Bệnh ung thư gan đang được ghi nhận là có tỷ lệ tăng cao trong thời gian gần đây, nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ lối sống cùng thói quen ăn uống không lành mạnh của mọi người.
Sẽ ra sao nếu không may mắc bệnh ung thư gan?
Theo như đánh giá từ các chuyên gia y tế, dù không nguy hiểm như bệnh ung thư phổi nhưng ung thư gan có thể gây nguy hại đến sức khoẻ của người bệnh rất nhiều, đồng thời bào mòn đời sống tinh thần của họ theo thời gian. Bệnh diễn biến càng lâu, tinh thần và sức khỏe của người bệnh lại càng khánh kiệt. Bệnh ung thư gan nếu để đến giai đoạn di căn, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng của những bộ phận khác trong cơ thể.
Cụ thể, những biến chứng của căn bệnh ung thư gan bao gồm suy gan, xảy ra khi gan không thể thực hiện đầy đủ chức năng của nó. Khi di căn qua phổi sẽ gây tình trạng ho ra máu, di căn màng não gây ra phù não có máu, di căn qua xương gây ra đau tại cục bộ hoặc gãy xương bệnh lý, di căn qua cột sống hay chèn ép dây thần kinh tuỷ có khả năng bị liệt nửa người.
Nếu duy trì những thói quen không lành mạnh trong lối sống và chế độ ăn uống hằng ngày này, nghĩa là bạn đang “bức tử” gan của mình
1. Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu đạm, chất béo và chất bảo quản
Gan là bộ phận chịu trách nhiệm chính trong việc chuyển hoá protein và axit amin, đồng thời đào thải độc tố trong cơ thể. Do đó, khi bạn nạp quá nhiều thực phẩm giàu đạm sẽ gây ra tình trạng dư thừa protein, buộc gan phải hoạt động liên tục và gắng sức hơn trong việc chuyển hoá. Đặc biệt là khi bạn tiêu thụ các loại thực phẩm dồi dào đạm như thịt đỏ hoặc nội tạng động vật còn có khả năng làm tăng hàm lượng cholesterol, gây nhiều nguy cơ khác cho sức khỏe.
Đặc biệt khi bạn ăn các loại thực phẩm được chế biến theo hình thức chiên, nướng thì càng làm tăng chất béo xấu buộc gan phải xử lý. Không những thế, khi thực phẩm chứa các chất đạm, chất béo trải qua quá trình chiên, nướng ở nhiệt độ cao sẽ bị biến chất, sinh ra các độc tố nguy hiểm không chỉ gây ung thư gan mà còn là các bộ phận khác trong cơ thể. Và nếu bạn có thói quen tái sử dụng dầu ăn khi chế biến thì tỷ lệ mắc ung thư gan sẽ tăng cao gấp trăm lần.
Một thói quen khác của người trẻ chúng ta là thường ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn, hoặc thức ăn nhanh nhưng lại không biết định lượng chất béo xấu, natri và chất bảo quản trong các mỗi món ăn này là vô cùng cao, hấp thụ một cách quá đà sẽ gián tiếp gây hại tới gan của mình, tăng nguy cơ béo phì và ung thư. Vì vậy, trong chế độ ăn uống của mình, bạn nên hạn chế các loại đồ ăn chiên nướng, chỉ nên dùng ở mức độ vừa phải, và nếu được thì dùng thực phẩm luộc, hấp vẫn tốt nhất.
|
Nạp vào cơ thể quá nhiều thực phẩm có hàm lượng muối, chất bảo quản và chất béo xấu cao như thức ăn nhanh sẽ gây hại tới gan của bạn (Ảnh: Internet) |
2. Ăn thực phẩm sống
Thói quen ăn thực phẩm sống, đặc biệt là hải sản sống như cá, tôm, bạch tuộc cũng là một cách gây ra bệnh ung thư gan vô cùng phổ biến. Nguyên nhân là do trong hải sản sống có sán lá gan chứa chất Opisthorchis viverrini gây ra ung thư. Chất này khi đi vào vào cơ thể chúng ta sẽ gây bệnh bằng cách đột biến các tế bào có hại, kích thích tăng trưởng khối u đồng thời ngăn chặn các tế bào chết bình thường. Các loại có nguy cơ cao gây sán lá gan mà bạn cần lưu ý có thể kế đến như cá cóc, cá ngựa chấm, cá rầm đất, cá he vàng, cá linh thùy. Ngoài ra là các loại thực phẩm ăn tái như thịt bò, trâu và các loại rau thuỷ sinh không qua nấu chín như rau nhút, rau muống, ngó sen. Để tránh các nguyên nhân gây tổn thương gan, bạn vẫn nên ăn chín – uống sôi, để gan hoạt động thuận lợi đồng thời an toàn cho sức khỏe.
|
Sán lá gan trong thực phẩm sống có chứa chất gây ung thư mà chúng ta không hề biết (Ảnh: Shutterstock) |
3. Sử dụng đồ uống có cồn và các loại đường hóa học
Ta thường thấy rất nhiều trường hợp những người thường xuyên tiêu thụ hoặc lạm dụng rượu, bia rất dễ mắc các bệnh lý về gan. Nguyên nhân là do lượng lớn cồn chứa trong các thức uống này sẽ khiến các tế bào gan phải cật lực làm việc liên tục để thực hiện chức năng giải độc cho cơ thể. Tuy nhiên, khả năng của gan cũng có giới hạn nhất định, nếu tình trạng này diễn ra với tần suất dày đặc, lâu dần sẽ khiến các tế bào gan mệt mỏi và dẫn đến tình trạng bị tổn thương, hoại tử, và khả năng giải độc hoàn toàn chất cồn sẽ không hoạt động trơn tru như trước nữa. Lúc này, gan và toàn bộ cơ thể bị đầu độc, dẫn đến chứng bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan do rượu bia.
