Hợp tác quảng cáo

Thuốc bổ dùng nhiều hóa độc dược

(SKGĐ) Với tâm lý uống gì bổ nấy nên nhiều người đã không ngần ngại cắt đủ loại thuốc bổ nhằm tăng cường sức khỏe. Nhưng khỏe đâu chưa thấy chỉ biết “tiền mất tật mang”.

 Thập tử nhất sinh vì thuốc bổ

Lập gia đình hơn 1 năm nay nhưng vẫn chưa có thai, chị Lương Thị Nhung 32 tuổi, ở Vĩnh Long đã uống thuốc Nam của thầy lang nhằm bổ sung năng lượng giúp cho việc có thai dễ dàng hơn. Sau khi sử dụng thuốc, chị bị ngộ độc nặng, phải nhập viện cấp cứu. Qua kết quả xét nghiệm máu cho thấy: Chị Nhung bị ngộ độc chì nặng với nồng độ chì trong máu là 59,02 mcg/dL, cao gấp 6 lần cho phép.

Chị Nhung cho biết “Do gia đình nhà chồng nóng lòng muốn có cháu bế, đồng thời chị cũng thấy trong người mệt mỏi nên chị mới cắt một vài thang thuốc dạng lá và 2 loại thuốc viên dạng vitamin tổng hợp, uống cùng để bổ sung năng lượng mong cho cơ thể khỏe mạnh, chuẩn bị cho việc mang thai. Sau 10 ngày dùng thuốc, chị Nhung thấy đau mỏi toàn thân, cảm giác trống ngực, đau bụng quằn quại… nên đã phải nhập viện điều trị”.

Trước đó, chị Nguyễn Thị Tĩnh 37 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai được gia đình cho nhập viện Đại học Y dược Tp.HCM trong tình trạng toàn thân suy kiệt, mặt mũi sưng tấy, người lả đi không biết gì. Qua chẩn đoán các bác sĩ cho biết chị Tĩnh bị dị ứng thuốc bổ.

Theo như thông tin từ gia đình chị Tĩnh cho biết: Trước đó, do bị đau mỏi xương khớp, ăn không ngon nên đã đi bốc thuốc Nam của một ông thầy lang được mệnh danh là “thần y chữa bách bệnh” ở Bình Phước. Sau khi uống hết cốc thuốc chưa đầy 1 giờ, đầu óc choáng váng, nước mắt chảy ròng, toàn thân nổi mẩn, mặt sưng vù nên chị phải nhập viện theo dõi.

Loại nào cũng có thể độc

Theo BS. Bùi Văn Khánh (Trung tâm Dị ứng Miễn dịch Lân Sàng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội): Thời gian qua, Trung tâm không chỉ tiếp nhận các trường hợp dị ứng với thuốc Tây y, Đông y, thuốc Nam… mà còn nhiều trường hợp phản ứng với các loại thuốc bổ dạng vitamin, thuốc bổ giúp tăng chất nhờn của khớp, thậm chí cả thực phẩm chức năng.

Vì trong thành phần của các loại thuốc bổ Đông y, thuốc gia truyền, thuốc Nam… này đều chứa một hàm lượng chì vượt quá ngưỡng cho phép của ngành y tế. Chì là một chất cực độc gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho con người, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em. Nó có thể gây phát ban đỏ toàn thân, ngứa, viêm da, phù nề suy gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ... khiến người bệnh bị đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt mắt, mất tiếng nói, sau đó co giật từng cơn, có thể nhầm với bệnh động kinh, rồi dẫn tới tử vong.

Còn theo dược sĩ Lê Thị Thanh (Công ty Dược IMS Việt Nam): Không chỉ các loại thuốc bổ cổ truyền, thuốc Đông y, thuốc Nam mới gây ngộ độc cho con người, mà ngay cả các loại thuốc Tây y như là các loại vitamin cũng có khả năng gây ngộ độc cho co người, nếu lạm dụng.

