Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là nguyên nhân tử vong thứ 2 trên thế giới, và đứng đầu tại Việt Nam. Trong các trường hợp sống sót sau đột quỵ, chỉ có 25% bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, số còn lại có nguy cơ tàn phế rất cao. Đáng lo ngại, đột quỵ hiện đang có xu hướng trẻ hóa, tăng mạnh ở độ tuổi từ 40-45, thậm chí xảy ra ở độ tuổi 20.
Hiểu thêm về đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu, hoặc khi dòng máu cung cấp đến não bị tắc nghẽn ngăn cản máu, oxy đến các mô của não. Không có oxy, các tế bào não, mô sẽ bị tổn thương và bắt đầu chết trong vòng vài phút, điều này lý giải vì sao người bị đột quỵ rất khó để hồi phục.
Đột quỵ là một tình trạng y tế nghiêm trọng đe dọa tính mạng, nếu được điều trị càng sớm, càng ít thiệt hại xảy ra. - (Ảnh: Freepik) |
Phân biệt các loại đột quỵ
Đột quỵ được chia thành 2 loại chính đó là: đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết. Các loại đột quỵ khác nhau đòi hỏi phác đồ điều trị và quá trình phục hồi khác nhau. Cụ thể là:
1. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Thống kê của Trung tâm Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy, đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm 85% các trường hợp đột quỵ. Nguyên nhân là do các mảng xơ vữa động mạch vỡ ra và làm tắc nghẽn mạch máu, khiến các động mạch cung cấp máu cho não bị thu hẹp hoặc bị tắc nghẽn. Hai loại đột quỵ do thiếu máu cục bộ phổ biến nhất là:
Đột quỵ do huyết khối: Xảy ra khi cục máu đông hình thành ở một trong những động mạch cung cấp máu cho não. Cục máu đông đi qua máu và bị vón cục, làm tắc nghẽn dòng chảy của máu.
Đột quỵ do tắc mạch: Một cục máu đông hoặc các mảnh vụn hình thành tại một bộ phận nào đó của cơ thể và di chuyển đến não gây tắc nghẽn.
2. Đột quỵ xuất huyết
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, khoảng 13% các ca đột quỵ là đột quỵ xuất huyết. Đây là tình trạng mạch máu bị vỡ hoặc rò rỉ, máu từ đó thấm vào hoặc xung quanh các mô của não, gây áp lực và làm tổn thương các tế bào não. Có 2 loại đột quỵ xuất huyết bao gồm:
Đột quỵ xuất huyết nội sọ: Là loại đột quỵ xuất huyết phổ biến nhất, xảy ra khi các mô xung quanh não chứa đầy máu sau khi động mạch bị vỡ.
Đột quỵ xuất huyết dưới nhện: Ít phổ biến hơn. Nó gây chảy máu ở khu vực giữa não và các mô bao phủ.
Ngoài 2 loại đột quỵ kể trên còn có một loại đột quỵ nhẹ gọi là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (Transient ischaemic attack - TIA). Đột quỵ dạng này xảy ra khi dòng máu đến não bị tắc nghẽn với các triệu chứng diễn biến tương tự như đột quỵ toàn bộ nhưng xảy ra tạm thời và biến mất sau vài phút hoặc vài giờ. Đây cũng chính là cảnh báo về nguy cơ mắc đột quỵ trong tương lai.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ?
Trước đây, đột quỵ thường xảy ra ở người lớn tuổi nhưng hiện nay, tỉ lệ người bị đột quỵ ngày càng trẻ hóa do các nguyên nhân sau:
1. Đột quỵ do thói quen
Thường xuyên căng thẳng: Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y khoa The Lancet (Anh) khẳng định răng: nguy cơ đột quỵ sẽ tăng lên 33% ở những người thường xuyên căng thẳng vì công việc, hoặc có thời gian làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần.
Căng thẳng thường xuyên rất dễ dẫn tới đột quỵ. - (Ảnh: Freepik) |
Uống nhiều rượu bia: Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Stroke cho rằng, những người uống nhiều rượu bia sẽ tăng 33% nguy cơ mắc đột quỵ. Bởi, rượu bia có thể làm tăng huyết áp - một trong những nguyên nhân chính dẫn tới đột quỵ.
