Tuổi đẹp nhất của người phụ nữ khi mang thai và sinh con là trước 30, nhưng không phải ai cũng có thể lên kế hoạch được cuộc đời mình. Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ đến tuổi tứ tuần mới sinh con.
Nỗi buồn hiếm muộn và niềm vui bất ngờ
Chị Minh Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) lấy chồng đã lâu nhưng chẳng có con, mẹ chồng thường bóng gió bảo chị là “gà không biết đẻ trứng”. Bà còn đi rêu rao với hàng xóm, nói chị là đồ con dâu bất hiếu, không biết đẻ con cho chồng. Mới đầu chị cũng tủi thân, uất ức nhưng dần dần chị thấy hoảng sợ và lo lắng. Chị bàn với chồng đi khám xem có vấn đề gì không.
Giây phút cầm kết quả trên tay chị chết lặng người. Thì ra bấy lâu nay mẹ chồng chửi chị cũng chẳng oan, kết quả chuẩn đoán cho biết tử cung chị bị hẹp, khả năng mang thai rất khó khăn. Chị lo lắng, nếu không có con thì hôn nhân của chị sẽ thế nào? Dù chồng yêu chiều và quan tâm mình nhưng đó là trước đây còn bây giờ thì sao?... những câu hỏi đó đã khiến chị chị bắt đầu suy sụp.
Thực tế đã chứng minh mọi lo lắng của chị quả là không thừa. Từ khi biết chị khó có khả năng mang thai, mẹ chồng đối với chị càng đay nghiến hơn. Đến khi chị thấy bà xúi con trai kiếm vợ khác hoặc ra ngoài kiếm phụ nữ để sinh con thì giới hạn chịu đựng cũng hết, chị nói chuyện thẳng thắn với chồng rằng chị sẵn sàng ra đi để anh tìm một người phụ nữ khác có thể sinh con cho anh. Nhưng chồng chị chỉ cầm tay chị và nói: “Đời này anh chỉ lấy một vợ, đó là em. Chuyện con cái thì từ từ anh không vội. Bây giờ y học ngày càng phát triển anh không tin là chúng mình không thể có con.”
Vì những lời nói đó, chị đã cố gắng chữa trị suốt 8 năm đằng đẵng nhưng tất cả kết quả chị thu được đều gói gọn trong hai từ “hy vọng”. Khi bước sang tuổi tứ tuần, những hy vọng trong chị gần như đã tắt ngấm thì bất ngờ một hôm chị bị ngất, gia đình đưa chị vào viện. Lúc tỉnh lại chồng chị mỉm cười đưa cho chị tờ giấy xét nghiệm.
Cầm trên tay tờ giấy xét nghiệm xác định chị đã có thai được 2 tháng mắt chị nhòa đi rồi ôm chầm lấy chồng. Những giọt nước mắt hạnh phúc như trút hết những gánh nặng bao năm nay chị chịu đựng. Giờ phút này chị thấy biết ơn ông trời đã có mắt, biết ơn thượng đế đã để chị được làm mẹ và biết ơn chồng chị đã luôn bên cạnh chị.
Ảnh minh họa |
Ổn định kinh tế mới tính chuyện gia đình
Cũng làm mẹ lần đầu khi đã bước sang đầu 4 nhưng trường hợp của chị Ngà (Chính Kinh, Hà Nội) không phải do lỗi lầm của tạo hóa mà là do quyết định của chính mình. Và cũng vì điều đó mà trong một thời gian dài chị đã phải sống trong ân hận vì đã kết hôn quá muộn.
Ngày còn trẻ chị Ngà chỉ chú tâm vào công việc với hy vọng sẽ có được sự nghiệp ổn định rồi mới lo đến chuyện chồng con. Nhưng thời gian có biết chờ ai, khi sự nghiệp ổn định, tính lo đến chuyện chồng con thì chị đã tứ tuần. Quen nhau vội vàng, cưới nhau vội vàng rồi sinh con còn vội vàng hơn khiến cho từ lúc lấy chồng đến giờ chị không có giây phút nào thanh thản. Công việc và con cái chiếm hết thời gian và tâm trí của cả hai vợ chồng khiến cho chị và chồng không có thời gian bồi dưỡng tình cảm.
