“Người ta giàu bổ cơm bổ cá. Nhà em nghèo bổ rau má, khoai lang”.
Đông y rấu coi trọng rau má
Không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta lại có câu ca dao như trên để nói về loại rau má - loại cây vốn là cây dại mọc ở bờ mương, lối đi.
Chia sẻ về lợi ích của cây rau má, Lương y, Đa khoa Bùi Hồng Minh, Chủ tịch hội Đông y Ba Đình, Hà Nội cho biết: Trong Đông y rau má còn có tên là Tích tuyết thảo hay Liên tiền thảo, rau má có vị đắng, hơi ngọt mát. Rau có tính bình cho nên ông bà ta vẫn nhắc con cháu “Đói thì ăn rau má, đừng ăn quấy ăn quá mà chết”.
Cũng theo Lương y, Bùi Hồng Minh thì “Khi ăn rau má sẽ có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc, lợi tiểu. Rau má cũng thường dùng để làm thuốc bổ dưỡng, sát trùng, chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy, phụ nữ khi hư, bạch đới (khi hư)”.
Lương y Bùi Hồng Minh còn cho biết thêm: “Ở Việt Nam cây rau má được chế ra thành nhiều bài thuốc trị được nhiều bệnh khác nhau. Nổi tiếng nhất là những năm 1950, Lương y Võ Văn Hưng đã chế ra toa thuốc để chữa thanh nhiệt, giải độc, mề đay, cảm nóng. Bài thuốc đó đã được cố Bộ trưởng Y tế lúc bấy giờ là bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng ủng hộ cho sản xuất để nhân rộng”.
Y học hiện đại ghi nhận công dụng của rau má
Không chỉ được ứng dụng chữa bệnh trong Đông y, phân tích theo khoa học hiện đại cây rau má gồm có các chất sau: beta-caroten, sterols, saponins, alkaloids, flavonols, saccharids, calcium, iron, magnesium, manganese, phosphorus, potassium, kẽm, các loại vitamins B1, B2, B3, C và K.
Trong các hoạt chất trên thì nhóm sapomin được đã được khoa học chứng minh giúp ích trong quá trình tái tạo tế bào mô, tăng cường chất chống ôxy hóa trong những vết thương và tăng cung cấp máu. Nhờ vậy mà nó có thể trị bỏng nhẹ, bệnh vẩy nến, ngăn ngừa những vết sẹo sau khi phẫu thuật và ngăn ngừa hoặc làm giảm vết rạn da.
Hoạt chất trong rau má cũng đã được thí nghiệm trên chuột bạch và nó cho thấy giảm sự lo lắng tinh thần cho chuột. Chính vì vậy rau má được xem là một loại thuốc bổ não hỗ trợ trí nhớ. Nó được cho là chống lại căng thẳng và trầm cảm, cải thiện phản xạ.
Nhiều nơi trên thế giới xem trọng rau má
Tại Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia... cây rau má cũng có lịch sử lâu dài trong các loại thuốc dân gian.
Người Ấn Độ gọi rau má là Brahmi hoặc Gotu kola và được xem là thảo mộc thiêng liêng ở vùng đất này. Chúng được dùng để thúc đẩy thư giãn, cải thiện trí nhớ. Người dân tin rằng rau má giúp họ cân bằng năng lượng đỉnh đầu.
Người Sri Lanka lại tin rằng rau má giúp tăng tuổi thọ vì họ quan sát thấy những con voi sống trường họ vì chúng thường xuyên ăn lá rau má.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc rau má cũng được dùng làm thảo dược để tăng cường tuổi thọ. Lương y, Bùi Hồng Minh cho biết thêm “Rau má được cho là đã làm nên sự trường thọ của huyền thoại Lý Thanh Vân võ sư môn sinh của môn võ Thái Cực Quyền. Người ta nói rằng ông đã sống thọ tới 256 tuổi, một phần là do sử dụng các loại thảo dược Trung Hoa truyền thống, trong đó có rau má”.
Một số đối tượng nên tránh dùng rau má
Rau má là loại không độc và được khoa học hiện đại ghi nhận tác dụng chữa bệnh, tuy nhiên Lương y Bùi Hồng Minh cũng lưu ý không phải ai cũng có thể dùng được rau má.
Những người yếu bụng: Lương y Minh nói: “Rau má có tính lạnh nên những người có tỳ vị hư hàn, hay đầy bụng hoặc đi tiêu lỏng cần cẩn thận khi dùng. Nếu muốn dùng chỉ nên ăn vài lá hoặc dùng kèm theo một vài lát gừng sống. Những phụ nữ mang thai và trong thời kỳ cho con bú nên tránh dùng”.
Người bị huyết áp thấp: Rau má được biết đến trong việc bình ổn huyết áp cho người bị cao huyết áp. Theo Lương y Bùi Hồng Minh những người có tiền sử huyết áp thấp thì không nên dùng rau má nhiều vì sẽ làm huyết áp tụt mạnh.
Hạn chế ra nắng: Lương y Minh cũng lưu ý thêm khi dùng rau má để trị cách bệnh ngoài da bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng và nắng mặt trời. Vì các hoạt chất có trong rau má phản ứng nhạy cảm với ánh sáng có thể khiến cho một số bệnh nhân có nguy cơ dị ứng. Đặc biệt khi dùng rau má với lượng quá cao nó có thể khiến con người mê man bất tỉnh, nhưng theo ông số lượng rơi vào triệu chứng này là rất hiếm gặp.
Do rau má rất dễ sống và sinh trưởng nhanh chóng ở các mương nước thải, khu vực ẩm thấp. Vì vậy, theo nhận định Lương y Bùi Hồng Minh “Khi rau má được trồng ở các vùng khác nhau thì các hoạt chất có thể sai biệt đi ít nhiều”.
Lương y Bùi Hồng Minh cũng khuyên mọi người chỉ ăn rau má tại các nơi nguồn nước và đất không bị ô nhiễm. Không dùng rau má ở ven đường nơi có nhiều xe đi lại hay những nơi cống rãnh có chất thải để đảm bảo sức khỏe; Rau má sau khi mua ra má về thì phải rửa sạch ngâm nước muối hoặc ozon. Rau có thể ăn sống kèm theo cách rau thơm thêm khác cũng giúp thanh nhiệt và lợi tiểu.
Lê Ngọc
Theo tạp chí Sống Khỏe