Hợp tác quảng cáo

Sống khỏe với bệnh Phổi tắc nghẽn mạn tính

Trên thế giới có khoảng 384 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), gây ra 3 triệu ca tử vong mỗi năm, và là nguyên nhân gây tử vong đến hàng thứ 33. Tại Việt Nam tỉ lệ mắc COPD là khoảng 4,2%. Vậy COPD là gì, triệu chứng ra sao và cách chữa trị như thế nào, làm sao để chung sống với căn bệnh này? Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là gì?

Song khoe voi benh Phoi tac nghen man tinh

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là bệnh hô hấp gây khó thở vì đường thở bị hẹp lại so với bình thường - (Ảnh: Internet).

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một bệnh phổi viêm mãn tính đặc trưng bởi sự giới hạn về luồng khí thở gây ra các triệu chứng bao gồm khó thở, ho, tăng sản xuất chất nhầy (đờm) và thở khò khè. 

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm khí phế thũng và viêm phế quản mãn tính. 

- Viêm phế quản mãn tính là tình trạng viêm niêm mạc của các ống phế quản, nơi mang không khí đến và đi từ các túi khí (phế nang) của phổi. Nó gây ra ho và sản xuất chất nhầy (đờm) hàng ngày.

- Khí phế thũng là tình trạng các phế nang ở phần cuối của đường dẫn khí nhỏ nhất (tiểu phế quản) của phổi bị phá hủy do tiếp xúc với khói thuốc lá và các chất dạng hạt và khí gây khó chịu khác.

Mặc dù COPD là một bệnh tiến triển và ngày càng nặng hơn theo thời gian, nhưng COPD có thể điều trị được. Với sự quản lý thích hợp, hầu hết những người bị COPD có thể kiểm soát tốt các triệu chứng và chất lượng cuộc sống, cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan khác.

2. Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Các triệu chứng COPD thường không xuất hiện cho đến khi có tổn thương phổi đáng kể và Ở giai đoạn đầu, căn bệnh này thường không gây ra nhiều triệu chứng đáng chú ý nên người bệnh dễ lờ đi, không quan tâm đến, hoặc nghĩ đó là triệu chứng của cảm lạnh. Mặc dù các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh ở mỗi người là khác nhau nhưng chúng sẽ luôn trở nên trầm trọng hơn theo thời gian nếu không can thiệp điều trị.

Các triệu chứng sớm của COPD bao gồm:

- Thỉnh thoảng thở gấp, đặc biệt là sau khi tập thể dục

- Ho nhẹ nhưng tái phát

- Cần phải hắng giọng thường xuyên, đặc biệt là sau khi thức dậy

Bạn có thể bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ, chẳng hạn như tránh leo cầu thang và bỏ qua các hoạt động thể chất khi có các triệu chứng này.

Các triệu chứng khi bệnh trở nặng:

Các triệu chứng sẽ trở nên rõ rệt hơn, tồi tệ hơn và khó bỏ qua hơn. Khi phổi bị tổn thương nhiều hơn, bạn có thể gặp phải:

- Khó thở, ngay cả sau khi thực hiện các hình thức tập thể dục nhẹ như đi bộ lên cầu thang

- Thở khò khè, là kiểu thở ra tiếng ở cường độ cao hơn

- Tức ngực

- Ho mãn tính, có hoặc không có chất nhầy (đờm)

- Cần phải làm sạch chất nhầy khỏi phổi của bạn mỗi ngày

- Thường xuyên cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác

- Thiếu năng lượng

Trong các giai đoạn sau của COPD, các triệu chứng cũng có thể bao gồm:

- Mệt mỏi

- Sưng bàn chân, mắt cá chân hoặc chân

- Giảm cân

Các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều nếu bạn là người hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc.

3. Nguyên nhân gây COPD

Song khoe voi benh Phoi tac nghen man tinh

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra COPD - (Ảnh: Pexels).

Nguyên nhân chính của COPD ở các nước phát triển là do hút thuốc lá trong thời gian dài. Ở các nước đang phát triển, COPD thường xảy ra ở những người tiếp xúc với khói từ nhiên liệu đốt để nấu ăn và sưởi ấm trong những ngôi nhà thông gió kém.

Chỉ một số người hút thuốc lá lâu năm phát triển các triệu chứng COPD rõ ràng về mặt lâm sàng. Một số người hút thuốc ít phát triển các tình trạng phổi hơn. Họ có thể bị chẩn đoán nhầm là mắc COPD cho đến khi thực hiện đánh giá kỹ lưỡng.

