Viêm não virus là một trong những bệnh truyền nhiễm do côn trùng phổ biến ở Việt Nam, gây tổn thương não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Bệnh xuất hiện quanh năm, đỉnh điểm là tháng 6-8. Trẻ em và người già là những đối tượng có nguy cơ nhiễm cao.
![]() |
Viêm não virus là một trong những bệnh truyền nhiễm do côn trùng phổ biến ở Việt Nam. |
Viêm não do virus là tình trạng viêm nhu mô não do virus gây ra. Đây là loại viêm não phổ biến nhất và thường cùng tồn tại với viêm màng não do virus. Virus xâm nhập vật chủ bên ngoài hệ thống thần kinh trung ương và sau đó đến tủy sống và não qua đường máu lan truyền hoặc theo đường ngược dòng từ các đầu dây thần kinh.
Khi vào trong máu, virus sẽ di chuyển đến não, nơi chúng bắt đầu nhân lên. Cơ thể nhận thấy sự xâm nhập và phản ứng hệ thống miễn dịch. Điều này làm cho não sưng lên. Sự kết hợp giữa nhiễm trùng và đáp ứng miễn dịch tạo ra các triệu chứng điển hình của viêm não virus.
Biến chứng tiềm ẩn nghiêm trọng nhất do viêm não virus là tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ em dưới một tuổi và người lớn trên 55 tuổi dễ bị các biến chứng đe dọa tính mạng hơn.
Nhiều loại virus khác nhau có thể gây viêm não, có thể phân loại thành ba nhóm: virus thông thường, virus thời thơ ấu và virus arbovirus.
Virus Herpes
![]() |
Virus Herpes là loại virus phổ biến nhất gây viêm não. |
Loại virus phổ biến nhất gây viêm não ở các nước phát triển là herpes simplex virus (HSV). Viêm não do Herpes simplex (HSE) có thể do nhiễm HSV mới hoặc do tái hoạt nhiễm herpes tiềm ẩn từ trước. Viêm não do Herpes simplex có xu hướng nghiêm trọng nhất khi nó ảnh hưởng đến trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Hầu hết người lớn mắc HSE đều trên 50 tuổi.
Virus herpes thường di chuyển qua một dây thần kinh đến da, nơi nó gây ra vết loét lạnh. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, virus di chuyển đến não. Dạng viêm não này thường ảnh hưởng đến thùy thái dương – phần não kiểm soát trí nhớ và lời nói. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến thùy trán, phần kiểm soát cảm xúc và hành vi. Viêm não do herpes gây ra rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tổn thương não nghiêm trọng và tử vong.
Có hai loại virus herpes simplex riêng biệt:
- Virus Herpes simplex 1 (HSV-1) gây ra hầu hết các trường hợp viêm não do herpes ở trẻ em và người lớn. HSV-1 là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng miệng, nhưng nó cũng có thể gây ra mụn rộp sinh dục.
- Virus Herpes simplex 2 (HSV-2) gây ra hầu hết các trường hợp viêm não ở trẻ sơ sinh. Virus này được truyền từ người mẹ bị nhiễm bệnh trong khi sinh con. HSV-2 là nguyên nhân chính gây ra mụn rộp sinh dục, nhưng nó cũng có thể gây nhiễm trùng miệng.
Viêm não do Herpes simplex là loại viêm não do virus duy nhất có thể điều trị được.
Arbovirus
Arbovirus được truyền qua các côn trùng hút máu như muỗi và bọ ve. Arbovirus nhân lên trong các vectơ hút máu. Trên thực tế, từ arbovirus là từ viết tắt của ARthropod-BOrne virus. Các arbovirus khác nhau gây ra các dạng viêm não khác nhau. Mặc dù căn bệnh tổng thể giống nhau, nhưng có sự khác biệt nhỏ về các triệu chứng và loại tổn thương não mà chúng tạo ra.
Hiếm xảy ra các trường hợp mắc viêm não do virus thời thơ ấu, bao gồm: thủy đậu (rất hiếm), bệnh sởi, rubella.
Đường xâm nhập của virus thay đổi tùy theo từng loại virus gây bệnh. Có nhiều virus có thể lây truyền từ người sang người. Một số trường hợp viêm não lại do sự tái hoạt động của virus trong cơ thể như herpes simplex virus. Muỗi và các côn trùng truyền bệnh thông qua đường vào từ các vết đốt. Bệnh dại có đường vào từ các vết cắn của một số động vật. Với một số virus như varicella-zoster virus (VZV) và virus vùi hạt cự bào (cytomegalovirus: CMV) thì tình trạng suy giảm miễn dịch đóng một vai trò quan trọng trong sự phát sinh bệnh.
Thông thường virus nhân lên bên ngoài hệ thống thần kinh trung ương và đi vào hệ thống này hoặc bằng đường máu hoặc đi ngược theo các dây thần kinh (bệnh dại, herpes simplex virus và varicella-zoster virus) và đường khứu giác (herpes simplex virus). Nguyên nhân của các trường hợp viêm não chậm như viêm não xơ hóa bán cấp tiến triển (subacute sclerosing panencephalitis: SSPE) sau sởi, bệnh lý chất trắng đa ổ tiến triển (progressive multifocal leukoencephalopathy: PML) vẫn chưa được hiểu tường tận.
