Hợp tác quảng cáo

Tàn phế vì tiêm thuốc giảm đau khớp

(SKGĐ) Việc tiêm thuốc giảm đau giúp người bệnh mau chóng thoát khỏi cơn đau, tuy nhiên nó sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề nhất là đối với nạn tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào khớp như hiện nay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước đây Bệnh viện E TW đã tiếp nhận bệnh nhân Vũ Quang Tr., (64 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định) bị nhiễm trùng khớp vai và khớp gối do tiêm trực tiếp thuốc giảm đau vào khớp. Khi thấy đau gối, ông Tr. đã tự tìm đến nhà một y sĩ về hưu và được người này tiêm cho 10 mũi thuốc trong 15 ngày trực tiếp vào khớp.

Sau tiêm, khớp của ông Tr., sưng to thêm, không đi lại được, kèm theo sốt và nhiễm trùng nên được gia đình chuyển đến Bệnh viện E Trung ương. Ngay sau đó, các bác sĩ của bệnh viện đã phải tiến hành mổ gấp để lấy ra 200ml mủ trong khớp và rửa khớp cho ông. Dù vậy, khả năng có thể đi lại được của ông Tr. hiện nay được đánh giá là rất thấp.

Người tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào khớp dễ dẫn tới các biến chứng như:

- Nhiễm khuẩn khớp tiêm dẫn đến viêm mủ: có thể hủy hoại xương khớp, dính khớp, nhiễm khuẩn huyết cho người bệnh.

- Mức độ đau tăng khi tiêm từ 12-24 giờ.

- Ảnh hưởng đến yếu tố xương: gây loãng xương, xốp xương.

- Teo cơ, mất sắc tố da tại vị trí tiêm, cứng khớp, mất chức năng vận động, có thể liệt toàn thân, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh nhân Nguyễn Văn H., (56 tuổi, Q.3, Tp.HCM) cho biết, hơn 7 tháng trước, ông bị đau khớp gối, nhất là buổi sáng khi bước xuống giường, đi lại đau đớn nên gia đình đưa ông đến khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy nổi tiếng về cơ xương khớp.

Nhưng khi đến đây, thấy bệnh viện quá đông và –phải mất công chờ đợi quá lâu nên ông đổi ý đến một phòng khám dịch vụ đa khoa được giới thiệu có cách điều trị mới là chỉ cần tiêm 3 mũi thuốc là hết đau. Ông đến và tiêm đủ 3 mũi, quả nhiên thấy hết đau thật.

Tuy nhiên, gần 2 tháng sau đầu gối ông lại sưng mộng và đau trở lại. Lần này ông cũng đòi đi khám ở các phòng khám ngoài, nhưng các con ông nhất quyết khuyên ông vào bệnh viện công chữa trị.

Tại đây ông được chẩn đoán nguyên nhân gây sưng gối là do 3 mũi thuốc giảm đau tiêm lần trước không tiêu tạo thành một khối đọng bầy nhầy gây viêm và hoại tử khớp gối.

Thế là ông H đã phải nhập viện phẫu thuật 2 lần để nối lại khớp gối. Sau mổ, vết thương của ông lại bị rò dịch kéo dài suốt mấy tháng, đau buốt và đi lại khó khăn. Vì vậy, ông phải tiếp tục vào viện để theo dõi điều trị hậu phẫu và tập đi tại Khoa ngoại Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất Tp.HCM.

Vì sao không nên tiêm thuốc giảm viêm khớp?

Hiện nay những trường hợp bị tai biến từ việc tiêm thuốc giảm đau như bệnh nhân Vũ Quang Tr. hay ông Nguyễn Văn H. diễn ra khá phổ biến tại các phòng khám tư nhân.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, BS. Trần Trọng Thiện (Nguyên bác sĩ Khoa Nội nhiễm, Bệnh Viện TW Quân đội 108) cho biết:

Bác sỹ Trần Trọng Thiện (Nguyên bác sỹ Khoa Nội Nhiễm, Bệnh Viện TW Quân đội 108)

BS. Trần Trọng Thiện (Nguyên bác sĩ Khoa Nội nhiễm, Bệnh Viện TW Quân đội 108)

Bệnh khớp có nhiều phương pháp chữa trị, và một trong những cách được sử dụng nhiều là tiêm thuốc giảm đau vào ổ khớp. Khi khớp bị viêm và đau, các bác sĩ sẽ tiêm thuốc vào đó để làm giảm sự khó chịu cho bệnh nhân.

