng phổi: Duy trì tập luyện đặc biệt cho phổi có thể cải thiện mức độ người bệnh thực hiện các công việc hoặc hoạt động hàng ngày.
- Ghép phổi: Ghép phổi thay thế một hoặc cả hai phổi bị bệnh bằng phổi khỏe mạnh từ người hiến tặng. Biện pháp này mang lại tiềm năng cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Rất khó để dự đoán người bệnh xơ phổi sống được bao lâu tại thời điểm chẩn đoán bệnh. Một số người đáp ứng tốt với điều trị và ít biểu hiện triệu chứng trong nhiều năm, trong khi những người khác lại trở nặng nhanh chóng hoặc cơ thể suy nhược nghiêm trọng. Ngoài ra một số biến chứng khác cũng có thể phát triển và làm tình trạng của người bệnh nhanh chóng xấu đi như tăng áp động mạch phổi, suy tim, viêm phổi…
Cụ thể, trước khi có các biện pháp điều trị như dùng thuốc làm chậm sự phát triển của sẹo hóa phổi, khoảng một nửa số người mắc bệnh xơ phổi vô căn sống ít nhất 3 năm kể từ khi được chẩn đoán. Khoảng 1/5 người sống sót trong hơn 5 năm. Trong tương lai, các bác sĩ hy vọng các phương pháp điều trị mới ra đời sẽ đưa đến câu trả lời tích cực hơn cho câu hỏi bệnh xơ phổi sống được bao lâu.
Lối sống của mỗi bệnh nhân đóng vai trò rất quan trọng để đưa đến tiên lượng bệnh nhân xơ phổi. Một số lời khuyên để kéo dài tuổi thọ cho người xơ phổi là:
Đây là điều đầu tiên cần nghiêm chỉnh thực hiện vì hút thuốc có hại rất lớn cho sức khỏe hệ hô hấp. Nếu gặp khó khăn, hãy trao đổi với bác sĩ để có chương trình cai nghiện thuốc lá phù hợp nhé!
Tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm cho cả gia đình bạn. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm trùng phổi – nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng xơ phổi vốn có.
Ngoài ra, tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh viêm phổi do phế cầu cũng là một lựa chọn nên được cân nhắc đối với người mắc bệnh xơ phổi.
Thừa cân sẽ tạo nhiều áp lực lên phổi hơn và làm tình trạng khó thở thêm trầm trọng, đồng thời còn làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường và tim mạch. Còn nếu thiếu cân, các cơ giúp cho việc hít thở sẽ bị yếu đi và tăng nguy cơ loãng xương, hệ miễn dịch suy yếu, đồng thời khiến bạn có thể không đủ điều kiện để ghép phổi. Hãy tính chỉ số BMI để duy trì cân nặng phù hợp, thông qua ăn uống và tập luyện.
Lời khuyên ăn uống cho bệnh nhân xơ phổi bao gồm:
- Ăn nhạt, ít đường, ít chất béo động vật và chất béo chuyển hóa (trong thực phẩm đóng hộp, dầu mỡ tái sử dụng nhiều lần)
- Lấy calo hầu hết từ thịt nạc, cá, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, đậu các loại và sản phẩm từ sữa ít béo
- Nếu đang thiếu cân, hãy thêm món ăn giàu dinh dưỡng hoặc chất béo lành mạnh như dầu oliu
- Nếu bị trào ngược dạ dày, cần tránh thực phẩm có tính axit như trái cây họ cam quýt, cà phê và cà chua
- Chia nhỏ bữa ăn có thể là mẹo nhỏ hữu ích để bạn bớt khó chịu, khó thở do ăn quá no
- Uống nhiều nước.
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn duy trì chức năng của phổi, kiểm soát cân nặng, tăng cường sức mạnh của cơ tim, giúp ngủ ngon hơn và kiểm soát căng thẳng, tăng cường hệ miễn dịch. Những điều này góp phần kiểm soát bệnh và giúp bạn sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn.
Nếu có thể, hãy thêm các hoạt động thể chất như chạy bộ, đạp xe hoặc tập tạ nhẹ vào hoạt động thường ngày của bạn. Cố gắng năng động hơn, hoạt động nhiều nhất có thể.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng thên thực hiện một số bài tập thở để tăng cường sức khỏe phổi như là:
Thở mím môi
Trong cách thở mím môi, bạn hít vào bằng mũi và thở ra từ từ bằng cách chu môi. Khi cảm thấy khó thở, mím môi sẽ giúp đưa nhiều oxy vào phổi hơn và giúp bạn bình tĩnh hơn để có thể thở một cách có kiểm soát.
Cách thực hiện:
Bước 1: Ngồi xuống với tư thế thoải mái, thẳng lưng và đặt tay trên đầu gối.
Bước 2: Hít vào bằng mũi trong vài giây và cố gắng nạp đầy không khí vào bụng thay vì phổi.
Bước 3: Mím môi và thở ra từ từ trong 4 đến 6 giây.
Bước 4: Lặp lại tương tự 5 - 10 lần.
Kỹ thuật thở cơ hoành
Thở bằng cơ hoành còn được gọi là thở bụng hoặc thở bằng bụng khuyến khích sự trao đổi oxy hoàn toàn. Kiểu thở này làm chậm nhịp tim và cũng có thể ổn định huyết áp. Bên cạnh đó, thở bằng bụng giúp thúc đẩy quá trình thư giãn, giảm căng thẳng, tăng hiệu quả kéo giãn và nhận thức cơ thể tốt hơn.
Cách thực hiện:
Bước 1: Nằm ngửa trên sàn hoặc giường, kê một chiếc gối bên dưới đầu gối và đầu.
Bước 2: Đặt một tay phía trên rốn và tay kia đặt trên trái tim.
Bước 3: Hít vào bằng mũi và để ý xem dạ dày chuyển động như thế nào khi thở.
Bước 4: Từ từ thở ra bằng miệng, hóp cơ bụng, đẩy hết không khí ra khỏi bụng.
Xơ phổi là một bệnh lý hô hấp mạn tính. Bệnh có liên quan đến rất nhiều tình trạng khác nhau như viêm phổi, ô nhiễm không khí, tiếp xúc nghề nghiệp, xạ trị hay do thuốc. Tuy xơ phổi không thể điều trị dứt điểm được, nhưng các biện pháp điều trị kết hợp giúp cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa biến chứng cho bệnh nhân. Hãy nhớ những lời khuyên mà bác sĩ dành cho bệnh nhân xơ phổi nhé.
Ánh Dương
Theo Người đưa tin