Ít vận động: Tính chất công việc đòi hỏi ngồi nhiều khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở dẫn tới việc hình thành cục máu đông.
Thức khuya, rối loạn giấc ngủ: Thống kê từ bệnh viện Mount Sinai (Mỹ) cho thấy: người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có nguy cơ đột quỵ cao hơn 83% so với người ngủ đủ 7 - 8 giờ.
Hút thuốc lá: Các hóa chất trong thuốc lá làm đặc máu và tăng khả năng hình thành cục máu đông.
Thường xuyên ăn mặn: Nghiên cứu được thực hiện trên 2.600 người cho thấy những ai dùng quá 4.000 mg muối mỗi ngày có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 2,5 lần so với những người ăn ít hơn 1.500 mg mỗi ngày.
Với những thói quen xấu gây đột quỵ kể trên, bạn có thể dễ dàng soi chiếu xem chính mình hay những người thân có đang mắc phải hay không. Nếu có, hãy thay đổi ngay để tránh nguy cơ đột quỵ nhé!
2. Đột quỵ do bệnh lý
Cao huyết áp: Tạo điều kiện hình thành các cục máu đông, cản trở quá trình lưu thông máu lên não hay gây sức ép lên thành động mạch và dẫn đến xuất huyết não.
Bệnh tim mạch: Suy tim, rung tâm nhĩ, nhiễm trùng tim, rối loạn nhịp tim có nguy cơ đột quỵ cao.
Tiểu đường: Những người mắc tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 1,5 lần so với những người không mắc. Thiếu máu não thoáng qua: ⅓ bệnh nhân trải qua cơn thiếu máu cục bộ mà không được điều trị sẽ bị đột quỵ trong vòng một năm.
Cholesterol cao, thừa cân: Gây ra nhiều bệnh lý như mỡ máu, cao huyết áp, tim mạch và tăng nguy cơ đột quỵ.
Đột quỵ tái phát: Nếu đã từng bị đột quỵ, bạn sẽ có nguy cơ tái phát trong vài tháng đầu sau đó. Nguy cơ này kéo dài khoảng 5 năm và giảm dần theo thời gian.
Nếu mắc các bệnh lý kể trên, ngoài việc chữa trị tích cực, đừng quên loại trừ những thói quen thiếu lành mạnh để tránh xa đột quỵ.
7 di chứng nguy hiểm của đột quỵ
Nếu bạn nhận thấy rằng bạn hoặc ai đó có dấu hiệu đột quỵ, hãy gọi sự trợ giúp y tế ngay lập tức. Điều trị kịp thời là chìa khóa để ngăn ngừa tử vong và các di chứng như:
- Viêm phổi .
- Động kinh.
- Trầm cảm.
- Co cứng chi, tàn phế.
- Phù não - sưng não.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) và / hoặc bàng quang.
- Rối loạn lipid máu.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, đột quỵ có thể để lại di chứng tàn phế. - (Ảnh: Freepik) |
9 dấu hiệu điển hình cảnh báo cơn đột quỵ sớm, bạn cần nên biết
Việc mất lưu lượng máu đến não làm tổn thương các mô bên trong não. Dấu hiệu điển hình của đột quỵ sẽ biểu hiện ở những bộ phận cơ thể được kiểm soát bởi các vùng não bị tổn thương. Cụ thể, người đột quỵ sẽ có các dấu hiệu sau:
- Tê hoặc yếu ở cánh tay, mặt và chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể.
- Khó nói hoặc lời nói lắp bắp.
- Mắt mờ chẳng hạn như khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt.
- Khó đi lại.
- Mất thăng bằng.
- Chóng mặt.
- Đau đầu dữ dội, đột ngột không rõ nguyên nhân.
- Nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc thiếu phản ứng.
- Thay đổi hành vi đột ngột, đặc biệt là tăng kích động.
- Ngoài ra, bạn có thể nhận biết nguy cơ đột quỵ bằng quy tắc F.A.S.T
1. Face (Khuôn mặt): Dùng để chỉ tình trạng sụp mí hoặc tê ở một bên của khuôn mặt so với bên còn lại.
2. Arm (Tay): Một cánh tay yếu hơn hoặc tê liệt hơn cánh tay kia. Nếu một cánh tay bị ngã hoặc bắt đầu buông xuống, thì đây có thể là dấu hiệu của một cơn đột quỵ.
