Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 29/6, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy đã lên đến 20.952 ca, tăng 172,5% với cùng kỳ năm 2021 (7.688 ca). Đáng chú ý, số ca sốt xuất huyết ở người lớn hiện chiếm hơn 50%.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, thông thường, chu kỳ 3-4 năm sẽ có đợt bùng phát dịch. Từ 2019 đến 2022 là hơn 3 năm, chúng ta có thêm 2 năm dịch Covid-19 nên tâm lý lơ là, quên mất việc phòng ngừa, chẩn đoán sớm bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, chúng ta thấy số ca mắc bệnh tăng vọt lên. Bệnh nhân tử vong cũng tăng nhiều.
Vậy bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm như thế nào? Đâu là các triệu chứng thường gặp của sốt xuất huyết? Khi mắc bệnh, bệnh nhân cần xử trí ra sao?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Virus này thường có 4 chủng huyết thanh khác nhau là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng miễn dịch suốt đời với riêng chủng virus đó mà thôi. Hay nói cách khác, những người sống trong vùng thường xuyên có dịch sốt xuất huyết có thể mắc bệnh nhiều hơn một lần trong đời.
Muỗi vằn là tác nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết. |
Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết chính là muỗi vằn (Aedes aegypti). Bạn biết không, muỗi vằn thường đốt người vào sáng sớm và chiều tối. Chỉ muỗi cái mới đốt người vì chúng cần protein để đẻ trứng. Khi muỗi cái hút máu bệnh nhân nhiễm virus dengue, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Điều này khiến muỗi có nguy cơ truyền bệnh cho người khác. Khi virus dengue vào cơ thể người, chúng tuần hoàn trong máu từ 2-7 ngày. Trong khoảng thời gian này, nếu người bệnh bị muỗi vằn nhiễm virus dengue hút máu thì virus sẽ được truyền cho muỗi.
Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, nhất là tháng 7, 8, 9, 10. Vì môi trường ưa thích của muỗi không những là ở khu vực có nhiều người sinh sống, chỗ tối của ngôi nhà (tủ, gầm giường), mà chúng còn thích đẻ trứng trong những dụng cụ chứa nước sạch và những nơi nước đọng ở lốp xe, thùng bỏ không, rác thải, chai lọ, chậu cây cảnh, dụng cụ phế thải quanh nhà. Vì vậy, mùa mưa là thời điểm thuận lợi cho sự sinh sản và hoạt động của muỗi truyền bệnh
Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh sốt xuất huyết dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng... Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến sốt xuất huyết dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn. Các triệu chứng của bệnh thường được chia làm 3 thể phổ biến như: Sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ), Sốt xuất huyết có chảy máu và Sốt xuất huyết dengue.
Sốt xuất huyết cổ điển (thể nhẹ)
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh có triệu chứng sốt từ 4-7 ngày. |
Những người lần đầu bị sốt xuất huyết cổ điển thường vì họ chưa có miễn dịch với bệnh. Dù có biểu hiện, triệu chứng điển hình, nhưng người bệnh thường không có biến chứng. Bệnh thường xuất hiện với các triệu chứng sau:
- Sốt, thường kéo dài trong vòng 4-7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Một số trường hợp có thể sốt cao, lên đến 40,5 độ C
- Nhức đầu nghiêm trọng
- Đau phía sau mắt
- Đau khớp và cơ
- Buồn nôn và ói mửa
- Phát ban, thường xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày.
Sốt xuất huyết có chảy máu:
Với các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ, nhưng kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Sốt xuất huyết có chảy máu nếu không được điều trị kịp thời sẽ có thể dẫn đến tử vong.
Sốt xuất huyết dengue (hội chứng sốc dengue)
Đây là thể bệnh nặng nhất và thường xảy ra ở trẻ em. Triệu chứng của bệnh bao gồm các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cùng với chảy máu, thoát huyết tương, chảy máu trong và ngoài cơ thể… Sốt xuất huyết dengue có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo các bác sĩ, bệnh sốt xuất huyết thường trải qua ba giai đoạn chính, điển hình như: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Ở giai đoạn sốt: Người bệnh thường có các biểu hiện như sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, sốt liên tục, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm nhiệt độ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ gặp phải đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt, da xung huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam
Ở giai đoạn nguy hiểm: Giai đoạn này thường xuất hiện vào ngày thứ 3-7 với các biểu hiện như:
- Thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch (thường kéo dài 24 - 48 giờ). Trường hợp thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến các biểu hiện vật vã, bứt rứt, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, huyết áp kẹt, tiểu ít.
- Tràn dịch màng phổi: Đau ngực (nhất là khi thay đổi tư thế), tức ngực, khó thở.
- Tràn dịch màng bụng: Bụng to nhanh, chướng bụng, khó thở.
- Gan to: Đau tức vùng hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị.
- Xuất huyết dưới da (thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn); Xuất huyết ở niêm mạc (Chảy máu mũi, Chảy máu nướu răng, tiểu ra máu); Xuất huyết nội tạng (nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu)... Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến suy tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.
Ở giai đoạn hồi phục: Giai đoạn này thường kéo dài 48 - 72 giờ. Người bệnh sẽ hết sốt, huyết động ổn định và tiểu nhiều, thèm ăn hơn.