Dược sĩ Lê Thị Thanh
Dược sĩ Lê Thị Thanh

Chẳng hạn, vitamin A gây ngộ độc đau nhức xương, vitamin C gây sỏi thận hoặc đau dạ dày, vitamin D gây co giật, hay lạm dụng canxi dễ gây táo bón hoặc sỏi thận... Đó là chưa kể đến các tác dụng phụ khác như buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, mệt mỏi, chán ăn…

Khuyến cáo

Dược sĩ Lê Thị Thanh khuyến cáo: Hiện nay, trên thị trường xuất hiện rất nhiều dạng thuốc bổ từ Đông y, thuốc Nam, đến các loại thuốc bổ Tây y bổ sung vitamin đơn thuần đều gây ra những nguy hại nhất định. Vì vậy, khi dùng thuốc bổ dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng nên có sự chỉ định kê đơn của bác sĩ.

Người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi thật sự cần thiết và có sự hiểu biết tối thiểu về cách dùng. Khi đang dùng thuốc, nếu xảy ra các phản ứng bất thường như ngứa, nổi mề đay, khó thở, hoặc cảm thấy rất khó chịu thì ngừng ngay thuốc, đến tái khám ở bác sỹ đã chỉ định thuốc để có xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc.

Không nên sử dụng các loại vitamin và thực phẩm chức năng nếu như không cần thiết, vì các loại thực phẩm chức năng như thuốc bổ não, thuốc hỗn hợp thần kinh được quảng cáo có công dụng tuyệt vời trong việc bổ trợ trí nhớ, tăng cường khả năng học tập của học sinh, nhất là khi bước vào mùa thi.

Tuy nhiên, rất nhiều bệnh nhân đã từng phải nhập viện điều trị vì ngất xỉu, mê sảng, thần kinh bị kích động, rối loạn trí nhớ sau nhiều ngày uống thuốc bổ để tăng cường trí nhớ. Vì các loại thuốc này thường kết hợp nhiều dược liệu không rõ nguồn gốc, khiến người dùng gặp nguy hiểm.

Bổ sung vitamin cũng cần học

Vitamin A

- Nếu vitamin A kết hợp với các thuốc hạ huyết áp có thể làm tăng tác dụng của các thuốc này và dẫn tới hạ huyết áp quá mức

- Dùng vitamin A cùng thuốc tránh thai sẽ làm giảm tác dụng của thuốc tránh thai.

- Dùng vitamin A với thuốc chống đông sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.

- Dùng nhiều vitamin A có thể gây thừa dẫn tới người bị lùn, gầy còm, suy dinh dưỡng.

Vitamin D

Dùng vitamin D liều cao dài ngày gây tích lũy thuốc, làm tăng canxi trong máu, gây mệt mỏi, chán ăn, nôn, tiêu chảy, đau nhức xương khớp, có thể gây tổn thương thận và tăng huyết áp.

Canxi

- Canxi có thể làm giảm sự hấp thu của cơ thể đối với nhiều loại thuốc.

- Việc dùng quá nhiều canxi có thể dẫn tới các bệnh như sỏi thận, bệnh tim mạch, viêm loét dạ dày, tá tràng.

Có thể bạn chưa biết?

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm khoa học Phần Lan, Na Uy, Mỹ được công bố trên tạp chí Archives of Internal Medicine đã tìm hiểu ảnh hưởng dài hạn của những loại thuốc bổ và khoáng chất quen thuộc như vitamin, A, B, C, axit folic, sắt, magie và đồng… lên 39.000 phụ nữ từ 55-69 tuổi, nghiên cứu này được tiến hành trong suốt 18 năm.

Kết quả là những người thường uống thực phẩm bổ sung vi chất sẽ tăng nguy cơ chết sớm lên 18%.

- Axit folic sẽ làm tăng nguy cơ tử vong lên gần 6%,

- Sắt làm tăng nguy cơ này lên 4%.

- Vitamin A, C là tăng nguy cơ lên 2,4%,

- Riêng vitamin B6 là 4%,

- Magie là 3,6%

- Kẽm là 3%.

Theo chuyên đề

Sức khỏe gia đình (NXB Y học)

Tin cùng chuyên đề

TIN KHÁC

Dinh dưỡng

Làm đẹp

Gia đình khỏe