Nước nhân trần được biết đến là thức uống mát, giúp thanh lọc, giải nhiệt và điều trị bệnh… Song liệu uống nhiều loại nước này tốt không và có gây ra phiền toái cho sức khỏe? Hôm nay hãy cùng SKGĐ tìm hiểu rõ nhé!
Nhân trần còn được gọi với các tên khác như hoắc hương núi, chè nội, chè cát, tuyến hương lam, mạo xạ hương… và có tên khoa học là Adenosma glutinosum. Là loài cây thân cỏ, mọc tự nhiên, phân bố chủ yếu tại một nước có khí hậu nhiệt đới và một số đảo tại khu vực Châu Á, cây sống lâu năm và có chiều cao từ 50-100cm.
Trong cây nhân trần có các thành phần hóa học tốt cho sức khỏe con người, các thành phần đó gồm: sampoin triterpenic, flavonoid, coumarin, acid nhân thơm và tinh dầu. Trong tinh dầu của thảo dược chứa khoảng 1% gồm paracymen, limonen, pinen, anethol,… Ngoài ra, một số nghiên cứu khác đã chiết tách từ phần thân cây một momo terpenoid peroxyd,…
Theo đông y, nhân trần được thu hái khi lúc đang ra hoa vào khoảng tháng 5 đến tháng 7. Sau khi thu hái, đem phơi khô để sử dụng làm thuốc. Vị thuốc này có vị cay, tính ấm, mùi thơm có công dụng thanh nhiệt, tiêu độc, trừ phong thấp, hành khí tán ứ, tiêu thũng độc, giảm đau, chống ngứa, tiêu viêm,…
Nhân trần còn được gọi với các tên khác như hoắc hương núi, chè nội, chè cát, tuyến hương lam, mạo xạ hương… |
Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, nhân trần có tác dụng làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ, làm hạ huyết áp, thúc đẩy tuần hoàn, giải nhiệt, giảm đau và chống viêm. Đặc biệt, loại thảo dược này còn có khả năng ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, thương hàn, phó thương hàn, mủ xanh, e.coli, lỵ, song cầu khuẩn gây viêm não, viêm phổi và một số loại nấm.
Trên lâm sàng, nhân trần đã được sử dụng để điều trị bệnh viêm gan truyền nhiễm cấp tính thể vàng da, vàng da tán huyết do thương hàn ở trẻ sơ sinh, giun chui ống mật, rối loạn lipid máu, thiểu năng mạch vành, eczema dai dẳng ở trẻ em, viêm loét miệng, nấm da…
Nhân trần được sử dụng làm trà để uống. Vậy nước nhân trần có tốt không, nước nhân trần có tác dụng gì? Một số công dụng của nước nhân trần có thể kể đến gồm:
- Thanh nhiệt, giải độc cơ thể.
- Điều trị viêm gan, tăng cường khả năng đào thải độc tố của gan.
- Tăng tiết mật, giúp lợi tiểu.
- Điều trị mất ngủ kinh niên.
- Hạ huyết áp
Công dụng của cây nhân trần |
Dựa vào kinh nghiệm dân gian, nhiều người tin rằng các loại nước giải nhiệt sẽ luôn an toàn và tốt cho sức khỏe. Vì vậy những loại thảo dược có tính giải nhiệt cao như nhân trần, cam thảo, hoa cúc, rễ tranh, mã đề… được rất nhiều bà nội trợ mua về đun sôi, để nguội rồi uống thay nước lọc, vừa tốt, vừa rẻ lại dễ làm. Tuy nhiên, có thông tin cho rằng uống nước từ nhân tràn lại hại thận
Bác sĩ Đông y Dương Văn Nội (Hội Đông y Việt Nam) cho biết: Các loại cây nhân trần, cam thảo, mã đề, rễ tranh đều có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt cơ thể, an thần, làm người dùng cảm thấy thoải mái. Tuy nhiên, không nên quá lạm dụng các loại nước từ các thảo dược này, bởi các cây này đều có tính lợi tiểu khá mạnh trong Đông y, làm mất cân bằng điện giải, tăng đào thải hoạt chất, kém hấp thu một số vi chất cần thiết cho cơ thể như canxi, K… lâu ngày sẽ có hại cho thận, dẫn tới suy thận.