3. Speech (Lời nói): Không nói được, khó nói, nói không rõ lời hoặc nói lắp.
4. Time (Thời gian): Nếu xuất hiệu 3 dấu hiệu trên, cho thấy bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ cao, cần nhanh chóng gọi xe cấp cứu và đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế sớm nhất.
Những cách chẩn đoán sớm cơn đột quỵ
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân hoặc người đưa bệnh nhân đến viện về các triệu chứng và bệnh nhân đang làm gì khi chúng phát sinh. Sau đó, bác sĩ sẽ xem xét bệnh sử để tìm ra các yếu tố nguy cơ đột quỵ. Các hoạt động tiếp theo có thể là:
- Hỏi xem người bệnh đang dùng thuốc gì.
- Kiểm tra huyết áp.
- Nghe nhịp tim.
Và rồi, họ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe, sau đó sẽ làm một số xét nghiệm nhất định để hỗ trợ chẩn đoán đột quỵ. Các xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ xác định rõ rằng: Bạn có phải bị đột quỵ không? Điều gì đã khiến bạn bị như vậy? Phần nào của não đã bị tác động? Liệu đã chảy máu não chưa. Theo đó, các xét nghiệm để chẩn đoán đột quỵ bao gồm:
Xét nghiệm máu: Bác sĩ có thể lấy máu để làm một số xét nghiệm máu để xác định: lượng đường trong máu, máu có nhiễm trùng không, mức độ tiểu cầu và mức độ đông máu.
Chụp MRI và CT: Chụp MRI sẽ giúp các bác sĩ thấy được mô não hoặc tế bào não nào bị tổn thương. Trong khi đó, chụp CT sẽ cung cấp hình ảnh chi tiết và rõ ràng về não, cho thấy bất kỳ hiện tượng chảy máu hoặc tổn thương nào trong não. Nó cũng có thể cho thấy các tình trạng khác diễn ra bên trong não có thể gây ra các triệu chứng bạn đã gặp phải.
Đo điện tâm đồ (EKG): Bài kiểm tra đơn giản này ghi lại hoạt động điện trong tim, đo nhịp tim và ghi lại nhịp đập nhanh như thế nào. Điều này có thể xác định xem bạn có bất kỳ bệnh tim nào có thể dẫn đến đột quỵ, chẳng hạn như một cơn đau tim hoặc rung tâm nhĩ trước đó hay không.
Siêu âm động mạch cảnh (động mạch cung cấp máu cho mặt, cổ và não): Còn được gọi là quét hai mặt động mạch cảnh, nhằm để xem xét xem có chất béo lắng đọng (mảng bám) trong động mạch cảnh hay không. Siêu âm động mạch cảnh cũng có thể cho biết liệu các động mạch cảnh của bạn đã bị thu hẹp hoặc bị tắc nghẽn hay chưa.
Siêu âm tim: Có thể tìm thấy nguồn gốc của cục máu đông trong tim của bạn. Những cục máu đông này có thể đã di chuyển đến não và gây ra đột quỵ.
Những phương pháp điều trị đột quỵ phổ biến nhất hiện nay
Điều trị đột quỵ sẽ phụ thuộc vào loại đột quỵ mà bệnh nhân mắc phải. Cụ thể là:
1. Đột quỵ xuất huyết
Đột quỵ do chảy máu hoặc rò rỉ trong não đòi hỏi các chiến lược điều trị khác nhau. Các phương pháp điều trị đột quỵ xuất huyết bao gồm:
Điều trị bằng thuốc: Nếu bạn đang bị đột quỵ xuất huyết, mục tiêu điều trị là làm cho máu đông lại. Do đó, bác sĩ có thể chỉ định để bệnh nhân dùng thuốc để chống lại bất kỳ chất làm loãng máu nào bệnh nhân đang dùng. Bệnh nhân có thể được kê đơn các loại thuốc làm giảm huyết áp, giảm áp lực trong não, ngăn ngừa co giật và ngăn co thắt mạch máu.