![]() |
Côn trùng có thể truyền virus gây bệnh. |
Như vậy, một người có thể bị nhiễm virus qua các phương thức lây truyền sau:
- Ho hoặc hắt hơi từ một người nhiễm bệnh giải phóng virus trong không khí, sau đó người khác hít phải;
- Côn trùng bị nhiễm bệnh (như muỗi hoặc ve) và động vật, có thể truyền một số virus trực tiếp vào máu qua vết cắn của chúng;
- Ăn thực phẩm bị ô nhiễm;
- Việc truyền một số virus có thể xảy ra thông qua việc chạm vào người bị nhiễm bệnh;
- Có bằng chứng cho thấy rằng một số trường hợp viêm não virus là do nhiễm virus không hoạt động (như virus herpes simplex) trở lại hoạt động.
![]() |
Người bị viêm não có thể gặp những triệu chứng rất nhẹ hoặc không có triệu chứng. |
Các triệu chứng của viêm não thường xuất hiện trong vài ngày đến vài tuần kể từ khi tiếp xúc với virus. Một số người không có hoặc rất nhẹ triệu chứng. Trong các trường hợp khác, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng.
Trong trường hợp nhẹ hơn, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Nhức đầu nhẹ
- Sốt nhẹ
- Đau cơ và khớp
- Ăn mất ngon
- Mệt mỏi
- Buồn nôn và ói mửa
Các triệu chứng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức bao gồm:
- Sốt cao
- Nhức đầu dữ dội
- Cổ và lưng cứng
- Nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng)
- Lú lẫn
- Buồn ngủ và khó tỉnh táo
- Các vấn đề về lời nói, thính giác và thị lực
- Yếu cơ
- Tê liệt một phần
- Co giật
- Mất trí nhớ đột ngột
- Mất ý thức
- Hôn mê
Các triệu chứng ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị viêm não do virus herpes có thể phát triển các tổn thương trong miệng, trong mắt, hoặc trên da từ 1 đến 45 ngày sau khi sinh. Các triệu chứng khác ở trẻ sơ sinh có thể bao gồm sốt, ngủ lịm, bú kém, khó chịu, quấy khóc nhiều hơn bình thường, nôn mửa và cứng cơ thể. Thóp, những điểm mềm trên đầu nơi hộp sọ chưa đóng lại, có thể phình ra bên ngoài.
![]() |
Trẻ em và người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc viêm não virus. |
Viêm não là một bệnh tương đối hiếm gặp. Những người có nguy cơ mắc bệnh viêm não cao nhất và các biến chứng của nó bao gồm trẻ em, người cao tuổi và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu. Tuy nhiên cũng có một số yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh.
- Tuổi: Một số viêm não thường xuất hiện hơn và/hoặc nặng nề hơn ở trẻ em hoặc người già.
- Suy giảm miễn dịch: Bệnh nhân suy giảm miễn dịch do bệnh hoặc do điều trị hoặc do ghép tạng có nguy cơ cao hơn.
- Vùng địa lý: Vùng nhiệt đới thường có nguy cơ viêm não cao hơn, nhất là viêm não do các arbovirus.
- Các hoạt động ngoài trời: Những người có hoạt động ngoài trời nhiều như làm vườn, chăn nuôi lợn, nghiên cứu chim, nghĩa là có nguy cơ tiếp xúc nhiều với muỗi sẽ dễ bị mắc bệnh hơn.
- Mùa trong năm: Các tháng nóng ấm mùa hè là mùa sinh sản của chim và muỗi do đó các bệnh viêm não do arbovirus tăng cao hơn. Vào mùa đông xuân, viêm não do virus ruột có thể gặp nhiều hơn.
Những người sống sót sau đợt viêm não nặng thường gặp phải những hậu quả về thần kinh, có thể lâu dài và thậm chí vĩnh viễn. Mức độ và loại tổn thương não có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng và từ khu trú (ở một phần não) đến đa ổ (một số phần của não) đến lan tỏa (khắp não).
Vị trí và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng quyết định phần lớn kiểu tổn thương não và ảnh hưởng của nó, có thể là:
- Thể chất (ảnh hưởng đến cơ)
- Hành vi và cảm xúc (thay đổi tính cách)
- Nhận thức (gặp vấn đề về trí nhớ, lời nói)
- Giác quan (thị giác, thính giác)
Mặc dù hôn mê có thể xảy ra ở những người bị viêm não nặng, nhưng nó có thể không xảy ra biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong. Một số người chỉ gặp các biến chứng từ nhẹ đến trung bình sau khi tỉnh dậy sau hôn mê do viêm não.
Để chủ động phòng chống bệnh viêm não virus, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và và đúng lịch.
2. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy.
3. Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
4. Thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín.
5. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh.
6. Nếu có các dấu hiệu: sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê…) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Theo Báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến giữa tháng 6/2022, cả nước có 110 trường hợp mắc bệnh viêm não virus, trong đó có 3 người tử vong. Thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho virus viêm não phát triển và xâm nhập, các bậc phụ huynh cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết, giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho trẻ, đồng thời chủ động tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để giúp con yêu được bảo vệ tốt nhất trước mọi nguy cơ lây nhiễm virus viêm não.
Thanh Thanh
Theo Người đưa tin