Ngoài hút thuốc lá, các chất kích thích khác có thể gây ra COPD, bao gồm khói xì gà, khói thuốc thụ động, khói tẩu, ô nhiễm không khí và nơi làm việc tiếp xúc với bụi, khói.

Ở khoảng 1% những người bị COPD, căn bệnh này là kết quả của một rối loạn di truyền gây ra mức độ thấp của một loại protein được gọi là alpha-1-antitrypsin (AAt). AAt được tạo ra trong gan và được tiết vào máu để giúp bảo vệ phổi. Thiếu alpha-1-antitrypsin có thể gây ra bệnh gan, bệnh phổi hoặc cả hai.

4. Phổi của bạn bị ảnh hưởng như thế nào

Không khí đi xuống khí quản và vào phổi của bạn qua hai ống lớn (phế quản). Bên trong phổi, những ống này phân chia nhiều nhánh, giống như cành cây, thành nhiều ống nhỏ hơn (tiểu phế quản) kết thúc bằng các cụm túi khí nhỏ (phế nang).

Các túi khí có thành rất mỏng chứa đầy các mạch máu nhỏ (mao mạch). Oxy trong không khí bạn hít vào sẽ đi vào các mạch máu này và đi vào máu. Đồng thời, carbon dioxide - một loại khí là sản phẩm thải ra của quá trình trao đổi chất - được thở ra.

Phổi dựa vào tính đàn hồi tự nhiên của các ống phế quản và túi khí để đẩy không khí ra khỏi cơ thể. COPD khiến chúng mất tính đàn hồi và giãn nở quá mức, khiến một số không khí bị mắc kẹt trong phổi khi bạn thở ra, gây ra các triệu chứng của COPD.

5. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Các yếu tố nguy cơ của COPD bao gồm:

- Độ tuổi trung niên, trên 40 tuổi

- Tiếp xúc với khói thuốc lá: Yếu tố nguy cơ đáng kể nhất của COPD là hút thuốc lá trong thời gian dài. Bạn hút thuốc càng nhiều năm và hút càng nhiều gói, nguy cơ mắc bệnh càng cao. Những người hút xì gà và hút cần sa cũng như những người tiếp xúc với lượng lớn khói thuốc thụ động cũng có thể có nguy cơ mắc bệnh.

- Người bị hen suyễn: Hen suyễn, một bệnh viêm đường thở mãn tính, có thể là một yếu tố nguy cơ phát triển COPD. Sự kết hợp giữa hen suyễn và hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc COPD cao hơn.

- Tính chất công việc tiếp xúc với khói bụi và hóa chất: Tiếp xúc lâu dài với khói, hơi hóa chất và bụi ở nơi làm việc có thể gây kích ứng và làm viêm phổi của bạn.

- Tiếp xúc với khói do đốt cháy nhiên liệu: Ở các nước đang phát triển, những người tiếp xúc với khói từ nhiên liệu đốt để nấu ăn và sưởi ấm trong những ngôi nhà thông gió kém có nguy cơ mắc COPD cao hơn.

- Di truyền: Rối loạn di truyền không phổ biến thiếu alpha-1-antitrypsin là nguyên nhân của một số trường hợp COPD. Các yếu tố di truyền khác có thể làm cho một số người hút thuốc dễ mắc bệnh.

6. Các biến chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

COPD có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm:

- Nhiễm trùng đường hô hấp: Những người bị COPD có nhiều khả năng bị cảm lạnh, cúm và viêm phổi hơn. Bất kỳ bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nào cũng có thể khiến bạn khó thở hơn và có thể gây tổn thương thêm cho mô phổi.

- Vấn đề tim mạch: Khi ở giai đoạn nặng, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ bị nhịp tim nhanh, gây rối loạn nhịp tim, dẫn đến suy tim.

- Ung thư phổi: Những người bị COPD có nguy cơ phát triển ung thư phổi cao hơn.

- Huyết áp cao trong động mạch phổi: COPD có thể gây ra huyết áp cao trong các động mạch đưa máu đến phổi của bạn (tăng áp động mạch phổi).

- Trầm cảm: Khó thở có thể khiến bạn không thể thực hiện các hoạt động mà bạn yêu thích. Và đối phó với bệnh nghiêm trọng có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh trầm cảm.

7. Tự sàng lọc nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại nhà

Trả lời các câu hỏi sau để tầm soát nhanh bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Câu 1: Bạn có ho vài lần trong ngày ở hầu hết các ngày không?