Nút mạch máu bằng các vòng xoắn kim loại (coil): Bác sĩ sẽ đặt một ống dài từ động mạch đùi đến khu vực xuất huyết hoặc mạch máu bị suy yếu. Sau đó, họ lắp vòng xoắn kim loại vào khu vực thành động mạch yếu nhằm ngăn chặn lưu lượng máu đến khu vực này, từ đó giúp giảm chảy máu.
Vi phẫu thuật đặt kẹp túi phình động mạch não: Trong quá trình chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ có thể phát hiện sự phình ra hay phồng lên của một phần thành mạch máu não tại điểm thành mạch máu bị yếu chưa chảy máu hoặc đã ngừng chảy. Để ngăn nguy cơ chảy máu tiếp theo, bác sĩ sẽ thực hiện một phẫu thuật nhỏ đặt một chiếc kẹp ở đáy túi phình. Điều này cắt đứt nguồn cung cấp máu và ngăn ngừa mạch máu có thể bị vỡ hoặc chảy máu mới.
Phẫu thuật cắt túi phình: Nếu bác sĩ nhận thấy túi phình đã vỡ, họ có thể phẫu thuật để cắt túi phình và ngăn mất máu. Tương tự như vậy, phẫu thuật mở sọ có thể được chỉ định để giảm áp lực nội sọ sau một cơn đột quỵ lớn.
2. Đột quỵ thiếu máu cục bộ và cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)
Những loại đột quỵ này là do cục máu đông hoặc tắc nghẽn khác trong não. Vì lý do đó, phần lớn các bác sĩ áp dụng các kỹ thuật điều trị như nhau, bao gồm:
Thuốc chống kết dính tiểu cầu và thuốc chống đông máu: Aspirin ngoài tác dụng giảm đau, hạ sốt còn có thể chống lại tổn thương do đột quỵ. Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết dính tiểu cầu nên được dùng trong vòng 24 đến 48 giờ sau khi các triệu chứng đột quỵ bắt đầu.
Thuốc phá vỡ khối u: Thuốc làm tan huyết khối có thể phá vỡ cục máu đông trong động mạch não, ngăn chặn đột quỵ và giảm tổn thương cho não.
Phẫu thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học: Một ống thông sẽ được chèn vào mạch máu lớn bên trong đầu, và rồi các bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị để kéo cục máu đông ra khỏi mạch máu. Kỹ thuật này sẽ đạt được thành công nếu được thực hiện từ 6 đến 24 giờ sau khi xảy ra đột quỵ.
Đặt stent: Nếu bác sĩ đã tìm thấy nơi thành động mạch suy yếu, họ sẽ tiến hành thực hiện thủ thuật làm phồng động mạch bị thu hẹp và nâng đỡ thành động mạch bằng một stent.
Phẫu thuật: Trong một số trường hợp hiếm hoi mà các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông và các mảng bám khỏi động mạch. Điều này có thể được thực hiện bằng một ống thông, hoặc nếu cục máu đông quá lớn, bác sĩ có thể mở một động mạch để loại bỏ tắc nghẽn.
Làm thế nào để nhanh chóng phục hồi sau đột quỵ?
Điều quan trọng là phải bắt đầu phục hồi và phục hồi sau đột quỵ càng sớm càng tốt. Trên thực tế, quá trình hồi phục đột quỵ nên bắt đầu trong bệnh viện. Ở đó, bệnh nhân sẽ được các bác sĩ chăm sóc, theo dõi để giúp ổn định tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, họ cũng sẽ giúp đỡ đánh giá tác động của đột quỵ, xác định các yếu tố cơ bản và bắt đầu liệu pháp để giúp bệnh nhân lấy lại một số kỹ năng bị ảnh hưởng của mình. Phục hồi đột quỵ tập trung vào bốn lĩnh vực chính:
Liệu pháp ngôn ngữ: Đột quỵ có thể gây suy giảm khả năng nói và ngôn ngữ. Tại một số bệnh viện sẽ có nhà trị liệu ngôn ngữ giúp bạn học lại cách nói. Hoặc, nếu bạn cảm thấy khó giao tiếp bằng lời nói sau một cơn đột quỵ, họ sẽ giúp bạn tìm ra những cách giao tiếp mới.