Uống nhân trần liệu có hại thận hay không |
Ngoài ra, người dùng cũng nên tránh uống các loại nước mát để lạnh khi vừa đi nắng về. Khi đó độ lạnh của nước mát sẽ làm mồ hôi không thoát ra được, cơ thể không tản nhiệt được dễ làm tăng nguy cơ sốt. Nếu bạn uống lạnh quá mức cho phép sẽ làm cho các vi mạch máu trong dạ dày, ruột co thắt lại, dẫn đến niêm mạc thiếu máu, từ đó làm giảm chức năng tiêu hóa và sát khuẩn của dạ dày, ruột dẫn đến bị đau bụng, tiêu chảy cấp.
Bác sĩ Nội chia sẻ thêm: Nước mát tưởng chừng như một loại nước dễ uống và tốt cho tất cả mọi người, nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Những người mắc bệnh viêm dạ dày mãn tính, lạnh bụng, nên ít uống hoặc không nên uống các loại nước mát.
Người già, trẻ em (đặc biệt dưới 1 tuổi) cũng nên thận trọng với đồ uống mát, có tính giải nhiệt cao, vì chức năng tiêu hóa của người già và trẻ nhỏ không ổn định, khả năng hấp thụ cũng kém hơn, nếu uống nhiều nước mát, nhẹ thì sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa gây chướng bụng, tiêu chảy, chán ăn, nặng hơn thì có thể gây ra một số bệnh về đường ruột, mất nước, hôn mê.
- Không nên kết hợp nhân trần với cam thảo khi nấu nước mát. Vì theo Đông y, nhân trần có vị đắng, cay, tính hàn, lợi mật, nhuận gan, chủ trị viêm gan vàng da, viêm túi mật, giải cảm nhiệt, đau đầu, chảy nước mũi, đau họng, bụng đầy trướng, bị tiện... Còn cam thảo bổ khí, thanh nhiệt, giải độc, chủ trị các chứng tỳ vị hư nhược, ho suyễn, hầu họng sưng đau, giải độc thuốc và thức ăn, chống suy nhược… Trong các phương thuốc cổ truyền, cam thảo thường giữ vai trò là tá, nghĩa là có tác dụng dẫn thuốc vào kinh. Khi hai loại thảo dược này kết hợp cùng nhau sẽ gây giữ nước, phù nề cao, tai biến (vì cam thảo, nhân trần làm tăng huyết áp).
Lưu ý khi sử dụng nước nhân trần |
- Phụ nữ mang thai nếu không có chỉ định của bác sĩ tuyệt đối không được dùng nhân trần, cam thảo hoặc quá nhiều các loại nước mát khác. Vì uống nhiều sẽ làm mất sữa hoặc có rất ít sữa. Ngoài ra, các loại nước mát như nhân trần sẽ lợi tiểu thanh nhiệt, phụ nữ mang thai uống vào sẽ mất muối khoáng, các loại vi lượng nuôi thai, khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng, đẻ non, hoặc sinh con dị tật.
- Không nên uống nhân trần hằng ngày bởi theo nguyên tắc điều trị, khi bị viêm, tắc mật… thì mới cần lợi mật và khi gan có vấn đề thì mới phải nhuận gan. Nếu không có bệnh mà lại uống hàng ngày sẽ bắt gan và mật không có nhu cầu tiết cũng phải tiết, dẫn tới phải làm việc nhiều hơn nên dễ tổn thương, mất cân bằng và sinh bệnh.
- Cần lựa chọn nơi bán nhân trần uy tín để không mua phải loại nhân trần kém chất lượng hay loại nhân trần bị phun thuốc diệt cỏ làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Là loại nước bổ dưỡng song bạn cũng cần sử dụng hợp lý nước nhân trần để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cơ thể. Hãy ghi nhớ để sử dụng hợp lý nhé!
Đông Thảo