Việc tiêm thuốc giảm đau trực tiếp vào khớp mang lại lợi ích nhất định, như sau khi tiêm các triệu chứng sưng, đau khớp giảm đi, giúp cải thiện vận động của người bệnh trong một thời gian ngắn.

Tiêm khớp có hiệu quả trong điều trị các bệnh khớp vì viêm màng hoạt dịch phóng ra cytokine và protease, khi tiêm corticoid (một loại thuốc giảm đau) làm ức chế cytokine và protease giúp giảm đau nhanh và có thể phát huy tác dụng tới 4-5 tháng. Tuy nhiên không phải trường hợp người mắc bệnh viêm khớp nào cũng dùng được phương pháp tiêm trực tiếp thuốc giảm đau này.

Thuốc giảm đau trong điều trị khớp (ví dụ cụ thể là corticoid) rất tốt trong việc kháng viêm, giảm đau nhưng nếu không đảm bảo vô trùng, nó sẽ gây nhiễm trùng và làm bệnh nặng hơn.

Các bác sĩ thường chống chỉ định tiêm corticoid vào ổ khớp trong các trường hợp viêm khớp, nhiễm khuẩn, tổn thương ngoài da vùng tiêm, tổn thương khớp do bệnh lý thần kinh, u xương khớp...

Phương pháp tiêm thuốc giảm đau khi đau khớp được áp dụng trong các trường hợp bị bệnh viêm khớp mãn tính, bệnh gút, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp…

Nếu lạm dụng tiêm khớp có thể dẫn đến liệt tay chân, làm cho bệnh tiến triển nhanh và trầm trọng hơn, đặc biệt là có thể nguy hiểm đến tính mạng (đối với bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp, suy giảm miễn dịch, các bệnh về máu…).

Một số lưu ý khi tiêm thuốc viêm khớp

Một lưu ý cần thiết là khi bệnh nhân khớp đã tiến hành tiêm và xuất hiện các triệu chứng nóng, đỏ, sốt và đau nhức ở vùng khớp thì cần đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

BS. Trần Trọng Thiện cũng nhấn mạnh, hiện nay có rất nhiều bệnh nhân thấy tác dụng nhanh của việc tiêm vào khớp nên đã chấp nhận điều trị theo phương pháp này. Và việc tiến hành tiêm diễn ra tại nhà hoặc nơi không đảm bảo vô khuẩn, đã gây ra những hậu quả đáng tiếc. Việc tiêm vào khớp dành cho trường hợp bệnh nhân dùng thuốc kháng viêm steroid không hiệu quả, các thuốc điều trị ít tác dụng.

Bác sĩ Thiện cũng nhắc nhở mọi người rằng thuốc là con dao hai lưỡi, bởi vậy sẽ không có lợi cho bạn nếu quá lạm dụng thuốc giảm đau.

 Lời khuyên cho bệnh nhân chữa khớp

- Không tự ý mua thuốc, không tiêm trực tiếp vào khớp, vì bệnh khớp là triệu chứng của nhiều bệnh nên cần phải khám tổng thể và có sự chỉ định của bác sỹ, do bác sỹ chuyên khoa nắm vững kỹ thuật tiến hành.

- Tuyệt đối không tiêm các lọai thuốc khác vì khả năng gây nhiễm trùng là rất cao.

- Khám, chữa trị và tiêm tại nơi có uy tín, có đủ năng lực, điều kiện sát trùng, sát khuẩn tốt.

- Thuốc tiêm phải được đảm bảo về chất lượng, tiêm đúng liều lượng.

- Không tiêm quá 3 lần mũi trong 1 năm, mỗi lần cách nhau 2 tháng.

- Nếu có sự nghi ngờ nhiễm khuẩn trong khớp thì không nên tiến hành tiêm.

- Có chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp với bệnh.

Thanh Thu

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Dinh dưỡng

Làm đẹp

Gia đình khỏe