Bên cạnh đó, nếu bạn sở thích ăn các loại bánh kẹo chế biến sẵn, nước ngọt, nước giải khát đóng chai, các loại trà sữa chứa rất nhiều đường, đặc biệt là đường fructose hay đường hoá học (chất ngọt nhân tạo) một cách vô tội vạ sẽ khiến cơ thể tăng cân không kiểm soát, gây béo phì, tăng vòng bụng, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ, rối loạn lipid máu. Ngoài ra, màu nhân tạo trong các thực phẩm này cũng có khả năng gây độc cho gan.
4. Thức khuya
Một thông tin mà bạn cần lưu ý, hãy đi tránh thức khuya vì khoảng thời gian từ 23h - 1h mỗi ngày sẽ là khoảng thời gian mà gan thực hiện chức năng sàng lọc và đào thải các chất độc ra khỏi cơ thể. Do đó, bạn phải ngủ sâu từ khoảng 1h -3h để quá trình này được diễn ra tốt nhất, 3h - 5h, gan sẽ “chạy nước rút” để kết thúc giai đoạn thực hiện chức năng và nghỉ ngơi, cho đến tầm từ 5h - 7h - đây sẽ là thời gian vàng cho bạn tỉnh dậy và đi vệ sinh, để đẩy hết các độc tố đã được gan thanh lọc ra ngoài. Chính vì vậy, nếu bạn thức khuya liên tục, quy trình đào thải của gan sẽ bị gián đoạn và xáo trộn, hệ quả là dẫn tới bệnh lý về gan và lâu dần kéo theo ung thư gan.
|
Thức khuya - vốn được xem là “kẻ giết người thầm lặng” là nguyên nhân gây ra sự gián đoạn trong quá trình “làm việc” của gan (Ảnh: Pixabay) |
5 Sử dụng quá thường xuyên các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng
Bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, dù là loại có cần kê đơn hay không thì ngoài hiệu quả trị liệu cũng sẽ mang đến các tác dụng không mong muốn, và sẽ ít nhiều đều ảnh hưởng đến gan vì gan là nơi chuyển hóa thuốc của cơ thể. Bệnh nhân mắc bệnh về gan phải có sự điều chỉnh liều lượng so với người bình thường khi sử dụng một số loại thuốc. Vì vậy, bạn cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ khi dùng thuốc, đặc biệt khi dùng một loại thuốc thường xuyên trong thời gian dài.
5 điều cần làm để luôn có một lá gan khỏe mạnh
Sẽ không còn cách nào hiệu quả hơn để giữ gìn sức khoẻ cho gan của bạn bằng cách thiết lập - duy trì lối sống khoa học và chế độ ăn uống lành mạnh:
- Cân bằng chế độ dinh dưỡng khoa học, cân đối: bổ sung nhiều rau quả, chất xơ và vitamin; vừa đủ lượng tinh bột, chất đạm và chất béo. Hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, chiên nướng.
- Kiểm soát cân nặng phù hợp với thể trạng của mình: thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để tăng cường quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng như nâng cao sức khoẻ.
- Uống đủ nước (khoảng 2 đến 2,5L/ngày): để quy trình thải độc của gan diễn ra thuận lợi và nhanh chóng hơn. Đặc biệt sau khi dùng rượu, bia phải tăng cường cung cấp nước cho cơ thể.
- Đi ngủ đúng giờ: ngủ sớm và đảm bảo đủ giấc để gan cũng như toàn bộ cơ thể có thời gian hồi phục tốt nhất.
- Tầm soát các bệnh lý về gan hoặc theo dõi sức khoẻ của gan theo định kỳ.
Bạn thấy đấy, những tổn hại về ung thư gan mang tới cho chúng ta quả thật khó lường, mà nguyên nhân lại bắt nguồn từ lối sống cũng như thói quen ăn uống hằng ngày của mỗi người. Chúng ta cần nhận thức rằng cơ thể là một hệ thống có liên kết chặt chẽ, được vận hành bởi sự móc nối của các cơ quan với nhau, nếu bạn để một bộ phận bị tổn hại sẽ dẫn theo nhiều biến chứng ở các bộ phận khác. Chính vì vậy, không chỉ để ngăn ngừa ung thư gan mà còn là các bệnh lý khác, hãy từ bỏ các thói quen xấu và xây dựng lại chế độ dinh dưỡng của mình nhé.
Quỳnh Giang
Theo Người đưa tin