Miền Bắc bước vào đợt rét đậm rét hại Nhiệt độ đột ngột suy giảm khiến sức đề kháng của bạn suy yếu, nguy cơ bị virus, vi khuẩn tấn công, dẫn đến những chứng bệnh thường gặp như cảm cúm, cảm lạnh. Một số thực phẩm phòng chống và chữa bệnh cảm cúm, cảm lạnh dưới đây chắc chắn sẽ rất hữu ích với bạn.
1. Súp gà
Thịt gà là món ăn giàu dinh dưỡng, giúp bồi bổ cơ thể suy yếu rất tốt. Đồng thời làm tăng cường miễn dịch. Thịt gà mái đem nấu cháo hay nấu súp sẽ giúp phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ có món ăn bổ dưỡng, tăng cường miễn dịch cực tốt.
Tuy nhiên lưu ý: Khi nấu súp gà, bạn không được ăn cùng tỏi, gan chó, rau cải vì rất dễ bị đi ngoài.
![]() |
Súp gà sẽ giúp phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ có món ăn bổ dưỡng, tăng cường miễn dịch cực tốt |
Cách nấu súp gà nấm hương ngon
Nguyên liệu nấu súp gà nấm hương:
- Thịt gà 300g
- Nấm hương 4 cái
- Ngô ngọt 1 trái
- Lòng trắng trứng gà 1 cái
- Bột năng 2 muỗng canh
- Muối 1/2 muỗng cà phê
- Hạt nêm 2 muỗng canh
- Tiêu 1/2 muỗng cà phê
- Dầu mè 1 muỗng cà phê
- Ngò gai 5g
- Hành tím 1 củ
Các bước làm súp gà nấm hương:
Bước 1: Luộc gà. Đổ nước lạnh ngập gà. Sau đó đun trên lửa vừa, thêm một ít muối vào nồi khi luộc gà, hớt bọt. Sau khi thịt gà chín, vớt ra để nguội, xé nhỏ. Nước thịt gà để riêng.
Bước 2: Nấm hương thái sợ, ngô ngọt bỏ lõi. Hành tím băm nhỏ. Ngò gai cắt khúc.
Bước 3: Đun nóng 1 muỗng cà phê dầu mè, cho hành tím vào phi thơm. Sau đó cho ngô, nấm thịt gà vào xào, nêm gia vị vừa ăn.
Bước 4: Khi thịt gà đã săn lại, chế thêm nước luộc gà vào. Khi nước luộc gà sôi, vừa quấy súp vừa cho từ từ lòng trắng trứng vào. Nấu sôi thêm 3 phút, thêm từ từ bột năng vào đến khi súp đặc lại theo ý thích. Nêm gia vị vừa ăn một lần nữa. Khi súp sôi lục bục là có thể tắt bếp.
Bước 5: Múc súp ra bát, rắc ngò lên trên và thưởng thức khi còn nóng.
2. Canh khổ qua (mướp đắng)
Theo Đông y, khổ qua có vị đắng, tính hàn, công dụng thanh nhiệt, giải độc. Bên cạnh đó quả khổ qua còn có tác dụng giải cảm, tăng cường sức đề kháng. Ăn khổ qua thường xuyên cũng giúp an thần dễ ngủ hơn.
Nguyên liệu để nấu canh khổ qua
- Khổ qua (mướp đắng) : 5-6 quả
- Thịt xay khoảng 200g
- Mọc nhĩ: 2-3 tai
- Hành lá, hành củ, ngò rí
- Tiêu, muối, bột nêm
- Nước dùng hầm xương hoặc nước lã
Các bước thực hiện
Bước 1: Mọc nhĩ ngâm với nước ấm cho nở mềm, sau đó đem cắt bỏ tai nấm và rửa sạch, thái nhỏ. Phần hành lá đem cắt rễ, lá úa, những lá bị giập, rửa sạch. Sau đó cắt phần đầu trắng đập giập, xắt nhỏ. Còn phần lá xanh thì đem để riêng. Phần hành củ bạn cần phải bóc vỏ, rửa sạch, đập giập và bằm nhỏ. Những món rau thơm khác thì đem bỏ rễ, lá già úa và rửa sạch.
Bước 2: Thịt nạc vai hoặc là phần ba chỉ nhiều nạc các bạn đem rửa sạch, sau đó để ráo nước rồi đem xay thật nhuyễn cho nhân không bị khô. Tiếp đó để chế biến món ngon này,các bạn cũng có thể thay bằng giò sống với tỷ lệ hai phần thịt xay, một phần giò sống. Thậm chí các bạn cũng có thể thay giò sống bằng cá thác lác đều được. Sau khi đã xay xong thịt, các bạn cho thịt, nấm mèo, hành củ, đầu hành vào một cái tô và trộn thêm bột nêm, tiêu trộn đều nhân. Để món ăn ngon này hoàn hảo hơn, các bạn cũng cần ướp nhân trong khoảng 15 phút.
Bước 3: Ở khoảng thời gian ướp thịt các bạn chuẩn bị khổ qua (mướp đắng). Phần khổ qua mua về bạn phải lựa trái mới hái, thuôn đều và có phần mập mạp lúc nhồi sẽ được nhiều nhân hơn. Để dễ lấy ruột và món ngon được đẹp hơn thì các bạn đem đun một nồi nước. Lúc nước sôi bạn cho thêm một thìa muối và cho khổ qua vào chần ở nước sôi khoảng một phút. Sau đó thì tắt bếp và cho khổ qua ngâm ngay vào nước lạnh có chút đá càng tốt.
Bước 4: Dùng dao mổ dọc một bên và moi lấy hết ruột.
Bước 5: Nhồi chặt nhân vào trong ruột của trái khổ qua. Phần nhân phải được nhồi cho hơi đầy miệng trái nhưng không bị vương vãi ra ngoài. Dùng lá hành cột trái khổ qua để khi hầm món ăn ngon này nhân không bị lòi ra.
3. Cháo hành
![]() |
Cháo hành giúp cơ thể giải cảm và sát trùng |
Hành có vị cay, tính bình, giúp cơ thể giải cảm và sát trùng…Nếu bị cảm cúm với các triệu chứng như sốt nhẹ, nhức đầu có thể điều trị bằng bài thuốc với hành như sau:
Rửa sạch và giã nhỏ 15g hành gồm cả củ và lá. Thái thật nhỏ 20g lá tía tô. Nấu cháo loãng và cho cả hai loại rau trên vào khi còn nóng. Dùng khi cháo còn ấm nóng, sau đó nên đắp mền để cho mồ hôi toát ra giải bệnh. Hoặc bạn cũng có thể nấu kỹ 60g hành tươi với một bát nước để uống.
Ngoài những món ăn bài thuốc đã kể trên, để phòng trị cảm cúm hiệu quả cần giữ gìn vệ sinh thân thể và môi trường sống tốt. Hằng ngày nên ăn các thức ăn, gia vị có tính tinh dầu, sát khuẩn như gừng, tỏi, bạc hà, tía tô, kinh giới, sả... Vệ sinh răng miệng, mũi họng, bằng nước muối sinh lý, tốt nhất là nước tỏi tươi loãng.
Ánh Dương
Theo Người đưa tin