Câu 2: Bạn có khạc đờm ở hầu hết các ngày không?

Câu 3: Bạn có bị khó thở hơn những người cùng tuổi?

Câu 4: Bạn có trên 40 tuổi không?

Câu 5: Bạn có đang hút thuốc hay đã từng hút thuốc không?

Nếu có 3 câu trả lời là "có" thì bạn nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.

8. Khuyến nghị về chế độ ăn uống cho những người bị COPD

Song khoe voi benh Phoi tac nghen man tinh

Một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể và sức khoẻ của phổi - (Ảnh: Unplash).

Không có chế độ ăn uống cụ thể nào cho COPD, nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể. Bạn càng khỏe mạnh, bạn càng có nhiều khả năng ngăn ngừa các biến chứng và các vấn đề sức khỏe khác. Chọn nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng từ các nhóm sau: rau, trái cây, hạt, chất đạm, sản phẩm bơ sữa. Ngoài ra, hãy nhớ ăn ít muối. Vì muối khiến cơ thể giữ nước, có thể gây căng thẳng cho hô hấp.

- Uống nhiều nước. Uống ít nhất 6-8 ly chất lỏng không chứa caffein mỗi ngày có thể giúp giữ cho chất nhầy loãng hơn và dễ bị ho ra ngoài. 

Hạn chế đồ uống có chứa cafein vì chúng có thể cản trở việc dùng thuốc. Nếu bạn có vấn đề về tim, bạn có thể cần uống ít caffein hơn, vì vậy hãy nói chuyện với bác sĩ về liều lượng caffein bạn có thể sử dụng.

- Quản lý cân nặng: Duy trì cân nặng hợp lý là điều quan trọng. Cần nhiều năng lượng hơn để thở khi bạn bị COPD, vì vậy bạn có thể cần nạp nhiều calo hơn. Nhưng nếu bạn thừa cân, phổi và tim của bạn có thể phải làm việc nhiều hơn. Nếu bạn thiếu cân hoặc ốm yếu, ngay cả việc duy trì cơ thể cơ bản cũng có thể trở nên khó khăn. Nhìn chung, mắc COPD làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn và giảm khả năng chống lại nhiễm trùng.

- Thói quen ăn uống lành mạnh: Bụng no khiến phổi khó nở ra,gây ra tình trạng khó thở. Nếu bạn thấy rằng điều này xảy ra với bạn, hãy thử các biện pháp khắc phục sau: Làm sạch đường thở của bạn khoảng một giờ trước bữa ăn. Ăn từng miếng nhỏ hơn và nhai kỹ hơn trước khi nuốt. Đổi ba bữa một ngày thành 5-6 bữa ăn nhỏ hơn. Ăn xang rồi mới uống nước để tránh cảm giác no.

9. Sống chung với COPD

COPD là bệnh mãn tính, yêu cầu quản lý bệnh suốt đời. Điều đó có nghĩa là bạn cần làm theo lời khuyên của bác sĩ và duy trì thói quen lối sống lành mạnh.

Dưới đây là danh sách những điều cần xem xét khi bạn điều chỉnh lối sống của mình để sống chung với COPD.

- Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh nói trên, để khám và định hướng điều trị đúng.

- Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện bệnh sớm.

- Tránh hút thuốc. Nếu bạn gặp khó khăn khi bỏ thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về các chương trình cai thuốc lá. Cố gắng tránh khói thuốc, khói hóa chất, ô nhiễm không khí và bụi.

- Vật lý trị liệu, giúp cải thiện chức năng gắng sức, cải thiện triệu chứng khó thở, mệt mỏi. Nên duy trì thường xuyên tập tại nhà kỹ thuật thở bằng cơ hoành/bụng. Cơ hoành là cơ chính của hơi thở. Nó sẽ làm hầu hết các công việc. Khi bạn mắc COPD, cơ hoành không làm việc tốt và cơ bắp ở cổ, vai và lại được sử dụng. Các cơ bắp không làm việc nhiều để di chuyển không khí cho bạn. Thở bằng cơ hoành không phải là dễ dàng. Do đó bạn cần được hướng dẫn bởi nhân viên vật lý trị liệu có kinh nghiệm về bệnh lý hô hấp.

- Tập thể dục. Tập thể dục một chút mỗi ngày có thể giúp bạn khỏe mạnh. Nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc tập thể dục bao nhiêu là tốt cho bạn.

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Dinh dưỡng

Làm đẹp

Gia đình khỏe