Liệu pháp nhận thức: Sau một cơn đột quỵ, nhiều người sống sót có những thay đổi về khả năng suy nghĩ và lập luận của họ. Điều này có thể gây ra những thay đổi về hành vi và tâm trạng. Chuyên gia trị liệu nghề nghiệp có thể giúp bạn tìm cách lấy lại lối suy nghĩ và hành vi cũ cũng như kiểm soát những phản ứng cảm xúc thái quá.
Học các kỹ năng giác quan: Nếu phần não chuyển tiếp các tín hiệu cảm giác bị ảnh hưởng trong quá trình đột quỵ, bạn có thể nhận thấy các giác quan của mình bị “đơ” hoặc không còn hoạt động. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không cảm nhận được sự nóng, lạnh hoặc đau đớn... Chuyên gia trị liệu sẽ giúp bạn học cách điều chỉnh với tình trạng mất cảm giác này.
Vật lý trị liệu: Sau một cơn đột quỵ, sức mạnh và trương lực cơ có thể bị suy yếu và bạn có thể thấy mình không thể cử động cơ thể tốt như trước đây. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ giúp bạn lấy lại sức mạnh và sự cân bằng, đồng thời tìm cách điều chỉnh những khó khăn mà bạn đang gặp phải.
Tập vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh phục hồi sức mạnh và sự cân bằng sau một cơn đột quỵ. - (Ảnh: Freepik) |
7 cách giúp bạn ngăn ngừa đột quỵ hoặc đột quỵ tái phát
Bạn có thể thực hiện các bước để giúp ngăn ngừa đột quỵ bằng cách sống lành mạnh. Điều này bao gồm các biện pháp sau:
Hoạt động thể chất thường xuyên: Giúp giảm cholesterol và huyết áp, hai trong số những yếu tố nguy cơ lớn nhất dẫn đến đột quỵ. Theo đó, mỗi ngày hãy dành ra 30 phút để tập thể dục và ít nhất 5 lần/ tuần với các môn thể thao như: đi bộ, đạp xe, yoga...
Bỏ thuốc lá: Người hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp đôi so với người không hút thuốc. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc bỏ thuốc lá, hãy nhờ bác sĩ giúp đỡ.
Hạn chế rượu bia: Không có giới hạn an toàn nào cho việc uống rượu bia, vì vậy hãy hạn chế hoặc từ bỏ chúng hoàn toàn.
Giữ cân nặng hợp lý: Béo phì, cũng như các biến chứng liên quan đến nó (bao gồm huyết áp cao và tiểu đường) làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nếu bạn thừa cân, giảm ít nhất 5kg sẽ giúp tác động tích cực đến nguy cơ đột quỵ.
Ăn nhiều trái cây, rau xanh và các loại hạt: Khoai lang trắng, chuối, cà chua, mận khô, dưa, đậu nành, rau chân vịt rất giàu kali và magie giúp bạn duy trì huyết áp khỏe mạnh - yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ.
Hạn chế đồ chiên rán và thức ăn nhiều muối: Những loại thực phẩm dầu mỡ và nhiều muối có thể làm tăng khả năng bị đột quỵ vì nó có thể dẫn đến tăng huyết áp và mức cholesterol. Vì vậy hãy hạn chế ăn thực phẩm chiên rán và mỗi ngày không nên ăn quá 6g muối (khoảng 1 muỗng cafe).
Kiểm tra sức khỏe định kỳ: 6 tháng 1 lần với những người khỏe mạnh không có nguy cơ, 3 tháng 1 lần với những người có nguy cơ. Điều này nhằm mục đích phát hiện sớm các tình trạng sức khỏe như: trị số huyết áp, lượng đường và cholesterol trong máu bất thường - những nguyên nhân gây nên đột quỵ hoặc nguy cơ đột quỵ tái phát. Từ đó có hướng điều trị ngay lập tức.
Đừng quên kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát đột quỵ. - (Ảnh: Freepik) |
Mong rằng, qua bài viết trên bạn đã có thêm thông tin về đột quỵ (tai biến mạch máu não) - được mệnh danh sát thủ thầm lặng. Ai trong chúng ta đều có thể có nguy cơ đột quỵ, đừng nghĩ đột quỵ sẽ chừa mình ra vì mình còn trẻ để rồi đến lúc hối hận cũng đã muộn màng.
My Lê
Theo Người đưa tin