Phát hiện sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ giúp bệnh nhanh khỏi và an toàn, nhất là với trẻ nhỏ. Vì thế, khi người bệnh có một số các triệu chứng như: sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; đau cơ khớp, da xung huyết, phát ban bạn cần:
- Đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị kịp thời. Thông thường, các bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm huyết thanh nhằm: Tìm kháng nguyên NS1 trong 5 ngày đầu của bệnh, Tìm kháng thể IgM từ ngày thứ 5 trở đi
Cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và có phương pháp điều trị kịp thời. |
- Hạ sốt bằng cách uống paracetamol, lau mát bằng nước ấm.
- Cho người bệnh ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; uống nhiều nước; Tránh thức ăn, nước uống có ga, có màu (đen, đỏ, nâu…).
- Lưu ý: Những bệnh nhân có bệnh lý mãn tính như suy gan, suy thân, tăng huyết áp, đái tháo đường, phụ nữ có thai, trẻ em... cần được theo dõi sát sao.
Khi mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường lo lắng không biết rằng tắm có an toàn không? Rất nhiều trẻ em vì bố mẹ lo lắng sức đề kháng yếu nên không dám tắm cho con, sợ con ốm hoặc sốt nặng hơn. Một số người bệnh hạn chế nước tối đa, hoặc chỉ chọn cách lau người sơ qua bằng nước ấm.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế thì bệnh nhân không nhất thiết phải kiêng tắm gội. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu như hạ tiểu cầu nhiều, người bệnh cần tránh kỳ cọ mạnh trong khi tắm bởi sẽ gây chảy máu dưới da hoặc trong cơ, cực kỳ nguy hiểm.
Trong thời gian từ cuối ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 7 của bệnh, triệu chứng sốt có thể sẽ giảm rõ rệt. Nhưng không vì vậy mà bệnh tình giảm nhẹ đi. Một số biến chứng khác như tăng tính thấm của thành mạch, giảm tiểu cầu... sẽ xuất hiện và gây ra xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau.
Chính vì thế, trong thời gian này, người bệnh nên hạn chế việc tắm gội bởi sẽ làm cho thành mạch giãn mạnh, khiến tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn. Tốt nhất là bạn nên dùng khăn ấm lau người. Trong trường hợp bất khả kháng cần phải tắm, bạn nên tắm bằng nước ấm, ở nơi kín gió. Phải nhớ rằng, không được dùng nước lạnh để tắm gội vì sẽ làm mạch ngoài da co lại, mạch nội tạng giãn ra, dẫn đến nguy cơ tử vong rất cao.
Lưu ý, người bệnh không tắm và ngâm người trong nước lâu, tắm với nước có độ ấm vừa phải. Tuyệt đối không tắm với nước lạnh. Nếu gội đầu, đặc biệt là những bệnh nhân nữ tóc dày thì nên sấy khô, tránh để tóc ẩm lâu khiến cơ thể bị lạnh.
Tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ
Hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để trị bệnh sốt xuất huyết nên người bệnh cần hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều chất béo và dầu mỡ.
Tránh đồ ăn cay, nóng
Sức đề kháng của người bệnh bị giảm và năng lượng bị hao hụt nên khi người bệnh ăn đồ cay, nóng như ớt, gừng, mù tạt ... thì sẽ làm nhiệt độ trong cơ thể tăng lên. Điều này không những khiến tình trạng bệnh năng hơn mà còn ảnh hưởng đến khả năng hồi phục của người bệnh.
Không ăn thực phẩm có màu sẫm
Trong suốt giai đoạn bị bệnh, người bệnh nên kiêng ăn các loại thực phẩm có màu đỏ, nâu, đen vì người bệnh sốt xuất huyết ra dễ bị chảy máu. Việc này sẽ giúp bác sĩ không bị nhầm lẫn và chẩn đoán đúng bệnh nhân có bị chảy máu dạ dày khi bệnh nhân bị nôn mửa.
Không ăn đồ ngọt
Người bệnh sốt xuất huyết không nên uống các loại đồ uống ngọt như soda, không dùng mật ong và các loại đường tự nhiên khác để tránh bệnh nhân lâu hồi phục do tiêu thụ đường sẽ khiến cho các tế bào máu trắng diệt khuẩn chậm hơn.
Ngoài ra, người bệnh cũng nên không nên uống rượu, cafe và ngừng hút thuốc khi đang bị bệnh.
- Thường xuyên đo thân nhiệt để phòng khi sốt cao hoặc có bất thường về thân nhiệt.
- Nên dùng khăn ấm lau mát cơ thể. Nếu sốt cao, đắp khăn ở vùng nách và bẹn để hạ thân nhiệt.
- Mặc quần áo thoáng mát và mỏng, tốt nhất là được may từ vải cotton.
- Nên uống nhiều nước lọc, nước hoa quả, ăn nhiều đồ mềm, dễ tiêu. Có thể uống nước Oresol để bù điện giải cho cơ thể.
- Chỉ trong trường hợp bệnh nhân sốt trên 38.5 độ C mới nên dùng thuốc hạ sốt. Mỗi lần uống thuốc cần cách nhau ít nhất 4 đến 6 tiếng. Tránh dùng các loại thuốc như Aspirin hay Ibuprofen để hạ sốt vì những hoạt chất trong các loại thuốc này có khả năng gây xuất huyết tiêu hóa rất nguy hiểm.
Sốt xuất huyết nếu không được chăm sóc đúng cách có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng, tổn hao đáng kể chi phí y tế, thậm chí cướp đi tính mạng người bệnh. Vì thế, mỗi chúng ta cần chủ động tự giác phòng ngừa bệnh, loại bỏ muỗi vằn xung quanh gia đình, đồng thời phát hiện sớm các triệu chứng để điều trị bệnh kịp thời.
Phong Vũ
Theo Người đưa tin