Trước khi lấy chồng chị còn mơ mộng cuộc sống hai người hạnh phúc, vợ giả vờ giận dỗi, chồng cuống quýt dỗ dành nghĩ mà đẹp và ấm áp biết bao. Nhưng thực tế thì lại khác xa một trời một vực. Giờ đây chị hận không kết hôn sớm để có nhiều thời gian bên nhau, nhiều thời gian cân nhắc chuyện con cái, nhiều thời gian để hai người có nhiều kỷ niệm đẹp hơn…
Để con lớn rồi mới sinh tiếp
Chỉ vì muốn có thời gian chăm sóc và nuôi dạy con đầu lòng tử tế nên vợ chồng chị Nhiên (Vũ Thư, Thái Bình) trì hoãn đợi bé đầu lớn rồi mới sinh bé thứ hai. Tuy nhiên, trong thời gian đó khi bé trai đầu lòng được 1 tuổi thì chị Nhiên mang thai. Đã có dự định nên hai vợ chồng quyết định bỏ đứa bé trong bụng.
Khi con lớn được 12 tuổi thì chị quyết định sinh đứa thứ hai, dù đã bỏ biện pháp phòng hộ nhưng thời gian trôi qua 2 năm bụng chị vẫn không có động tĩnh. Chị Nhiên quyết định đi khám thì mới biết mình bị tắc vòi trứng do biến chứng của lần nạo phá thai nhiều năm trước. Bây giờ muốn có con tiếp thì rất khó khăn và cần kiên trì điều trị.
Có bệnh vái tứ phương, hai vợ chồng hết tìm thuốc nam, thuốc bắc, thuốc tây của không biết bao nhiêu nơi mà vẫn chẳng có kết quả. Khi tuổi đã tứ tuần chị hoàn toàn tuyệt vọng, nghĩ “lớn tuổi như vậy thì còn đẻ đái gì nữa” thế mà một lần đang ngồi ăn cơm chị cảm thấy cổ họng không thoải mái, ngửi thấy mùi trứng chiên thì nhịn không được chạy vội vào toilet.
Chồng chị thấy vậy cũng sốt ruột, vốn có tính cẩn thận nên anh bắt chị phải đi khám xem thế nào, nếu có bị bệnh gì thì còn biết sớm mà chữa. Kết quả quả là chị không có vấn đề gì ngoài cái thai 3 tuần tuổi trong bụng. Vậy là ở tuổi tứ tuần, chị chuẩn bị tinh thần để lâm bồn lần thứ 2.
Quyết tâm sinh công chúa
Đứa con đầu lòng nhà chị Quý là một cu cậu kháu khỉnh, hai vợ chồng cũng mừng đứa đầu là con trai thì những đứa sau là con trai hay con gái đều được. Thế nhưng hai người lại té ngửa khi nghe bố mẹ chồng tuyên bố: “hai chúng mày muốn làm gì thì làm nhưng phải sinh cho nhà này một đứa con gái”. Hai vợ chồng nhìn nhau không biết nên khóc hay nên cười. Nhà người ta thì mong ngóng con trai, nhà này thì lại chỉ mong có đứa con gái.
Có lần chị lân la hỏi mẹ chồng sao lại muốn đẻ bằng được con gái thì mẹ chồng chị tỉnh bơ nói: “Mày không thấy nhà này trừ phận làm dâu là đàn bà thì không có con gái à?” Chị ngớ người mới ngẫm lại thấy đúng thật nhà này toàn con trai, chị chắc mẩm “chắc ngày xưa mẹ cũng cố đẻ bằng được con gái nhưng không thành nên bây giờ giao lại trách nhiệm cho mình.”
Đứa lớn vừa tròn 5 tuổi thì chị sinh tiếp đứa thứ hai, nhưng lần này làm bố mẹ chồng chị thất vọng rồi, chị sinh tiếp một cu cậu. Lúc này chị cũng đã 36 tuổi, muốn có đứa nữa thì cũng phải đợi ít nhất 2-3 năm nữa. Vì nghĩ lớn tuổi sinh con thì hơi nguy hiểm nên chị thăm dò ý mẹ chồng thì bà bảo: “Sinh tiếp chứ sao, mẹ ngày xưa cũng tới 42 tuổi vẫn sinh đấy, có làm sao đâu”.
Vốn bố mẹ chồng đối với chị cũng như con trong nhà, không có kiểu đay nghiến hay hậm hực mà mong muốn của hai ông bà chỉ là có đứa cháu gái nên chị cũng cố gắng. Khi 40 tuổi chị mang thai tiếp, lần này thì là con gái đúng như ý bố mẹ chồng nên cả hai chăm chị lắm.
Ngày sinh bé gái, ông bà tranh nhau bế, lại tranh nhau đặt tên cho con bé, cuối cùng để giảng hòa, chồng chị bảo giấy khai sinh thì theo tên ông nội đặt, ở nhà thì gọi tên bà nội đặt hai người mới thôi. Thế là chị hoàn thành nhiệm vụ, cũng nhẹ cả người khi chị con gái sinh ra khỏe mạnh, lành lặn.
Thư Thư
Theo tạp chí Sống Khỏe